Đường dẫn truy cập

Ông Hun Sen chúc mừng tân Chủ tịch QH Việt Nam, tỏ dấu ‘hữu nghị’ bất chấp bất đồng về kênh đào


Chủ tịch Thượng viện Campuchia - cựu Thủ tướng Hun Sen (trái) chúc mứng tân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn (phải) vào ngày 21/5/2024.
Chủ tịch Thượng viện Campuchia - cựu Thủ tướng Hun Sen (trái) chúc mứng tân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn (phải) vào ngày 21/5/2024.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia, cựu Thủ tướng Hun Sen, hôm 21/5 gửi lời chúc mừng tân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn và bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa bối cảnh hai nước gần đây có nhiều tranh cãi về việc Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm nay.

Ông Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức chủ tịch Quốc hội vào ngày 20/5, thay thế ông Vương Đình Huệ, người đã từ chức hồi tháng trước vì những “vi phạm, thiếu sót” không được nêu rõ.

Một ngày sau, Thượng nghị sĩ Hun Sen gửi điện mừng tới ông Trần Thanh Mẫn, mong muốn tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ với Việt Nam và các cơ quan lập pháp của quốc gia láng giềng.

“Tôi rất tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của ngài, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác nghị viện giữa chúng ta ngày càng toàn diện và hiệu quả hơn trong các khuôn khổ quan hệ song phương và đa phương, góp phần hơn nữa vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai nước chúng ta và khu vực”, Cambodianess dẫn điện thư ông Hun Sen viết.

Động thái ngoại giao của cựu Thủ tướng Campuchia được đưa ra giữa bối cảnh Campuchia và Việt Nam đang có những bất đồng về việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, ước tính trị giá khoảng 1,7 tỷ USD, là một kênh đào nhân tạo nối các cảng biển của Campuchia ở phía Tây Nam với sông Mekong.

Kênh dài 180 km sẽ nối tỉnh ven biển Kep với kênh Takeo hiện có của sông Mekong thông qua hệ thống cửa âu. Về cơ bản, kênh Phù Nam sẽ tạo ra một tuyến đường thủy nối thủ đô Phnom Penh với bờ biển và quan trọng hơn là cảng nước sâu duy nhất của Campuchia tại Sihanoukville. Kênh đào dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào quý IV năm nay và ước tính mất 4 năm để hoàn thành.

Thúc giục xây dựng, yêu cầu trừng phạt

Kênh đào Phù Nam Techo là dự án cơ sở hạ tầng mới nhất do Trung Quốc tài trợ ở Campuchia khiến cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ lo ngại.

Washington kêu gọi Campuchia minh bạch hơn về dự án kênh đào mà một số nhà quan sát cho rằng có thể được sử dụng để tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á, gây ra mối đe dọa an ninh tiềm tàng cho các nước láng giềng trong khu vực như Việt Nam.

Việt Nam đã nhiều lần chính thức lên tiếng kêu gọi Campuchia chia sẻ thông tin, đồng thời thông qua Ủy hội sông Mekong để yêu cầu thông tin kỹ thuật chi tiết về dự án, bao gồm các bản sao nghiên cứu khả thi và các báo cáo liên quan khác. Tuy nhiên cho đến nay, yêu cầu này vẫn chưa được đáp ứng.

Trong khi đó, Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet, con trai ông Hun Sen, bản thân ông Hun Sen và các quan chức cấp cao Campuchia liên tục lên tiếng khẳng định kênh đào sẽ chỉ được sử dụng để thúc đẩy hoạt động kinh tế và không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.

Một ngày trước khi ông Hun Sen gửi điện thư chúc mừng ông Trần Thanh Mẫn, hôm 20/5, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Sok Chenda Sophea đã gặp Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng yêu cầu xác định những người đứng đằng sau các bình luận “xúc phạm” trên tài khoản mạng xã hội của cựu thủ tướng Hun Sen, liên quan đến kênh đào Phù Nam Techo.

Sự việc diễn ra theo yêu cầu của ông Hun Sen trước đó, khi ông yêu cầu chính quyền Campuchia hợp tác với Việt Nam để truy tìm những người xúc phạm ông trên TikTok.

“Tôi không tố cáo lãnh đạo Việt Nam dùng người để xúc phạm tôi. Vì vậy, tôi yêu cầu hợp tác để điều tra, ngăn chặn những kẻ xấu phá vỡ mối quan hệ giữa hai nước chúng ta”, Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen nói.

Trong bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 16/5, cựu thủ tướng Campuchia cũng kêu gọi chính phủ phải bắt đầu xây dựng kênh đào “ngay lập tức” vì đất nước cần sự độc lập về giao thông, sau khi dự án kênh đạo liên tục vấp phải những chỉ trích về mặt địa lý cũng như những quan ngại về môi trường và xã hội từ công chúng và các nước lân cận.

Trả lời về những quan ngại an ninh, ông Hun Sen bác bỏ các cáo buộc về khả năng hải quân Trung Quốc sử dụng kênh đào, đồng thời cảnh báo không tham gia vào chiến dịch chống Trung Quốc và nhấn mạnh kênh đào không phù hợp cho tàu chiến đi vào.

Ông Hun Sen hôm 16/5 cũng khẳng định Campuchia duy trì quan hệ bền chặt với Việt Nam, trong khi Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, vì vậy không có lý do gì để xảy ra xung đột giữa ba quốc gia.

Ông cũng phủ nhận dự án kênh đào Phù Nam Techo là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

“Dự án này hoàn toàn không liên quan gì đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Nó được khởi xướng 100% bởi Campuchia”, Phnom Penh Post dẫn lời ông Hun Sen nói.

Theo báo cáo của phía Campuchia, sau khi dự án kênh đào được thực hiện, vận chuyển hàng hóa qua đường thủy của Việt Nam dự kiến sẽ giảm từ mức 33% hiện tại xuống còn 10%.

Ông Hun Sen cũng cho rằng Campuchia không cần phải đàm phán với bất kỳ ai khi xây dựng kênh đào vì nước này đã này tuân theo Hiệp định Mekong năm 1995, trong đó nêu rõ rằng chỉ cần đưa ra thông báo đối với các dự án được xây dựng trên một nhánh của sông Mekong.

Ông nói thêm rằng Campuchia đã thông báo cho Việt Nam và Lào về dự án này vì phép lịch sự.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG