Việt Nam dự kiến sẽ nhập khẩu từ 5.000 – 8.000 MW điện từ Lào tính đến năm 2030, theo lộ trình thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt hôm 1/4.
Quy hoạch điện VIII được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam theo từng thời kỳ, bảo đảm “điện đi trước một bước”.
Cụ thể, trong danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành tới năm 2030, tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW, tổng công suất nhiệt điện LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) là 22.400 MW, tổng công suất nhiệt điện than là 30.127 MW, tổng công suất nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ là 2.700 MW, tổng công suất thủy điện là 29.346 MW, tổng công suất thủy điện tích năng là 2.400 MW.
Ngoài ra, công suất nguồn điện năng lượng tái tạo của các địa phương tới năm 2030 cũng được định mức cụ thể từng phần.
Quy hoạch điện VIII dự kiến cũng sẽ nhập khẩu khoảng 5.000 MW điện từ Lào, có thể tăng lên 8.000 MW khi có điều kiện thuận lợi với giá điện hợp lý.
Tình trạng thiếu điện tại Việt Nam trong những năm gần đây được xem là một trở ngại lớn cho phát triển kinh tế và cản trở đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuần trước, sau khi hãng sản xuất chip Intel của Mỹ quyết định không đầu tư thêm để tăng công suất ở Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ “tiếc nuối” và cho biết Intel nêu ra lý do rằng Việt Nam bị “thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà”.
Việc dừng khoản đầu tư, mà dự kiến có thể tăng gần gấp đôi hoạt động của Intel ở Việt Nam, được xem là một đòn giáng mạnh vào tham vọng ngày càng lớn của Việt Nam trong ngành công nghiệp chip.
Trong văn bản kiến nghị Bộ Công Thương thẩm định và trình Thủ tướng chủ trương nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam vào tháng 12/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói rằng việc nhập khẩu điện từ Lào sẽ góp phần bổ sung nguồn điện để tăng cường khả năng đảm bảo cung ứng điện, giảm nguy cơ thiếu điện cho miền Bắc.
Theo EVN, hiện tất cả các dự án điện gió đã và đang đầu tư trong nước đều chỉ tập trung tại miền Trung và Miền Nam, chưa có dự án điện gió nào được đầu tư tại miền Bắc trong khi nhu cầu tăng cường điện cho miền Bắc là cấp thiết.
Diễn đàn