Trong loạt bài đánh dấu kỷ niệm lần thứ 30 biến cố 30 tháng tư năm 1975, chúng tôi đã mời quý thính giả suy ngẫm về một số sự kiện quá khứ, đánh giá tính hình mọi mặt hiện tại ở Việt Nam, và cùng nhìn về tương lai để thử dự đoán những diễn biến trong thời gian tới.
Trong tinh thần nhìn về phía trước này, hôm nay chúng tôi xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây với Giáo sư Carl Thayer, một học giả hàng đầu về các vấn đề Việt Nam. Hiện nay Tiến sĩ Carl Thayer là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp Cao thuộc Đại học Johns Hopkins ở thủ đô Washington. Cuộc phỏng vấn này do Nguyễn Lê thực hiện.
VOA: Tháng giêng năm nay, ông nói rằng Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh có phần chắc sẽ không bị thay thế tại Đại hội 10. Từ đó đến nay có diễn biến nào khác có thể làm ông thay đổi tiên đoán đó hay không?
Vâng, tôi đã nhận được nhiều hồi âm từ những người Việt Nam ở trong nước cho thấy chưa có gì được quyết định cả. Vẫn còn tùy ở sự quyết định của các đại biểu. Nhưng có một số vận động ở hậu trường của những quan chức cao cấp đã nghỉ hưu nhằm gây ảnh hưởng tới kết quả chọn lựa lãnh đạo. Đặc biệt họ nêu lên thời gian mà ông Nông Đức Mạnh đã phục vụ trong Bộ Chính trị, và điều này tạo áp lực muốn thay đổi. Theo ý tôi thì họ tuyệt đối đúng khi nói rằng quyết định về lựa chọn lãnh đạo chưa phải là dứt khoát vào lúc này, và sẽ tùy vào Ban Tổ chức Trung ương Đảng và các đại biểu tham dự Đại hội Đảng đưa ra quyết định đó. Những đại biểu này hiện nay chưa được đề cử.
VOA: Không giống nhiều đại hội trước, cho đến nay người ta chưa thấy có bao nhiêu đồn đoán về khả năng thay đổi lãnh đạo hay đường lối chính trị-kinh tế trước đại hội lần này. Tại sao như vậy?
Hiện nay các cấp ủy Đảng chỉ mới bắt đầu giai đoạn đầu của việc tiến hành đại hội Đảng ở cấp cơ sở. Họ đang tiêu hóa những tài liệu và ấn định thời biểu. Theo tôi nghĩ thì chỉ khi nào tiến trình đó khởi sự chúng ta mới có thể có thêm thông tin. Nhưng tiến trình tập trung dân chủ đang gây căng thẳng giữa giai cấp lãnh đạo –tức là những đảng viên kỳ cựu trong Đảng muốn tìm cách quyết định tương lai của Đảng và sắp xếp mọi việc, và sức ép xuất phát từ mọi nơi trong nước, từ cấp dưới lên, liên quan đến chiều hướng theo đó họ mong muốn mọi việc diễn ra. Khi tôi trình bày tham luận của tôi hồi đầu năm nay tôi có nêu lên sự kiện là đôi khi có một số viên chức không được bầu, và thường thường mãi đến tận phút chót, như chúng ta đã thấy xảy ra tại đại hội 9, một loạt những trao đổi khẩn trương. Lúc đó có vẻ như là ông Lê Khả Phiêu sẽ được bầu lại. Nhưng đột nhiên có những thông tin mới được tiết lộ liên quan đến vai trò của ngành tình báo quân đội. Điều đó, cùng những điều khác, đã dẫn đến việc ông Phiêu bị mất chức. Do đó, tôi xin nhắc lại là chúng ta còn phải chờ một thời gian dài nữa mới biết được vấn đề lãnh đạo sẽ diễn biến như thế nào.
VOA: Nếu ông Nông Đức Mạnh bị thay thế, liệu Tổng Bí thư mới có sẽ thay đổi đường lối chính trị, kinh tế, đối ngoại của ban lãnh đạo hiện nay hay không?
Có lẽ sẽ không có thay đổi bao nhiêu. Thời kỳ của những người hùng của Đảng đã qua rồi. Lấy thí dụ như thời kỳ từ năm 1960 đến tháng 7 năm 1986, lúc ông Lê Duẫn đang tại vị và có một phe phái riêng rất mạnh--thời kỳ đó đã qua rồi. Như tôi đã có nêu lên, từ đó đến nay chưa có tổng bí thư đảng nào phục vụ trọn 2 nhiệm kỳ 5 năm. Do đó, tổng bí thư thường là một ứng cử viên thỏa hiệp phải làm trung gian giữa các phe phái chính trị. Trong một câu hỏi trước, ông có hỏi là trong giai đoạn chuẩn bị đại hội sẽ có thay đổi định hướng nào không, thì dường như cái khung kinh tế đã được quyết định rồi. Chỉ còn chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng và an ninh đối ngoại-tôi muốn nói các mối quan hệ với Hoa Kỳ-thì đang nổi lên như những vấn đề nóng bỏng. Có thể có những người trong đảng muốn có một mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ sẽ chống đối những người muốn hạn chế mối quan hệ này. Việc lựa chọn tổng bí thư đảng có thể phản ánh thế lực của những phe nhóm này. Thế nên, lĩnh vực có giới hạn đó cho thấy chính sách đối ngoại tổng quát của Việt Nam có khả năng thay đổi.
VOA: Như thế thì ông không thấy có một ứng viên mạnh nào như kiểu Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân, hay Ôn Gia Bảo của Đảng Cộng sản Trung quốc sẽ xuất hiện ở Việt Nam?
Chúng ta thấy có một nhóm rất nhỏ vài cá nhân thôi. Tổng bí thư kế tiếp phải là người nằm trong một nhóm nhỏ đã phục vụ trong Bộ Chính trị , trừ phi Việt Nam thay đổi hẳn tập quán trước đây của họ. Cho nên số cá nhân này rất ít, ít lắm.
VOA: Người ta có thể xem ước muốn lãnh đạo theo đồng thuận của Đảng Cộng sản Việt Nam như một biểu hiện của chất lượng lãnh đạo xoàng xĩnh hay không?
Tôi xin nói rằng đây không phải chỉ là chuyện mong muốn có sự đồng thuận. Đây còn là phương cách họ tổ chức sự kế tục lãnh đạo. Sự kế tục này đòi hỏi phải có thâm niên phục vụ ở cấp cao nhất. Tôi đã được cho biết là phương cách tổ chức đó không cho phép người Việt Nam bổ nhiệm một nhân vật lãnh đạo cấp thành phố hay cấp tỉnh đã đạt được những thành quả rất đặc biệt nhưng chưa phục vụ trong Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Trong hệ thống của Hoa Kỳ, quý vị không cần có thành tích phục vụ trong Quốc hội trước, rồi sau đó mới được ứng cử làm tổng thống. Quý vị có thể lãnh đạo một tiểu bang như Texas rồi đi thẳng lên chức vụ cao nhất nước.
Trong trường hợp của Việt Nam, thì nước này làm chậm trễ đến 10 năm sự thăng tiến của một người lãnh đạo địa phương năng động và hiệu quả có thể mang kinh nghiệm của mình ra giúp nước, và còn bắt buộc cá nhân đó phải đứng lùi lại, trong một môi trường của sự đồng thuận, để cho những nguyên tắc lãnh đạo tập thể được thắng thế đối với cá nhân. Việt Nam chưa cảm thấy thoải mái với những người lãnh đạo mạnh theo kiểu Trung quốc hay Hoa Kỳ.
VOA: Trong một bài tham luận mới đây, ông nhận xét rằng Việt Nam đã sẵn sàng đi vào một giao đoạn hợp tác mới về quân sự với Hoa Kỳ. Theo ông, sự hợp tác này có thể đi xa đến mức nào?
Tôi có nói có những dấu hiệu cho thấy có sự chống đối rất mạnh trong việc này. Nó có thể đi xa đến đâu à? Trước hết, quan hệ giữa hai nước hiện nay chỉ mới giới hạn trong các cuộc đi thăm cấp cao của bộ trưởng quốc phòng với một khoảng cách là 3 năm. Cho nên nếu mối quan hệ này được cải thiện thì điều đó có nghĩa là sẽ có những cuộc viếng thăm thường xuyên hơn ở cấp cao, những cuộc viếng thăm thường xuyên hơn của các lực lượng quân sự Hoa Kỳ. Cho tới nay đã có 3 tàu chiến Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam. Nhưng số lượng những cuộc viếng thăm này hơi ít, so với nhiều nước khác trên thế giới. Có lẽ hai nước sẽ tiến tới chỗ có những hoạt động kết hợp. Điểm then chốt là liệu Việt Nam có sẽ đồng ý tham gia hay không vào cái gọi là IMAP-tức là Chương trình Giáo dục và Huấn luyện Quân sự Quốc tế. Trước đây đã có một số tiền hạn chế được dành sẵn cho Việt Nam, nhưng cho đến nay Việt Nam đã không nhận. Nếu họ chịu nhận, thì điều đó sẽ có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ có khả năng huấn luyện một số người Việt Nam nhiều hơn hiện nay.
VOA: Ông đánh giá như thế nào về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ sắp tới của Thủ tướng Phan Văn Khải và chuyến đi Hà Nội của Tổng thống Bush sang năm?
Vâng, tôi sẽ lần lượt đề cập đến từng chuyến đi một. Cấp bậc của chuyến viếng thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải chưa được xác định. Phía Việt Nam muốn đây là một chuyến đi thăm chính thức, một cuộc đi thăm ở cấp quốc gia, còn Hoa Kỳ thì chỉ muốn xem đây là một chuyến đi thăm làm việc, có nghĩa là một cấp thấp hơn. Chuyện này hiện nay đang được hai bên thương thảo. Và Hoa Kỳ thì vẫn giữ lập trường là muốn có một chuyến viếng thăm làm việc. Như thế có nghĩa là tiến tới một cách chậm hơi đôi chút so với ý muốn của Việt Nam về tính cách biểu trưng của chuyến đi. Họ muốn chuyến viếng thăm có một cấp cao hơn.
Kết quả của chuyến đi này và việc xác định liệu Việt Nam có tuân thủ đầy đủ một loạt những vấn đề khác sẽ quyết định tính chất của chuyến đi của Tổng thống Bush đến Hà Nội. Ông Bush đi Hà Nội để dự cuộc họp thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, chứ không phải đi thăm chính Hà Nội. Do đó, cuối cùng thì tính chất của chuyến đi thăm đó sẽ không tùy thuộc tính biểu trưng mà tùy thuộc vào việc Việt Nam có thực hiện đúng những điều đã hứa hay không và có làm cho ông Bush thấy có lợi trong việc chuyển chuyến đi dự hội nghị APEC thành một chuyến đi thăm Việt Nam hay không.
VOA: Xin cám ơn Giáo sư Thayer.