Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn ông Jerry Beckett, một cựu chiến binh Mỹ từng phục vụ tại Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam


Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, trong Câu Chuyện Phụ Nữ kỳ này, Minh Phượng nói chuyện với một gia đình cựu chiến binh Mỹ đã tham chiến tại một trong các chiến trường nóng bỏng và vào thời kỳ cao điểm của cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Anh Jerry Beckett là một cựu chiến binh Mỹ đã phục vụ tại Việt Nam. Anh kết hôn với một phụ nữ Việt Nam, đưa gia đình trở về Hoa Kỳ 3 năm trước khi chiến tranh kết thúc. Vợ chồng anh được 4 cô con gái hiện đã lập gia đình và có con cái riêng. Hai vợ chồng anh đã về hưu và vừa di chuyển từ tiểu bang California về một thành phố nhỏ ở tiểu bang Virginia để vui thú điền viên.

Nhắc lại thời kỳ phục vụ tại Việt Nam, anh Jerry cho biết anh được quân đội Hoa Kỳ phái tới Kontum lần đầu tiên vào tháng 6 năm 1964. Anh kể lại ấn tượng anh còn ghi nhớ về những ngày đầu đó:

"Tôi đã có những ngày vui và những ngày buồn lẫn lộn. Điều đáng ghi nhớ nhất khi được phái đi công tác tại một nước như thế là có dịp gặp gỡ và làm việc với những người và những nền văn hóa khác lạ. Tôi đã có những người bạn Việt Nam, những người đồng đội chiến đấu Việt Nam tại Kontum."

Trong khoảng thời gian từ 1964 đến 1966, anh đã làm việc tại Kontum, Dakto, Daksuk và gặp rất nhiều người tốt. Anh tình nguyện trở lại Việt Nam làm việc năm 1967 và đã gặp người bạn đời anh sau này trong thời gian anh công tác trong Chiến Dịch Phượng Hoàng. Anh Jerry cho biết anh sinh trưởng tại một thành phố nhỏ ở tiểu bang West Virginia, cha mẹ anh mất sớm và khi anh thành hôn và đưa người vợ Việt Nam về Mỹ thì tuy chị là một người hoàn toàn xa lạ, nhưng không có vấn đề gì về phía gia đình anh. Theo anh thì khó khăn là về phía chị, nhưng chị khẳng định:

Nhìn lại quá khứ, qua kinh nghiệm chiến đấu bên cạnh các binh sĩ của quân lực Việt Nam cộng hòa, anh nhận thấy các yếu tố nào đã khiến Mỹ và nam Việt Nam thất bại trước bộ đội miền bắc?

"Chắc chắn không phải là do các binh sĩ, bởi vì những người lính bộ binh thực sự chiến đấu thật là dũng cảm. Tôi đã làm việc với một đơn vị gọi là Ba lẻ hai. Tôi giữ nhiệm vụ cố vấn, nhưng đúng ra họ không cần đến sự cố vấn của tôi về việc phải chiến đấu như thế nào. Họ chỉ cần đến sự có mặt của tôi để huy động các đơn vị pháo binh hay không kích yểm trợ. Họ là những người lính tuyệt hảo mà tôi đã từng biết. Tóm lại, ở cấp dưới thì không có vấn đề gì. Nhưng đi ngược lên hệ thống chỉ huy, từ cấp đại tá trở lên đến cấp tướng thì tình trạng tham nhũng nhiều đến nỗi tôi có cảm tưởng họ không quan tâm gì đến những người lính, hay nhận thức được tầm mức quan trọng của sự kiện những người lính đã là lằn ranh duy nhất ngăn cách họ với việc họ bị miền bắc cướp chính quyền. Một phần nữa là chính sách của Mỹ. Với tư cách là một công dân Mỹ, tôi không thể ngờ Mỹ lại bỏ Việt Nam trong hoàn cảnh vô vọng như thế. Mặt khác, Mỹ có một quân đội được huấn luyện hoàn bị, nhưng họ lại không có ý chí chiến đấu. Họ không có được cái tinh thần chiến đấu như bộ đội miền bắc Việt Nam. Khi cấp lãnh đạo bỏ chạy thì cả nước sụp đổ như một bàn cờ domino. Tướng Giáp là người lãnh đạo bộ đội miền bắc đã tính phải mất 2 năm mới chiến thắng, ông ta đã vô cùng kinh ngạc thấy miền nam sụp đổ nhanh như thế. Sự thất bại theo tôi là phối hợp của nhiều nguyên do, vì chính sách sơ hở của Mỹ, vì cấp lãnh đạo quân đội miền nam, nhưng tôi cảm thấy rất buồn vì trong đời chưa bao giờ chứng kiến một sự sụp đổ như thế."

Thực ra thì anh Jerry rời Việt Nam từ tháng 7 năm 1972, nhưng anh cho rằng các dấu hiệu đã rõ từ khi đó. Nhiều đơn vị Mỹ không tham gia chiến trường nữa vì áp lực của các cơ quan truyền thông trong nước. Theo anh, Hoa Kỳ không có quyết tâm thắng cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ không đến Việt Nam với ý định chiến thắng; họ chỉ muốn vạch một lằn ranh giữa miền bắc và miền nam. Nhưng anh cho rằng trong khi phong trào cộng sản đã hoạt động từ thập niên 1940, thì không có hy vọng gì thắng được họ với một thái độ như thế. Bất cứ người lính nào đã tham gia chiến trường trên bộ, kể cả những người lính Việt Nam cộng hòa mà anh đã cùng làm việc, đều nói rằng nếu họ được phép ra miền bắc và tấn công miền bắc như bộ đội miền bắc đã tấn công miền nam, với một vài sư đoàn của miền nam Việt Nam và một vài sư đoàn của Hoa Kỳ thì chỉ trong vòng 6 tháng là chúng ta có thể đã chiến thắng. Nhưng họ đã sợ phản ứng của Trung Quốc, sợ điều này, điều khác. Thực là một chuyện đáng buồn khiến hàng trăm ngàn người phải hy sinh tính mạng một cách vô ích.

Anh có còn liên lạc với các chiến hữu Việt Nam, hay có tham gia một tổ chức cựu chiến binh Mỹ nào hay không?

"Tôi có chân trong một vài tổ chức cựu chiến binh nhưng không liên lạc với họ nhiều vì đa số đều là các tay bợm nhậu, mà tôi thì lại không uống rượu. Tôi đã giúp rất nhiều bạn trong đại đội "ba lẻ hai" ra khỏi nước và họ đang sống ở miền bắc và miền nam tiểu bang California. Thỉnh thoảng chúng tôi liên lạc với nhau và chuyện trò qua điện thoại. Theo tôi, thì khi đã cùng chiến đấu bên nhau thì tình bạn gắn bó hơn ngoài đời thường rất nhiều, vì một khi đã cùng nhau chiến đấu, cùng chứng kiến cảnh người chết, và chịu đựng những cam go với nhau thì tình bạn đó vững chắc như keo sơn."

Anh có theo dõi những diễn biến gần đây ở Việt Nam không, và anh nghĩ sao về quan hệ Việt-Mỹ hiện nay?

"Tôi không thích quan hệ Việt-Mỹ cho lắm. Những người Việt thuộc thế hệ lớn tuổi hiểu Cộng sản như thế nào. Những người trẻ lớn lên ở Mỹ không có khái niệm gì nếu họ không được cha mẹ kể lại. Nhưng cộng sản là những người rất sắt máu và ác độc. Tôi nói chuyện với những người ra khỏi nước và hỏi thăm tình hình hiện nay và chuyện này chuyện nọ. Vợ chồng tôi cũng tính trở về Việt Nam có lẽ vào năm tới vì chúng tôi sắp già cả rồi, và muốn thăm lại chốn cũ, biết đâu có thể gặp lại những người bạn xưa. Vâng, tôi có theo dõi các biến chuyển tại Việt Nam và được biết là người cộng sản bây giờ đã trở nên rất giàu có, nhất là những người ở các cấp bậc cao. Họ gửi con cái đi học bên Mỹ và mua nhà trả tiền mặt. Tôi thuộc phái bảo thủ nên không thích cái cảnh này. Tôi không hiểu sẽ xảy ra chuyện gì ở Việt Nam. Tôi nghe nói bây giờ họ cũng có rất nhiều vấn đề về ma túy, chẳng khác gì bên Mỹ, và họ còn có những vấn đề về bệnh AIDS.

Khi được đề nghị chia sẻ các cảm nghĩ của anh với nhân dân Việt Nam 30 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, anh Jerry đã tỏ ra rất xúc động:

"Hồi đó tôi là một người Mỹ trẻ tuổi, yêu nước, đáp lời kêu gọi của tổ quốc, đến Việt Nam để giúp mọi người, chứ không phải để làm hại ai... để bảo vệ những người yếu đuối trước nạn cộng sản, và giúp mọi người được sống tự do như chúng tôi ở bên Mỹ này... Tôi nghĩ nhiều ngàn người Mỹ, và người ở miền nam Việt Nam đã bỏ mình vì lý tưởng đó. Tôi muốn nhân dân Việt Nam hiểu rằng chúng tôi không muốn ai bị hại. Chiến tranh xảy ra và chiến tranh là như thế. Chúng tôi được gửi đến Việt Nam để thực hiện một sứ mạng cao cả và giúp mọi người được sống tự do, và tôi không bao giờ hối tiếc đã đến đó.

Vợ anh Jerry là chị Chiêu Mỹ là một cựu nữ sinh Trưng Vương. Sau khi đậu bằng tú tài, chị làm việc cho phái đoàn cố vấn Mỹ và đã gặp anh Jerry trong thời gian công tác ở Pleiku. Khi về Mỹ, chị đã xin được học bổng theo học lại và lấy được bằng cử nhân xã hội học, và sau đó học sư phạm để trở thành giáo viên. Anh chị có 4 cháu gái và chị cố gắng giúp các cháu gìn giữ phong tục Việt Nam:

Ngày 30 tháng tư năm 1975 thì chị đang ở đâu và chị có cảm tưởng như thế nào khi được tin Saigon sụp đổ? 30 năm đã trôi qua, thì chỉ có cảm nghĩ ra sao về biến cố 30 tháng tư đó?

Quý vị vừa nghe tâm sự của một cựu chiến binh Mỹ và người vợ Việt Nam của anh 30 năm sau khi cuộc chiến tranh kết thúc. Trong câu chuyện phụ nữ vào tuần tới, Câu Chuyện Phụ Nữ sẽ cống hiến quý vị cảm nghĩ của 2 người con anh chị Jerry và Chiêu Mỹ Beckett về di sản của cuộc chiến Việt Nam.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG