Nga và Trung Quốc hôm 22/3 phủ quyết một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc do Mỹ bảo trợ kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài” trong cuộc chiến Israel-Hamas ở Gaza để bảo vệ thường dân và cho phép viện trợ nhân đạo được chuyển đến cho hơn 2 triệu người Palestine đang đói khát.
Cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an LHQ, gồm 15 thành viên, có 11 thành viên ủng hộ và 3 thành viên phản đối, trong đó có Algeria, vốn là đại diện Ả Rập trong hội đồng. Guyana đã bỏ phiếu trắng.
Trước cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói Moscow ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức, nhưng ông chỉ trích ngôn từ đề cập đến các vấn đề đạo đức mà ông gọi là ngôn ngữ triết học không thuộc về nghị quyết của LHQ.
Ông cáo buộc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield vì “cố tình đánh lừa cộng đồng quốc tế”.
Đại sứ Thomas-Greenfield kêu gọi hội đồng thông qua nghị quyết nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay lập tức và thả con tin, cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza và hỗ trợ hoạt động ngoại giao đang diễn ra của Mỹ, Ai Cập và Qatar.
Sau cuộc bỏ phiếu, bà Thomas-Greenfield cáo buộc Nga và Trung Quốc bỏ phiếu vì “những lý do hết sức đáng nghi ngại”, nói rằng họ không tự lên án các cuộc tấn công khủng bố của Hamas ở miền nam Israel vào ngày 7/10, điều mà lẽ ra nghị quyết này đã phải làm ngay từ đầu.
Một vấn đề quan trọng trong cuộc bỏ phiếu là ngôn ngữ khác thường liên quan đến lệnh ngừng bắn. Nghị quyết nói Hội đồng Bảo an “xác định sự cấp thiết của một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài”, mà không dùng những từ ngữ thẳng thắn như “yêu cầu” hay “kêu gọi”.
Nghị quyết này đã phản ánh một sự thay đổi của Hoa Kỳ, vốn đang có mâu thuẫn với phần lớn thế giới vào lúc ngay cả các đồng minh thân cận cũng thúc đẩy việc chấm dứt chiến tranh vô điều kiện.
Trong các nghị quyết trước đây, Mỹ đã đan xen chặt chẽ những lời kêu gọi ngừng bắn với yêu cầu thả con tin Israel ở Gaza. Nghị quyết này, thông qua cách diễn đạt khác thường mà có thể được hiểu khác nhau, tiếp tục liên kết hai vấn đề với nhau, nhưng không nói một cách mạnh mẽ.
Mặc dù nghị quyết có tính ràng buộc chính thức theo luật pháp quốc tế nhưng nó sẽ không chấm dứt giao tranh hoặc dẫn đến việc thả con tin. Tuy nhiên, nó sẽ gây thêm áp lực cho Israel khi đồng minh thân cận nhất của nước này ngày càng tương đồng hơn với yêu cầu của toàn cầu về việc ngừng bắn vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa chính phủ Mỹ và Israel.
Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết do Mỹ bảo trợ vào cuối tháng 10, trong đó kêu gọi tạm dừng giao tranh để cung cấp viện trợ, bảo vệ dân thường và ngừng vũ trang cho Hamas. Họ nói rằng nó không phản ánh lời kêu gọi ngừng bắn của toàn cầu.
Hoa Kỳ đã phủ quyết ba nghị quyết yêu cầu ngừng bắn, trong đó biện pháp gần đây nhất được Ả Rập hậu thuẫn và được 13 thành viên hội đồng ủng hộ với một phiếu trắng vào ngày 20/2.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra khi Ngoại trưởng Blinken, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp thứ sáu tới Trung Đông kể từ cuộc chiến Israel-Hamas, để thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin, cũng như các kịch bản hậu chiến.
Các chiến binh Palestine đã giết chết khoảng 1.200 người trong cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7 tháng 10 vào miền nam Israel, làm bùng nổ cuộc chiến tranh và bắt cóc 250 người khác. Hamas được cho là vẫn đang giữ khoảng 100 con tin cũng như hài cốt của 30 người khác.
Tại Gaza, Bộ Y tế hôm 21/3 đã nâng tổng số người chết tại đây lên gần 32.000 người Palestine.
Diễn đàn