Đường dẫn truy cập

Trung Quốc kêu gọi EU đảo ngược ‘hành vi sai trái’ về thuế xe điện


Nhân viên làm việc lắp ráp xe tại một nhà máy của SAIC Volkswagen ở Urumqi, Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc.
Nhân viên làm việc lắp ráp xe tại một nhà máy của SAIC Volkswagen ở Urumqi, Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc.

Bắc Kinh hôm thứ Năm (13/6) chỉ trích thuế quan của EU đối với xe điện của Trung Quốc là một hành vi bảo hộ và nói rằng họ hy vọng khối châu Âu sẽ sửa chữa “những hành vi sai trái” của mình và giải quyết các xung đột thương mại thông qua đối thoại.

Phản ứng từ Trung Quốc và các phía bị lôi kéo vào tranh chấp, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô châu Âu và Trung Quốc, cho thấy thái độ phản đối rõ ràng đối với quyết định của EU và mong muốn hạ giảm tình trạng hiện tại.

Những người trong ngành cho biết cả châu Âu và Trung Quốc đều có lý do muốn đạt được thỏa thuận trong những tháng tới để tránh tăng thêm hàng tỷ đô la chi phí mới cho các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, khi quy trình của EU được xem xét.

Trung Quốc nói họ sẽ thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ lợi ích của mình sau khi Ủy ban châu Âu tuyên bố hôm thứ Tư rằng họ sẽ áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với ô tô điện nhập khẩu của Trung Quốc kể từ tháng 7.

“Chúng tôi kêu gọi EU lắng nghe kỹ càng những tiếng nói khách quan và hợp lý từ mọi tầng lớp xã hội, lập tức sửa chữa những hành vi sai trái của mình, ngừng chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại, đồng thời xử lý đúng đắn những xung đột kinh tế và thương mại thông qua đối thoại và tham vấn”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nói tại một cuộc họp báo thường kỳ.

Có chỗ để tìm giải pháp

Tân Hoa Xã cho biết trong một bài bình luận rằng Brussels dường như đã chừa chỗ cho hai bên tiếp tục tham vấn nhằm tìm ra giải pháp và tránh kịch bản xấu nhất xảy ra.

“Hy vọng EU sẽ thực hiện một số xem xét lại nghiêm túc và ngừng đi xa hơn theo hướng sai lầm”, bài bình luận nói.

Bắc Kinh đã bác bỏ lập luận của EU và Mỹ rằng ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đang hoạt động ở mức dư thừa công suất, đe dọa các nhà sản xuất ô tô nước ngoài, thông qua xuất khẩu được trợ cấp. Trung Quốc nói thuế quan sẽ làm chậm sự phát triển của xe điện, gây nguy hiểm cho các mục tiêu về biến đổi khí hậu và đẩy chi phí của người tiêu dùng lên cao hơn.

Động thái của EU diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Washington tiết lộ kế hoạch tăng gấp 4 lần thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100%.

Brussels cho biết họ cũng sẽ chống lại các khoản trợ cấp của Trung Quốc bằng các mức thuế bổ sung từ 17,4% đối với xe BYD, đến 38,1% đối với SAIC, bên cạnh mức thuế ô tô tiêu chuẩn 10%. Điều này đưa tỷ lệ tổng thể cao nhất lên gần 50%.

SAIC thuộc sở hữu nhà nước, dựa vào liên doanh với Volkswagen và General Motors (GM) để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc. Hãng này hôm thứ Năm nói họ quan ngại sâu sắc về thuế quan mới.

Theo Reuters, SAIC là nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc trong gần hai thập kỷ nhưng doanh số bán hàng của hãng này đang chịu áp lực và hãng đang nỗ lực cắt giảm số lượng nhân viên.

EU từng nói rõ rằng các cơ quan quản lý châu Âu sẽ xem các khoản vay từ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc và quyền sở hữu của chính phủ là những khoản trợ cấp phải chịu mức thuế bổ sung.

Các nhà phân tích nói ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc, bao gồm các công ty nhà nước và tư nhân, có lợi thế về chi phí so với các đối thủ nước ngoài một phần nhờ trợ cấp của chính phủ và sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực tinh chế khoáng sản làm pin.

Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh cao trên thị trường xe điện lớn nhất thế giới của Trung Quốc cũng đã thúc đẩy các công ty đổi mới theo cách giảm chi phí.

Các mức thuế tạm thời của EU dự kiến sẽ được áp dụng trước ngày 4/7 và cuộc điều tra sẽ tiếp tục cho đến ngày 2/11, khi các mức thuế cuối cùng, thường có thời hạn 5 năm, có thể được áp dụng.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG