Đường dẫn truy cập

Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế: Lộ đồ 9 điểm nhằm dân chủ hóa Việt Nam


Tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam đã được dư luận thế giới chú ý khá nhiều trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi các giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Quốc hội dành thêm thời giờ để họ thảo luận với các giới chức ở Hà Nội về việc cải thiện vấn đề tự do tôn giáo. Nhân dịp này, phái viên truyền hình của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đã phỏng vấn Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhân vật tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ Việt Nam từng bị chính quyền Hà Nội giam cầm trong nhiều năm. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, hiện cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi được nhà chức trách phóng thích trong đợt đặc xá nhân dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Sau đây là những nội dung chính của cuộc phỏng vấn:

VOA: Xin ông cho biết một cách tổng quát về tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay?

Tôi khẳng định với quí vị rằng nhân quyền ở Việt Nam không những không được cải thiện mà còn có chiều hướng suy giảm, đi xuống trong những năm gần đây. Các nhà hoạt động đối lập đều bị bỏ tù, các tôn giáo bị lũng đoạn — nhà nước chỉ công nhận các giáo hội do Đảng làm ra mà người dân Việt Nam thường gọi là giáo hội quốc doanh. Muốn đi tu phải được phép của chính quyền. Quyền tự do sinh sống, đi lại, tôn giáo của các dân tộc thiểu số cũng bị vi phạm nặng nề. Để tránh bị dư luận quốc tế lên án, phương cách của CS ngày càng tinh vi hơn — lỏng tay với quần chúng nhưng tập trung vào những người lãnh đạo, từ theo dõi, cô lập, đến quản thúc, bỏ tù.

VOA: Phải chăng dân chúng ở Việt Nam hiện nay vẫn được quyền công khai bày tỏ quan điểm và sử dụng mạng lưới thông tin toàn cầu Internet để liên lạc với nhau?

Việt Nam hiện nay không có tự do phát biểu công khai trên báo hoặc trên Internet. Tôi khẳng định với quí vị điều đó. Chính quyền Hà nội thường rêu rao có hơn 500 tờ báo và hàng chục đài truyền thanh truyền hình, nhưng tất cả đều do nhà nước điều hành. Các tin tức đều bị kiểm duyệt kỹ lưỡng. Thông tin chỉ có một chiều. Cho đến nay, sang đến thế kỷ 21, Việt Nam vẫn chưa có báo chí tư nhân hay là một đài truyền hình tư nhân. Bất cứ ai chỉ trích chính sách sai lầm của Đảng đều bị công an đe dọa, đuổi việc, khai trừ nếu là đảng viên. Tiếp tục chống đối, không chịu khuất phục sẽ bị tống giam. Tất cả các tài liệu đấu tranh đều phải in lén và phổ biến, phát tán bằng cách chuyền tay nhau.

VOA: Các giới chức chính phủ Việt Nam vẫn thường tuyên bố là họ hoàn toàn tuân thủ các qui định của công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Dân sự và Chính trị. Ông có thấy bằng chứng nào cho thấy tuyên bố đó là đúng sự thật hay không?

Không! Chúng tôi không thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy chính quyền Hà nội tôn trọng Công ước về Quyền dân sự và Chính trị (ICCPR). Trái lại, chúng tôi chỉ thấy một loạt những vi phạm như sau: người dân Việt Nam hoàn toàn không có quyền bầu cử trực tiếp các nhà lãnh đạo của họ ở cấp cao như nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ vân vân... Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị đã được Việt Nam ký từ năm 1982 nhưng chỉ có trên giấy tờ, còn trong thực tế hoàn toàn bị chà đạp bởi điều 4 của hiến pháp -- cho phép đảng CS độc quyền cai trị, và nghị quyết 31/CP -- cho phép giam người từ 6 tới 2 năm mà không cần xét xử. Những người hoạt động chính trị khi được thả ra đều không được phục hồi các quyền công dân, thường bị theo dõi gắt gao, đi lại bị kiểm soát, không cho cư trú nơi khác dù là chỉ đi du lịch ngắn ngày. Chúng tôi yêu cầu chính quyền Hà nội phải thả hết tù chính trị và phục hồi hoàn toàn các quyền công dân và phải để họ được công khai phát biểu quan điểm chính trị của họ.

VOA: Chính phủ Việt Nam đã dùng những cáo buộc làm gián điệp để làm một cái cớ buộc tội ông và nhiều người khác. Xin ông cho biết là còn có những ai bị cáo buộc về tôi gián điệp, là tội trạng mà giới hữu trách Hà Nội thường dùng để giam cầm những người dám nói thẳng ý nghĩ của mình?

Đường lối của CS là vu cáo những người hoạt động chính trị vào tội làm gián điệp cho ngoại bang nếu chúng tìm thấy một chút dấu vết có liên hệ với người ngoại quốc hay người Việt ở nước ngoài. Nếu không gán được tội danh gián điệp thì chúng chuyển sang một tội danh khác mà tôi xin nói nguyên văn là “lạm dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích của công dân.” Đây cũng là lý do họ mang tôi ra xử trước tòa án sau khi đã thất bại trong âm mưu gán ghép tội gián điệp. Số người bị chính quyền Hà nội ghép vào tội gián điệp hoặc lạm dụng tự do dân chủ chúng ta không biết được con số chính xác vì bản án thường không được sự công khai hoặc không được đăng báo.

VOA:Trong nhiều năm qua ông đưa ra chủ trương cho rằng dân chủ là nền tảng để hỗ trợ cho nhân quyền Việt Nam, và theo tôi được biết, ông có phổ biến một tuyên cáo để trình bày về phương cách xây dựng dân chủ cho Việt Nam. Xin ông cho biết những bước đi cụ thể mà ông kêu gọi thực hiện để có được dân chủ cho Việt Nam?

Chúng tôi đưa ra một lộ trình 9 điểm nhằm dân chủ hóa Việt Nam. Thứ nhất, đòi chính quyền Việt Nam chấm dứt nhiễu sóng các đài phát thanh VOA, RFA tiếng Việt - nghĩa là phải để cho làn sóng thông tin được tự do loan truyền vào Việt Nam. Thứ hai, phải có tự do báo chí - các đài truyền thanh truyền hình cũng phải được các nhà hoạt động sử dụng để nói lên quan điểm của mình. Thứ ba, phải thả hết tù chính trị và tôn giáo, phải để Hội Hồng thập tự Quốc tế giám sát toàn bộ các nhà tù ở Việt Nam. Thứ tư, chính quyền Việt Nam phải tuân thủ hoàn toàn những tôn chỉ và nguyên tắc của LHQ về tự do tôn giáo, phải đối xử công bằng đối với tất cả mọi tôn giáo. Thứ năm, phải hủy bỏ điều 4 hiến pháp nhằm tự cho phép Đảng CSVN độc quyền lãnh đạo đất nước, phải hủy bỏ ngay chỉ thị 31/CP nhằm cho phép công an giam giữ người bất đồng chính kiến 6 tháng đến 2 năm mà không xét xử. Sau khi đạt được những kết quả cụ thể về những điểm nêu trên thì dân tộc chúng ta, chúng tôi sẽ đòi hỏi phải tiến hành dân chủ hóa bằng những bước tiếp theo. Thứ sáu, Bộ Chính trị Đảng CSVN phải tôn trọng nhân quyền, dân quyền và tài quyền của dân tộc Việt Nam. Thứ bảy, tách Đảng ra khỏi chính quyền ở tất cả các cấp. Thứ tám, giao cho Quốc hội hiện nay soạn thảo luật bầu cử đa nguyên, công bằng, tự do. Thứ chín, bộ máy hành chánh, đã tách khỏi Đảng và chiếu theo luật bầu cử mới, tổ chức bầu cử tự do, công bằng, có giám sát quốc tế để bầu ra quốc hội lập hiến.

VOA: Bác sĩ Quế, xin ông vui lòng trả lời cho chúng tôi một câu hỏi chót. Ông có nghĩ rằng áp lực của những chính phủ dân chủ ở phương Tây và những nước khác cộng với những sự vận động của các tổ chức độc lập trên thế giới đang mang lại những tác động tích cực cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam?

Đúng. Chúng tôi nghĩ rằng những áp lực của chính phủ Hoa kỳ cùng các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền đã giúp cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam tiến lên và càng ngày càng mạnh mẽ hơn. Rõ ràng, mở cửa về kinh tế và làn gió dân chủ nhân quyền đang đóng góp tích cực cho cuộc đấu tranh dân chủ hóa của dân tộc chúng tôi. Nhân dịp này chúng tôi xin chân thành cám ơn chính phủ Hoa kỳ, Quốc hội Hoa kỳ, các cơ quan truyền thông đại chúng Hoa kỳ, The Freedom House, The Kennedy Human Rights Center, Ủy ban Nhân quyền của Hàn lâm viện Hoa kỳ, Ký giả không biên giới, Amnesty International, Working Group on Arbitrary Prisoners của LHQ, vân vân... và hàng triệu người Việt Nam định cư trên thế giới đã đóng góp tích cực cho công cuộc đấu tranh vì công lý, tự do, và dân chủ của dân tộc Việt Nam thông qua những việc quí vị đã tích cực lên tiếng đòi CSVN phải trả tự do cho tôi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG