Ngân hàng Thế giới (World Bank) hôm 23/4 đưa ra nhận định trong một bản cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam rằng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á “đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau”.
Báo cáo của tổ chức này dự báo rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam “sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025”.
Theo World Bank, sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam “đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần”.
Ngoài ra, báo cáo nhận định rằng “lĩnh vực bất động sản dự báo cũng sẽ phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay và năm sau, thúc đẩy nhu cầu trong nước khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng dần lấy lại niềm tin”.
World Bank cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng” của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi, và khuyến nghị “đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công” vì “điều này sẽ giúp kích thích nền kinh tế hơn nữa”.
“Đầu tư vào các dự án hạ tầng công tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay lập tức”, ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới về Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, nói trong bản cập nhật. “Nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam”.
Báo cáo của World Bank nhấn mạnh sự cần thiết phải có một môi trường thuận lợi hơn vì “các rào cản chính mang tính cơ cấu vẫn tồn tại ở nhiều lĩnh vực” như “các rào cản pháp lý, thiếu hụt kỹ năng ngày càng tăng, tỷ lệ hấp thụ công nghệ thấp và những thách thức trong việc tiếp cận nguồn tài chính giai đoạn đầu”.
Cuối năm ngoái, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo rằng tăng trưởng trong năm 2024 của Việt Nam duy trì ở mức 6,0%.
“Rủi ro đối với triển vọng bao gồm lãi suất tăng cao liên tục ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế tiên tiến khác, có thể góp phần gây bất ổn tài chính ở các nền kinh tế dễ bị tổn thương trong khu vực, đặc biệt là những nước có nợ cao”, ADB viết trong thông cáo. “Sự gián đoạn nguồn cung tiềm ẩn do hiện tượng thời tiết El Niño hoặc việc Nga xâm chiếm Ukraine cũng có thể khơi dậy lạm phát, đặc biệt là liên quan đến lương thực và năng lượng”.
Reuters tháng trước đưa tin, dữ liệu của chính phủ Việt Nam công bố hôm 29/3 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội của đất nước tăng 5,66% trong quý đầu tiên của năm nay so với cùng kỳ năm ngoái do xuất khẩu tăng mạnh, bất chấp chi phí vận tải cao hơn do tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ.
Diễn đàn