Bộ Chính trị nắm nhiều quyền ra quyết sách của Đảng Cộng sản Việt Nam mới đây tái khẳng định quyết tâm theo đuổi mục tiêu là quốc gia này sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao và hạ tầng hiện đại vào năm 2045.
Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam cho hay hôm 26/2 rằng Bộ Chính trị ban hành một kết luận trước đó 3 ngày về tiếp tục thực hiện một nghị quyết có từ năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng hạ tầng nhằm đưa Việt Nam “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Bản kết luận mới nhất có đoạn “Phấn đấu đến năm 2030, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tương xứng với nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, kết nối với khu vực và thế giới”.
Bên cạnh đó, vẫn theo bản kết luận, giới nắm quyết sách của Việt Nam đặt ra định hướng là đến năm 2045 “phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với nước phát triển, thu nhập cao; kết nối và hội nhập với phát triển của thế giới”.
Văn bản này không nêu các tiêu chí cụ thể mà Việt Nam cần đạt được để trở thành “nước phát triển, thu nhập cao”. Nhưng vào các dịp khác nhau, gồm cả những cuộc họp Quốc hội, một số nhà lãnh đạo Việt Nam từng đề cập rằng đến năm 2045, Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của đất nước có thể sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ đô la, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 đô la.
Hồi tháng 2/2021, khi Đảng Cộng sản họp xong Đại hội 13 và cũng nhắc lại mục tiêu cho năm 2045, hai tiến sĩ Lê Đăng Doanh và Nguyễn Quang A, những người am hiểu kinh tế và chính trị Việt Nam, bình luận với VOA rằng mục tiêu của đảng ‘không phải là không khả thi’ nhưng ‘đòi hỏi nỗ lực rất lớn của nhà nước với những chính sách phù hợp’.
Hai ông khuyến nghị phải cải cách mạnh khối doanh nghiệp nhà nước, phải thay đổi chính sách để phát triển kinh tế tư nhân, tất cả những gì cản trở doanh nghiệp tư nhân phải được dỡ bỏ, cũng như phải giải phóng sức sáng tạo và sản xuất của mọi người dân Việt Nam.
Theo bản kết luận của Bộ Chính trị đăng trên Cổng thông tin điện tử của chính phủ hôm 26/2, nhóm có quyền quyết sách to lớn trong Đảng Cộng sản “yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm” thuộc mọi loại hình giao thông.
Văn bản này viết rằng nguồn lực đầu tư được ưu tiên để hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, các trục cao tốc Đông-Tây và các tuyến giao thông kết nối đa phương thức; các sân bay quốc tế; hạ tầng các cảng biển lớn, các tuyến đường thuỷ nội địa có nhu cầu vận tải lớn; dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh)-Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Biên Hòa-Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành...
Qua bản kết luận, Bộ Chính trị lưu ý rằng bên cạnh hạ tầng vật chất cũng cần phải “tập trung xây dựng hạ tầng số với công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát triển đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu lớn, trung tâm dữ liệu lớn; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin”.
Diễn đàn