Ông Trần Thanh Mẫn, 61 tuổi, vừa tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hôm 20/5, thay thế cho ông Vương Đình Huệ, người đã từ chức vào tháng trước vì những vi phạm và khuyết điểm không được nêu rõ, giữa bối cảnh thượng tầng lãnh đạo Việt Nam đang diễn ra các cuộc “đổi ngôi” chưa từng có trong nhóm “tứ trụ” khi chiến dịch chống tham nhũng đang ngày càng leo thang.
Ông Trần Thanh Mẫn quê quán ở Hậu Giang. Ông có bằng tiến sĩ kinh tế và trước đó từng giữ các chức vụ lãnh đạo tại tỉnh Cần Thơ như Chủ tịch UBND, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội... trước khi trở thành Ủy viên Bộ Chính trị vào năm 2021.
Ông Mẫn được 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (475/475 đại biểu) bỏ phiếu tán thành sau khi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đề cử cho chức chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 16/5.
“Đây là niềm vinh dự to lớn, đồng thời là trách nhiệm cao cả của tôi trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân”, ông Trần Thanh Mẫn nói trong bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức.
Tân chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói ông “nhận thức sâu sắc rằng dù ở vị trí công tác nào cũng phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc và quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”, đồng thời cam kết “thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng” và “gương mẫu về đạo đức, lối sống”.
Trước khi được bầu vào nhóm “tứ trụ”, ông Trần Thanh Mẫn là cấp phó của ông Vương Đình Huệ, người đã từ chức chủ tịch quốc hội vào tháng trước khi nhiệm kỳ làm việc của ông còn đang dang dở. Trước ông Huệ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng từ chức vào tháng 3/2024 chỉ sau một năm đảm nhiệm chức vụ. Cả hai ông đều được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho “thôi giữ các chức vụ” và “nghỉ công tác” với lý do chung chung giống nhau là “vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm” và “chịu trách nhiệm người đứng đầu”, giữa bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng đang leo thang.
Ông Thưởng và ông Huệ ra đi khiến cho hai trong số 4 vị trí lãnh đạo cao nhất (“tứ trụ”) của Việt Nam bị bỏ trống.
Ngoài ông Trần Thanh Mẫn đã chính thức nhậm chức, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng đã được Trung ương giới thiệu cho chức chủ tịch nước hôm 19/5 và ông dự kiến sẽ được Quốc hội bỏ phiếu bầu chọn vào cuối tuần này. Đây được xem là một bước chỉ mang tính thủ tục.
Việc hàng loạt lãnh đạo cấp cao “từ chức” giữa nhiệm kỳ trong một khoảng thời gian ngắn đã tạo ra những biến động chính trị lớn mà giới quan sát và phân tích nói là chưa từng có tại Việt Nam, gây những tác động mạnh trên kinh tế, khiến LHQ, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây phải đưa ra cảnh báo với chính phủ.
Reuters hôm 17/5 dẫn số liệu từ các tổ chức cho biết Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do tình trạng “tê liệt” bộ máy hành chính khi cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng gia tăng, khiến các quan chức chậm phê duyệt các kế hoạch và dự án vì sợ vi phạm vào các quy định phức tạp.
Đảng Cộng sản Việt Nam tuần trước đã bầu bốn thành viên mới bổ sung vào Bộ Chính trị, sau khi lãnh đạo cấp thứ năm là bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, được chấp thuận cho “thôi giữ các chức vụ”, khiến bà trở thành người thứ 6 rời Bộ Chính trị kể từ cuối năm 2022.
Diễn đàn