Đường dẫn truy cập

H&M bị cáo buộc ‘phi đạo đức’ vì dùng nguồn cung áo khoác chứa lông vũ từ Việt Nam


H&M và nhiều hãng thời trang nổi tiếng thế giới hiện đang đối diện với những chỉ trích về vấn đề sử dụng lao động, bảo vệ động vật, thiên nhiên và môi trường trong quy trình sản xuất.
H&M và nhiều hãng thời trang nổi tiếng thế giới hiện đang đối diện với những chỉ trích về vấn đề sử dụng lao động, bảo vệ động vật, thiên nhiên và môi trường trong quy trình sản xuất.

Hãng thời trang nổi tiếng H&M có trụ sở ở Thụy Điển bị cáo buộc “phi đạo đức” vì sử dụng dùng nguồn cung sản phẩm áo khoác chứa lông vũ từ Việt Nam.

Cáo buộc do tổ chức PETA Asia, một tổ chức bảo vệ bảo vệ quyền động vật ở khu vực châu Á, đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài 13 tháng.

PETA nói rằng H&M đã lấy nguồn cung áo khoác từ Việt Nam, nơi các loài gia cầm được cho là phải chịu đựng những “điều kiện khủng khiếp” như bị chặt chân khi vẫn còn sống, bị giết bằng rìu để lấy lông nhồi áo khoác.

PETA cho biết mặc dù H&M bảo đảm rằng sản phẩm của họ không gây hại cho động vật, cuộc điều tra của PETA vẫn cho thấy tình trạng “đáng lo ngại” ở các trang trại nuôi vịt và các lò mổ trên khắp Việt Nam.

Tổ chức này nói họ phát hiện nhiều con vịt bị chọc tiết, bị thương nặng trong chuồng không hợp vệ sinh, và bị nhốt trong những chuồng trại bé xíu chứa đầy phân. Thậm chí, những con vịt ở một cơ sở đã được chứng nhận đạt Tiêu chuẩn Lông vũ có trách nhiệm (RDS) còn bị xẻo mất chân trong khi vẫn còn sống.

“Chỉ có thể tránh được sự tàn ác này bằng cách cắt đứt quan hệ với ngành công nghiệp lông vũ, cho nên PETA đang thúc giục H&M sử dụng chất liệu không có nguồn gốc từ động vật, vốn đã được người mua hàng yêu thích”, Phó chủ tịch cấp cao của PETA Jason Baker nói khi công bố thông tin về cuộc điều tra.

H&M hiện đã gỡ bỏ nhãn lông vũ “có trách nhiệm” khỏi các sản phẩm trực tuyến tại Hoa Kỳ, nhưng hãng này vẫn tiếp tục bán áo khoác chứa lông vũ trên thị trường.

Tổ chức PETA châu Á được thiết lập để bảo vệ quyền của tất cả các loài động vật thông qua giáo dục cộng đồng, điều tra những hành vi được cho là “tàn ác”, nghiên cứu, giải cứu động vật, tổ chức các chiến dịch, những sự kiện đặc biệt với sự tham gia của người nổi tiếng...

Các nhà bán lẻ thời trang trên toàn cầu hiện nay đang đối diện với nhiều vấn đề về “bền vững” trong quy trình sản xuất các sản phẩm của họ.

Hồi tháng 4 vừa qua, tại Đại hội Bán lẻ Thế giới, một trong những hội nghị thường niên lớn nhất trong lĩnh vực này, các giám đốc điều hành của các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới đã bày tỏ những khó khăn mà công ty của họ đang gặp phải khi người tiêu dùng cắt giảm mua hàng ở châu Âu và quốc tế do lạm phát. Thêm vào đó, các quy định mới về chất thải dệt may đang được Ủy ban Châu Âu xây dựng, nhằm yêu cầu các doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý chất thải mà hàng hóa của họ tạo ra, càng làm tăng thêm áp lực trong công việc kinh doanh.

Liên minh Châu Âu hiện đang nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế “quay vòng” để đáp ứng yêu cầu về bền vững, trong đó các doanh nghiệp tái chế và tái sử dụng vật liệu thay vì làm cạn kiệt nguồn tài nguyên hữu hạn để tạo ra hàng hóa mới.

Tại một số cửa hàng của của các công ty như H&M, Zara và Uniqlo hiện nay còn cung cấp dịch vụ sửa chữa hàng may mặc. Ngoài quần áo mới, Uniqlo còn bán quần jean và áo sơ mi đã qua sử dụng được thêu chữ “sashiko”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG