Giữa lúc các vấn đề nóng bỏng trong nước đang bao trùm tuần lễ cuối cùng của chiến dịch bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, bất kỳ đề cập nào của hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump về cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đều được nhìn qua lăng kính của các mối quan tâm nội địa, theo nhận định của các nhà phân tích.
“Cử tri Mỹ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề trong nước. Các cuộc thăm dò cho thấy đối với cử tri, cái gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc xếp sau kinh tế, di trú, phá thai, khí hậu, dân chủ và các vấn đề khác,” ông Liu Yawei, giám đốc Chương trình Trung Quốc của Trung tâm Carter, cho biết.
Theo một khảo sát do tổ chức thăm dò dư luận Hoa Kỳ YouGov công bố, chỉ một số ít cử tri cho rằng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là một trong ba vấn đề hàng đầu đối với họ. Khảo sát cũng cho thấy những người ủng hộ ông Trump quan tâm đến chính sách đối ngoại hơn những người ủng hộ bà Harris một chút.”
Trung Quốc và các chính sách nội địa
Bất kỳ đề cập nào về Trung Quốc phần lớn đều nằm trong bối cảnh các vấn đề trong nước.
Trong một cuộc vận động hôm 27/10 tại thành phố New York, ông Trump đã nhắc tới Trung Quốc hai lần, nói rằng nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc xảy ra chiến tranh, Mỹ sẽ “đánh bại họ” và rằng ông sẽ “thông qua Đạo luật Thương mại Đối ứng Trump, có nghĩa là nếu Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác áp thuế hoặc thuế quan 100 hoặc 200% lên chúng ta, thì chúng ta [Hoa Kỳ] sẽ áp thuế hoặc thuế quan tương ứng 100 hoặc 200% lên họ.”
Bà Harris không đề cập đến Trung Quốc trong cuộc vận động cùng ngày tại bang Pennsylvania, một bang chiến địa quan trọng.
Ông Trump tập trung vào những ảnh hưởng kinh tế tiềm tàng của sự cạnh tranh với Trung Quốc liên quan đến việc làm của người Mỹ, nhấn mạnh tới các lo ngại về thương mại, hàng hóa nhập tràn lan, và các tập tục thương mại không công bằng.
Tại một cuộc vận động hồi tháng 9 ở trung tâm sản xuất ô tô Flint, Michigan, ông Trump đã cảnh báo về những hậu quả nếu ông không được bầu chọn.
“Các bạn sẽ không còn bất kỳ nhà máy sản xuất nào. Trung Quốc sẽ chiếm hết doanh nghiệp của các bạn vì xe điện và vì họ có nguyên liệu, còn chúng ta thì không,” ông Trump nói.
Ngành công nghiệp ô tô và vai trò của Trung Quốc trong chuyện làm mất đi công ăn việc làm của người Mỹ cũng là các chủ đề mà ông Trump tập trung tại Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng hòa hồi tháng 7, bên cạnh mối đe dọa mà Bắc Kinh đề ra cho Đài Loan.
Trong một cuộc vận động vào tháng 4, ông Trump nói nhiều di dân tới Mỹ từ Trung Quốc là nam giới trong độ tuổi “quân dịch” hoặc “chiến đấu” và có thể tới Mỹ để thành lập một kiểu “đội quân” nào đó.
Ông Trump cũng đã nhắc đến Trung Quốc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng fentanyl tại Hoa Kỳ.
Vào tháng 9, tại một cuộc họp với các nông dân ở bang Pennsylvania, ông Trump nói điều đầu tiên ông sẽ làm nếu tái đắc cử là gọi cho lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và yêu cầu ông ta tôn trọng thỏa thuận thương mại mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ký khi ông còn tại vị.
“Điều thứ hai tôi sẽ làm. Tôi sẽ nói [với ông Tập] rằng ông ấy phải áp dụng án tử hình cho những tay buôn fentanyl đang chuyển fentanyl [đến Mỹ]. Các bạn biết mà, ở Trung Quốc họ áp dụng án tử hình. Họ không có vấn đề về ma túy vì họ áp dụng án tử hình,” ông Trump nói.
Mặc dù bà Harris không nói nhiều về Trung Quốc như ông Trump trong chiến dịch tranh cử, nhưng bà đã đề cập đến Trung Quốc tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ hồi tháng 8, nói rằng bà sẽ làm việc để đảm bảo Hoa Kỳ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và không gian.
Bà “cổ súy việc ‘giảm rủi ro’, tức giảm sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến chủ yếu để đảm bảo rằng Washington không hỗ trợ công cuộc hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh, nhưng bà đã cảnh báo về một chính sách kinh tế tập trung vào thuế quan đối với Trung Quốc,” ông Ali Wyne, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, mô tả các chính sách của bà Harris về Trung Quốc.
Nhưng hai ứng cử viên này và hai đảng chính trị của họ có nhiều điểm chung hơn là những khác biệt trong ngôn từ về Trung Quốc, ông Dennis Wilder, cựu phó trợ lý giám đốc phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương của CIA và là giám đốc về Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho biết.
“Trung Quốc không được tranh luận trong cuộc bầu cử này vì công chúng Mỹ và giới chính trị gần như đều có chung những quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Các cuộc thăm dò cho thấy quan điểm tích cực về Trung Quốc ở Hoa Kỳ chỉ ở tỷ lệ một con số.”
Trong khi các chính sách của Washington đối với Bắc Kinh có thể ảnh hưởng đến các vấn đề trong nước như việc làm và giá cả sản phẩm, các xung đột ở những nơi khác trên thế giới cũng làm lu mờ chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong mắt nhiều cử tri Mỹ, các nhà phân tích cho biết.
“Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải là vấn đề hàng đầu trong tâm trí của cử tri Mỹ. Họ quan tâm nhiều hơn đến tình hình kinh tế và chi phí chăm sóc sức khỏe,” ông Wyne nhận định.
“Và về khía cạnh mà các vấn đề chính sách đối ngoại đang định hình sự cân nhắc của họ, họ có lý do để tập trung vào cuộc chiến khốc liệt giữa Nga và Ukraine và khả năng xảy ra một cuộc chiến khu vực ở Trung Đông.”
Diễn đàn