Thưa quý thính giả, tại một buổi hội thảo do Đại Học Johns Hopkins tổ chức mới đây, bàn về tình hình Việt Nam và chính sách đối ngoại của chính phủ Việt Nam, một số học giả và chuyên gia quốc tế trình bày ý kiến của họ về các quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ vv… Chủ Nhiệm Ban Chính Trị tại đại sứ quán Việt Nam, ông Đặng Đình Quý đề cập đến mục tiêu mà chính phủ Việt Nam đang nhắm tới, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách đối ngoại của Hà Nội trong tương lai. Mời quý vị nghe Hoài Hương tường trình tiếp về cuộc hội thảo quanh chủ đề: Việt Nam trên Sân Khấu Thế Giới diễn ra tại trụ sở Trung Tâm Nghiên Cứu Hòa Bình Carnegie nằm trên đường Massachusetts tại thủ đô Washington. Mời quý vị theo dõi.
I.Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản
Thưa quý vị, nói tới các quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới hiện nay, thì một điểm sáng là quan hệ với Nhật Bản. Theo giáo sư Tomohiko Taniguchi, một nhà nghiên cứu người Nhật đang làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách Đông Bắc Á tại Viện Nghiên Cứu Brookings, thì quan hệ giữa Hà Nội và Tokyo trong thời gian tới là một quan hệ rất có triển vọng, và sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
Điều thứ nhất tôi muốn nói là đối với Nhật Bản, Việt Nam quan trọng hơn quý vị tưởng rất nhiều. Và thứ hai, Nhật Bản cần đến Việt Nam không thua gì Việt Nam cần đến Nhật Bản.
Giáo Sư Taniguchi đã nhắc qua đến những cuộc phản đối dữ dội chống Nhật Bản đã diễn ra tại Trung Quốc hồi gần đây, liên quan tới cách diễn giải lịch sử trong một số sách giáo khoa mới của Nhật Bản. Giáo sư Taniguchi nói rằng trong bối cảnh ấy, Nhật Bản đang rất cần đến tình hữu nghị của các nước trong khu vực, và theo ông thì Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi không khơi lại chuyện cũ, tức là những hành động tàn ác của quân đội Nhật Hoàng trong thời chiến tranh để đả kích Nhật Bản. Cùng lúc, Việt Nam rất cần đến sự giúp đỡ của nước ngoài, nhất là về phương diện đầu tư để xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở.
Giáo sư Taniguchi nói lý do thứ Hai vì sao Nhật Bản muốn giúp đỡ Việt Nam là vì sự cần cù của người Việt Nam.
Và vì những lý do đó, mà Việt Nam rất có triển vọng trở thành nước được Tokyo chú ý đến khi Nhật Bản chọn một nước khác để thay thế Trung Quốc trong tư cách là đối tượng để nhận những trợ giúp của Chương trình Viện Trợ Phát Triển Nhật Bản.
Trung Quốc trong nhiều năm đã là một thân chủ rất quan trọng trong chính sách Phát Triển Viện Trợ của Nhật Bản. Hãy xét tới số liệu sau đây: một khoản tiền cho vay lên tới 2 tỉ 100 triệu mỹ kim, đó là trong năm 2000, là ngân khoản lớn nhất mà Nhật Bản đã cho Trung Quốc vay với lãi suất rất thấp theo tinh thần chương trình phát triển viện trợ. Số tiền này lẽ ra được chuyển cho Trung Quốc, nếu không có một sự dàn xếp sẵn, khi nước này được coi như đã tốt nghiệp, nghĩa là không còn được xem là cần đến số tiền này nữa. Ngân khoản ấy sẽ được chuyển sang cho một nước khác, bất cứ nước nào, ở bất cứ đâu, và theo bất cứ hình thức nào. Và nếu quý vị nhìn quanh, thì Việt Nam nổi bật như một trong những ứng viên sáng giá nhất, và có nhiều triển vọng nhất.
Đó là ý kiến của Giáo Sư Tomohiko Taniguchi thuộc Viện Nghiên Cứu Brookings, và là tác giả của nhiều sách có giá trị phân tích hiện tình thế giới.
II.Quan hệ với Nga
Trong thời chiến tranh Việt Nam, Việt Nam và Liên Bang Sô Viết Cũ từng có quan hệ đồng minh và chia sẻ chung một ý thức hệ, ngày nay, quan hệ giữa Việt Nam với nước Nga bây giờ đang trong tình trạng nào? Một nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề Việt Nam, từng phục vụ tại Đại Sứ Quán Nga ở Hà Nội, là Giáo Sư Vladimir Mazyrin thuộc Viện Á Châu và Phi Châu Học, nói như sau về quan hệ Việt-Nga:
Trung Quốc đã thay thế Liên Bang Sô Viết trong vai trò là nước đồng minh chủ yếu của Hà Nội, không những về phương diện lấy kinh tế và chính trị ra làm nền tảng cho mối quan hệ hai bên. Ngoại trừ việc dựa vào ASEAN với mục đích duy trì quan hệ mậu dịch và thế cân bằng lực lượng trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, nước Nga ngày nay không thực sự duy trì các mục tiêu chiến lược nghiêm túc tại vùng Đông Nam Á, hoặc nói cho đúng hơn, không có đủ quyền lực để thực thi các mục tiêu chiến lược ấy nữa.
Còn về phía Việt Nam, Giáo Sư Mazyrin cho rằng Hà Nội bây giờ chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực liên quan tới quyền lợi của Việt Nam, trong quan hệ với nước đồng minh cũ.
Về phần mình, Việt Nam không còn được sự ủng hộ nghiêm túc nào từ Mascơva, liên quan tới nước Nga, Việt Nam bây giờ chỉ nhắm vào mục tiêu nới rộng mậu dịch, chủ yếu là mua lại vũ khí của Nga, khai thác các tài nguyên thiên nhiên, và bảo vệ công dân Việt Nam sinh sống tại nước Nga.
Giáo Sư Mazyrin thừa nhận rằng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và nước Nga hiện nay không tốt đẹp như hai bên mong muốn. Ông đưa ra một vài ví dụ cụ thể để giải thích rõ hơn về quan hệ Việt-Nga – chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế- trong câu chuyện với Hoài Hương sau đây:
Giáo Sư Mazyrin kết luận rằng hai bên nên đi tìm những cơ chế mới để cố gắng phát triển mối quan hệ song phương.
III. Quan điểm của Cố Vấn Chính Sách Việt Nam.
Trong các diễn giả được ban tổ chức của Đại Học John Hopkins mời trình bày quan điểm về chính sách đối ngoại của Việt Nam, có ông Đặng Đình Quý, Chủ Nhiệm ban Chính Trị tại Đại Sứ Quán Việt Nam ở Hoa Kỳ. Ông Đặng Đình Quý từng là Phó Giám Đốc Bộ Kế Hoạch Chính Sách và Chủ Nhiệm Ban Kinh Tế của Bộ Ngoại Giao Việt Nam. Trong phần mở đầu, ông Đặng Đình Quý đã đưa ra một vài nhận xét về những thay đổi từng giai đoạn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam từ khi Hà Nội cho áp dụng chính sách mở cửa từ năm 1986.
Ông Quý nói: có thể mô tả chính sách đối ngoại của Việt Nam qua hai cụm từ: thứ nhất là đa-dạng-hóa, và thứ hai là đa phương hướng. Ông Quý giải thích rằng đa dạng hóa là về mặt hình thức và về khu vực quan hệ, và đa hướng theo ý nghĩa đối tác và đối tượng trong quan hệ đối ngoại. Theo ông Quý, thì trong 20 năm qua, chính sách đối ngoại ấy đã giúp Việt Nam chiếm được một chỗ đứng mà Hà Nội cho là tối ưu trên sân khấu thế giới. Ông Quý nhắc lại lời phát biểu của Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ đêm hôm trước, rằng Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước chủ yếu trên thế giới, và đây là lần đầu Việt Nam có quan hệ bình thường với tất cả các nước trên thế giới, và ông nói tiếp rằng, nếu Việt Nam đạt được mục tiêu gia nhập WTO vào cuối năm nay, thì Việt Nam sẽ là thành viên của tất cả các tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng nhất.
Ông Đặng Đình Quý nói rằng thành quả trong các chính sách đối ngoại Việt Nam cho tới nay, có được là dựa trên nền tảng sự thành công của chương trình cải cách và đà phát triển kinh tế của Việt Nam, nhưng cùng lúc sự thành công trong chính sách đối ngoại cũng có ảnh hưởng lớn lao đến các chính sách đối nội.
Ông Quý nói sự thành công về mặt đối ngoại có thể tác động đến tư duy của các nhà làm chính sách theo hai cách:
1. vị thế của đất nước trên sân khấu thế giới giúp các nhà làm chính sách tự tin hơn và độc lập hơn trong công tác lập ra chính sách đối nội, hoặc lập ra chính sách nói chung.
2. nâng cao nhận thức của các nhà làm chính sách về nhu cầu cần phải bảo đảm chính sách đối nội phải thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế, hoặc phải phù hợp với những cam kết mà Việt Nam đã hoặc sẽ ký kết với thế giới bên ngoài.
Ông Quý nói tuy rằng theo dự kiến, Việt Nam trong tương lai sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại đa dạng và đa hướng, thế nhưng sẽ có một số thay đổi trong việc thực thi chính sách ấy.
Ông Quý nói chính sách đối ngoại Việt Nam trong tương lai sẽ phải cải thiện để tăng hiệu năng và tập trung hơn vào việc phục vụ mục tiêu mà nhà nước Việt Nam nhắm tới, là tới năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp hóa. Và chính đó là điểm gây nhiều chú ý nhất trong phần trình bày của ông Đặng Đình Quý tại buổi hội thảo.
Hoài Hương đã có trao đổi với một số diễn giả có mặt về mục tiêu này. Trước hết là ông Bùi Huy Khoát, Giáo Sư thỉnh giảng của Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Hà Nội và thành phố HCM, hiện đang nghiên cứu về Liên Hiệp Châu Âu tại Viện Nghiên Cứu Châu âu.