Hãng thông tấn AP trích dẫn phúc trình hàng năm của Hội ân xá Quốc tế cho biết giới hữu trách Việt nam tiếp tục chà đạp nhân quyền trong năm 2004 qua việc cầm tù một số nhân vật bất đồng ý kiến chính trị và tôn giáo, ép buộc tín đồ các tôn giáo từ bỏ tín ngưỡng của họ, và xử bắn hàng chục tội phạm.
Theo phúc trình này, chính quyền Việt nam đã vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng hồi năm ngoái khi hàng ngàn người Thượng ở vùng Tây Nguyên biểu tình nhân dịp lễ Phục sinh để phản đối điều mà họ cho là tệ nạn đàn áp tự do tôn giáo và tịch thu đất đai bừa bãi.
Theo ghi nhận của tổ chức nhân quyền nổi tiếng thế giới này, giới hữu trách Việt nam đã xử dụng sức mạnh quá đáng và thô bạo để giải tán cuộc biểu tình; và có ít nhất 8 người bị sát hại một cách phi pháp và hàng trăm người bị thương trong vụ trấn áp sau đó.
Lâu nay, chính phủ ở Hà nội vẫn nói rằng chỉ có 2 người biểu tình thiệt mạng vì trúng phải đá do những người biểu tình khác ném. Cũng theo tổ chức nhân quyền có bản doanh ở London này, chính phủ Việt nam tiếp tục tước đoạt quyền tự do tôn giáo của một số giáo hội hoạt động mà không có sự chấp thuận của nhà cầm quyền.
Ngoài ra, Hội ân xá Quốc tế tố cáo rằng trong năm 2004, chính phủ ở Hà nội đã giam cầm những nhân vật bất đồng chính kiến vì họ tỏ ý chống đối chính phủ độc đảng.
Một trong số những nhân vật bất đồng chính kiến này là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người đã bị kêu án 30 tháng tù sau phiên xử dài 3 giờ đồng hồ và không có luật sư biện hộ.
Hội ân xá Quốc tế cũng chỉ trích chính phủ Cộng sản Việt nam thường xuyên áp dụng án tử hình và nói rằng có ít nhất 88 người bị tuyên án tử hình trong năm 2004, và có ít nhất 64 người đã bị xử bắn.
Trong cuộc họp báo tại Hà nội hôm thứ tư, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt nam, ông Lê Dũng đã lên tiếng bác bỏ những tố cáo trong phúc trình của Hội ân xá Quốc tế. Người phát ngôn này nói nguyên văn rằng chúng tôi bác bỏ những thông tin hoàn toàn bịa đặt và những nhận xét không khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt nam do ‘Tổ chức ân xá Thế giới đưa ra trong báo cáo hàng năm ngày 22/5/2005’.
Ông Lê Dũng cũng lập lại lời tuyên bố mà giới hữu trách Việt nam vẫn thường đưa ra mỗi khi bị chỉ trích về thành tích nhân quyền: ‘ở Việt nam không có vấn đề đàn áp tôn giáo, không có việc cưỡng bức bỏ đạo, không có ai bị giam giữ vì lý do tôn giáo và bất đồng chính kiến; chỉ có những người bị bắt vì vi phạm pháp luật và bị xử lý theo đúng các qui định của luật pháp Việt nam.’