Vào năm 2002, trong một bài báo nói về cuộc chiến tại Afghanistan, có đoạn viết rằng các lực lượng trong liên minh chống khủng bố do Hoa Kỳ lãnh đạo đã gặp nhiều khó khăn trong việc truy lùng các nhóm tàn quân Al Qaida đang ẩn náu trong những hang động nằm sâu dưới lòng đất.
Khó khăn này đã được khắc phục bởi một nhóm chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nhất về chất nổ, trong đó có một phụ nữ tị nạn Việt Nam, đó là cô Dương Nguyệt Ánh. Nhân sắp đến ngày 30 tháng Tư, đánh dấu 30 năm kể từ khi miền Nam thất thủ, nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh đã dành cho đặc phái viên Trần Nam của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ một cuộc phỏng vấn liên quan đến những đóng góp của người phụ nữ Việt tị nạn này tại Hoa Kỳ:
Thưa quí thính giả, đến Hoa Kỳ cùng với gia đình vào năm 1975 với tư cách là một người tị nạn sau khi miền Nam thất thủ, cô Dương Nguyệt Ánh đã cố gắng vượt qua những khó khăn trở ngại lúc ban đầu để trở thành một khoa học gia xuất sắc, và hiện nay là Tổng Giám Đốc về Khoa Học và Kỹ Thuật của Trung Tâm Nghiên Cứu và Chế Tạo Vũ Khí của Hải Quân Hoa Kỳ ở Maryland trong vùng phụ cận thủ đô Washington. Đây là 1 trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu của nước Mỹ về kỹ thuật Quốc Phòng và nhất là về chất nổ. Cô kể lại những ngày đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ như sau:
Nơi đầu tiên mà chúng tôi đặt chân đến ở Hoa Kỳ là một trại tị nạn ở Pennsylvania, sau đó thì chúng tôi được một Nhà Thờ Tin Lành ở Hoa Thịnh Đốn bảo trợ cho xuất trại và họ đã giúp đỡ gia đình chúng tôi trong những bước đầu. Năm đó thì tôi được 15 tuổi. Cũng như rất nhiều người tị nạn thời đó, vốn liếng tiếng Anh của tôi thì không có nhiều, có lẽ chỉ trên dưới 50 chữ là may lắm nhưng mà tự ái dân tộc thì phải nói là quá nhiều thành ra tôi đã cố gắng học ngày học đêm. Tôi quan niệm rằng mình phải cố gắng như thế nào để qua mặt các bạn Hoa Kỳ cùng lớp. Lúc đó tôi mơ ước khi lớn lên thì phải thành công, ít ra là cũng ngang với họ để không ai có thể nói rằng người Việt Nam là dân tị nạn ăn bám. Cũng vì cái lòng tự ái dân tộc rất là mạnh đó mà tôi đã tốt nghiệp Trung Học và Đại Học với hạng danh dự. Và nhờ đó tôi đã được tuyển vào làm tại Trung Tâm Nghiên Cứu của Hải Quân Maryland.
Ngay từ đầu tôi đã được một cái may mắn là học hỏi và cộng tác với các khoa học gia ưu tú của Hoa Kỳ trong lãnh vực này, thành ra khi gặp được thầy giỏi bạn giỏi thì việc của mình là chỉ có tha hồ mà học hỏi và hấp thụ kinh nghiệm của họ mà thôi. Lúc đầu thì dĩ nhiên tôi làm việc dưới sự chỉ đạo của các khoa học gia đi trước, và sau này mình dùng sáng kiến chuyên môn riêng của mình để đệ trình những chương trình nghiên cứu khoa học mới, và tôi được may mắn chấp thuận cho lãnh đạo các chương trình này, và đó chỉ là nghề dạy nghề thôi thưa ông.
VOA: Thưa cô, trước đây khi còn ở bậc Trung Học, cô có nghĩ rằng mình sẽ theo đuổại việc học để trở thành một khoa học gia, hay đó chỉ là một sự tình cờ?
Ngay từ lúc đầu, tôi phải nói là vì tiếng Anh của mình dở, lúc mới sang hãy còn chập chững và rất thiếu tự tin về khả năng Anh ngữ của mình, thành ra rất giống như những người tị nạn khác lúc bấy giờ, tôi nghĩ rằng mình muốn ngang hoặc là hơn các bạn cùng lớp thì mình phải dùng cái sở trường của mình, tức là toán hay khoa học, thay vì tranh đua với họ về những môn học chú trọng nhiều đến ngôn ngữ như là Anh văn hay là Lịch sử hay là học Luật chẳng hạn, những thứ đó không thể là cái mộng của tôi được vì lúc đó tôi thiếu tự tin lắm về cái khả năng Anh ngữ của mình, thành ra đó là con đường gần như bắt buộc đối với tôi lúc đó. Bản tính của tôi thì tôi lại thích văn chương, nếu tôi còn ở Việt Nam thì tôi nghĩ là tôi sẽ không theo đuổi ngành khoa học kỹ thuật mà chắc chắn là tôi theo ngành văn chương rồi.
VOA: Thưa cô trong thời gian qua, cô đã có những công trình khoa học nào được xem như là những đóng góp đáng chú ý trong lãnh vực này?
Thưa tất cả những thành quả chuyên môn của tôi đều nằm trong lãnh vực chất nổ hết. Trong vòng 12 năm, có lẽ tính từ đầu thập niên 90 thì tôi đã đem lại cho Hoa Kỳ hơn 10 chất nổ với sức công phá mạnh nhất và hiện đang được sử dụng trong quân đội Hoa Kỳ. Sứ mạng nổi bật nhất của tôi mà đã được Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đề cập cũng như được giới truyền thông biết đến nhiều có lẽ là sứ mạng nghiên cứu bom áp nhiệt trên chiến trường A Phú Hãn. Tôi đã hoàn thành sứ mạng này trong vòng 67 ngày, từ lúc nghiên cứu chế tạo cho đến lúc thử bom trên chiến trường. Thường thường một chương trình nghiên cứu như vậy phải mất từ 5 năm đến 7 năm, tuy nhiên lúc đó vì nhu cầu rất cấp thiết là phải có một loại vũ khí mới để tiêu diệt quân địch hay ẩn núp ở dưới những hang động nằm sâu trong lòng núi, bởi vì nếu không có các loại vũ khí này thì quân đội của Mỹ phải vào tảo thanh tận nơi và sẽ chết rất là nhiều, thành ra chúng tôi phải làm gấp ngày đêm.
VOA: Thưa cô, hiện nay nhu cầu này dường như không còn cấp thiết như trước đây, vậy công việc của cô có gì thay đổi không?
Hiện giờ thì tôi giữ chức vụ Tổng Giám Đốc về Khoa Học và Kỹ Thuật của Trung Tâm Nghiên Cứu và Chế Tạo Vũ Khí của Hải Quân Hoa Kỳ ở Maryland. Nhiệm vụ của tôi hiện nay là định hướng và điểu khiển tổng quát những chương trình nghiên cứu trên mọi lãnh vực về khoa học và kỹ thuật mà mục đích là đào tạo những thế hệ vũ khí tương lai cho Hoa Kỳ.
VOA: Thưa cô, là một khoa học gia thành công với những thành quả về khoa học như vừa kể, cô có thấy rằng sự kiện đó có ảnh hưởng hoặc làm thay đổi vai trò của một người phụ nữ Việt trong xã hội hoặc trong gia đình hay không?
Thưa, tôi nghĩ rằng tôi cũng giống như các phụ nữ Việt khác đã lớn lên ở đây là tôi mang cả 2 cá tính Mỹ và Việt. Khi giao tiếp ngoài xã hội hay ở sở làm thì tôi không có nhút nhát khép nép như là hình ảnh tiêu biểu mà người ta thường gán cho người phụ nữ Á Đông . Ở vai trò lãnh đạo của tôi thì tôi không thể nào rụt rè nhu mì được. Tuy nhiên khi về đến nhà thì tôi có cảm tưởng như là mình cổi một cái áo ra, mình thay đổi hẳn cái lối suy nghĩ. Khi về đến nhà thì tôi hoàn toàn là một phụ nữ Việt, nghĩa là tôi suy nghĩ như là một phụ nữ Việt và gia đình tôi sinh hoạt như là một gia đình Việt, chúng tôi nói tiếng Việt, nấu cơm Việt, và thường xuyên có những buổi họp mặt tại gia đình vào cuối tuần.
VOA: Thưa cô, cô làm thế nào để có thể dung hòa được sự khác biệt giữa 2 nền văn hóa Đông Tây như vậy?
Tôi quan niệm rằng không phải cái gì của Việt Nam cũng hay và không phải cái gì của Âu Mỹ cũng hay. Tôi cố gắng gạn lọc cái hay của 2 nền văn hóa để mà có thể giúp mình thành công trong xã hội Hoa Kỳ nhưng cùng lúc đó vẫn giữ được cái tinh thần phong phú của người Á Đông, nhất là vấn đề giáo dục con cái, thưa ông.
VOA: Thưa cô nếu có những người trẻ muốn học hỏi ở các bậc đàn anh đàn chị để thăng tiến trong xã hội Hoa Kỳ thì cô Ánh sẽ để lại cho họ những kinh nghiệm nào?
Dạ thưa như tôi đã trình bày ở những diễn đàn khác, công thức thành công của tôi, nếu nói một cách méo mó nghề nghiệp vì bằng cấp của tôi là kỹ sư hóa học, là 20% đầu não, cộng với 20% trái tim, và 60% mồ hôi. Ý tôi muốn nói là sự thông minh, theo tôi, tự nó không có giá trị nếu mà không được đi kèm với lý tưởng, đạo đức và nhất là tinh thần trách nhiệm . Khi chúng ta mới ra trường và mới bước chân vào nghề thì phần lớn những thành công của mình là tùy vào cái khả năng chuyên môn cá nhân. Tuy nhiên đó chỉ là lúc ban đầu thôi. Càng lên cao trong nấc thang nghề nghiệp, nhất là khi mình đi vào vai trò lãnh đạo thì cái thành công của mình càng lúc càng tùy thuộc vào những thành công của những người dưới mình, những người làm cho mình và tùy thuộc vào cái sự cộng tác và giúp đỡ của những người ngang mình hay là trên mình nữa. Vì thế mà sự lãnh đạo giỏi và khả năng chuyên môn giỏi đòi hỏi phải có một mối quan tâm sâu xa đến xã hội, đến quốc gia và nhất là đến những người cộng tác với mình. Nếu mình là người có nhiệm vụ dẫn đường thì chắc chắc là mình phải biết con đường nào là con đường phải, con đường nào là con đường đạo đức, con đường nào là con đường trách nhiệm, con đường nào là ích quốc lợi dân thì người ta mới đi theo mình.
VOA: Với tư cách là một người tị nạn Việt Nam, xin cô Ánh cho biết cảm nghĩ của cô về nước Mỹ, nhân sắp đến ngày kỷ niệm biến cố 30 tháng Tư?
Tôi nghĩ Hoa Kỳ không những là một thiên đường của tự do, dân chủ mà Hoa Kỳ còn là một thiên đường của cơ hội nữa . Tất cả chúng ta không lạ gì với những câu chuyện thành công của cộng đồng người Việt ở đây. Tôi biết có nhiều gia đình ở đây mà cả nhà đều có bằng Đại Học. Có nhiều gia đình mà cả nhà từ bố mẹ đến con cái đều là bác sĩ, dược sĩ hết, nghĩa là cả nhà đều có bằng tiến sĩ. Đối với những gia đình trong cộng đồng Việt Nam thì chuyện đó không có gì là lạ nhưng nếu chúng ta nhìn vào tỷ lệ những gia đình như thế trong cộng đồng da trắng ở đây hay là các cộng đồng da màu khác thì mới thấy rằng cộng đồng Việt Nam quả thật đã thành công rất là rực rỡ về phương diện nghề nghiệp cũng như về thương mại.
Chúng ta có rất nhiều hãng xưởng lớn nhỏ và nhiều cơ sở thương mại sầm uất. Cứ đi một vòng trong khu thương mại ở Little Saigon ở bên California thì cũng biết rồi. Theo tôi thì chắc chắn rằng sự thành công của chúng ta là nhờ tính chăm chỉ làm ăn của người Việt Nam với truyền thống giáo dục gia đình rất là mạnh. Tuy nhiên tôi cũng nghĩ rằng sự thành công đó cũng là nhờ tất cả chúng ta đều có cơ hội được sống ở một quốc gia có thể nói là tự do dân chủ vào bậc nhất thế giới, và nhờ những cái cơ hội mà chúng ta được có, tức là chúng ta đã được sự giúp đỡ của rất nhiều người dân Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ trong những bước đầu là những người tị nạn đến đây. Vì vậy lúc nào tôi cũng mong mỏi và quan niệm rằng bổn phận của chúng ta là phải góp phần gìn giữ nền tự do dân chủ này và góp phần vào việc giúp đỡ những người đến sau mình để họ có được những cơ hội như chúng ta đã có.
VOA: Cám ơn cô Ánh đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cuộc phỏng vấn hôm nay.