Các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm gần 2 tỷ USD đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán chính của Việt Nam kể từ đầu năm 2023, bất chấp mức tăng khả quan của thị trường, với dòng vốn rút ra lớn nhất được ghi nhận trong những tuần biến động chính trị, Reuters dẫn các dữ liệu cho thấy.
Đất nước do Cộng sản cai trị đã rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị chưa từng có trong hai năm qua, với hàng ngàn quan chức và giám đốc điều hành doanh nghiệp bị truy tố trong một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, dẫn đến việc hai chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội từ chức.
Đấu đá nội bộ đã làm chậm đáng kể hoạt động điều hành, trì hoãn việc phê duyệt các dự án và găm giữ hàng tỷ đô la trong các quỹ công và nước ngoài, khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng về tác động của sự bế tắc trong nguồn cung cấp điện.
Không nơi nào mà sự lo lắng của người nước ngoài rõ ràng hơn ở thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, điểm giao dịch lớn nhất Việt Nam.
Dữ liệu thị trường chứng khoán cho thấy bất chấp mức tăng 22% của thị trường trị giá 200 tỷ USD kể từ đầu năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm đầu tư vào thị trường chứng khoán, với việc bán cổ phiếu, quỹ đầu tư và trái phiếu trị giá khoảng 2 tỷ USD trong cùng kỳ.
Một nửa dòng tiền chảy ra đó diễn ra trong năm nay, với doanh số bán vượt quá lượng mua vào trong 17 trong số 20 tuần tính đến thời điểm hiện tại, trùng khớp với khoảng thời gian có những tin tức chính trị tồi tệ, dữ liệu cho thấy.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng lượng cổ phiếu trị giá 4,7 nghìn tỷ đồng (184,7 triệu USD) trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 25/3, tuần tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay. Đó là thời điểm ngay sau khi Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng từ chức vào ngày 20/3 do bị đảng cáo buộc về những hành vi sai trái không được nêu rõ.
Tuần lễ ông Thưởng từ chức là tuần tồi tệ thứ hai với tổng bán ròng 3,18 nghìn tỷ đồng. Tệ thứ ba là tuần trước đó, với dòng vốn chảy ra trị giá 3,14 nghìn tỷ đồng, tuần làm việc trọn vẹn đầu tiên sau khi Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ từ chức vào ngày 26/4.
“Rung chuyển chính trị dường như không làm khuấy động các nhà đầu tư trong nước vào lúc này, nhưng tôi cảm thấy nó có tác động đến các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Petri Deryng của quỹ đầu tư Phần Lan Pyn Elite Fund hoạt động tại Việt Nam, nhận định.
Việc giảm lượng đầu tư chứng khoán của người nước ngoài cũng liên quan đến lãi suất cao của Mỹ, khiến cho việc đầu tư vào Mỹ trở nên hấp dẫn hơn và gây áp lực lên đồng tiền Việt Nam, Mirae Asset Securities và SSI Securities Corporation, hai trong số những công ty môi giới lớn nhất ở Việt Nam cho biết.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy bất chấp tình trạng hỗn loạn chính trị, cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài, chủ yếu vào hoạt động công nghiệp, vẫn ở mức cao trong năm nay, phần lớn do các công ty Trung Quốc dẫn đầu.
Tuy nhiên, việc đầu tư sản xuất thường được quyết định trước nhiều tháng hoặc nhiều năm, một chuyên gia tư vấn nước ngoài tại Việt Nam cho biết, đồng thời lưu ý rằng tác động của những phát triển gần đây chỉ có thể được nhìn thấy trong dài hạn.
Diễn đàn