Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 14/6 cho biết nước ông đã bắt đầu nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, trong đó có một số vũ khí mà ông nói là mạnh gấp 3 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945.
Việc triển khai các đầu đạn như vậy là động thái đầu tiên của Moscow bên ngoài nước Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Đây là loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn, có sức công phá yếu hơn có khả năng được sử dụng trên chiến trường.
“Chúng tôi có tên lửa và bom mà chúng tôi đã nhận được từ Nga”, ông Lukashenko cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya-1 được đăng trên kênh Telegram của hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta.
“Những quả bom này mạnh gấp ba lần so với những quả bom (thả xuống) Hiroshima và Nagasaki”, ông nói khi đang đi trên một con đường trong khu rừng thưa với các phương tiện quân sự đậu gần đó và một số loại cơ sở lưu trữ quân sự có thể nhìn thấy ở phía sau.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu cho biết Nga, quốc gia sẽ giữ quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật, sẽ bắt đầu triển khai chúng ở Belarus sau khi các cơ sở lưu trữ đặc biệt để chứa chúng đã sẵn sàng.
Nhà lãnh đạo Nga hồi tháng 3 tuyên bố ông đã đồng ý triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, chỉ ra việc Mỹ triển khai vũ khí tương tự ở một loạt nước châu Âu trong nhiều thập niên.
Hoa Kỳ đã chỉ trích quyết định của Putin nhưng nói rằng họ không có ý định thay đổi lập trường của mình về vũ khí hạt nhân chiến lược và không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, bước đi của Nga đang được Mỹ và các đồng minh cũng như Trung Quốc, quốc gia đã nhiều lần cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine, theo dõi chặt chẽ.
“Chúng tôi luôn là mục tiêu”
Ông Lukashenko, một đồng minh thân cận của ông Putin, nói với đài truyền hình nhà nước Nga trong cuộc phỏng vấn, được phát vào cuối ngày thứ Ba, rằng đất nước ông có nhiều cơ sở lưu trữ hạt nhân còn sót lại từ thời Liên Xô và đã khôi phục năm hoặc sáu trong số đó.
Ông bác bỏ ý kiến cho rằng việc Nga giữ quyền kiểm soát vũ khí là một trở ngại cho việc sử dụng chúng một cách nhanh chóng nếu như ông cảm thấy cần làm như vậy. Ông nói rằng ông và Putin có thể nhấc điện thoại gọi cho nhau “bất cứ lúc nào”.
Trước đó vào thứ Ba, ông nói rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được triển khai thực tế trên lãnh thổ Belarus “trong vài ngày tới” và rằng ông cũng có cơ sở để chứa tên lửa tầm xa nếu cần.
Ông Lukashenko, người đã cho phép quân đội Nga sử dụng đất nước mình tấn công Ukraine trong cái mà Moscow gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nói rằng việc triển khai hạt nhân sẽ đóng vai trò ngăn chặn những kẻ xâm lược tiềm tàng.
Belarus có biên giới giáp với ba nước thành viên NATO: Litva, Latvia và Ba Lan.
Là một chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp thời Liên Xô, ông Lukashenko, 68 tuổi, đã cai trị Belarus từ năm 1994, trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất ở châu Âu. Ông cho biết ông không chỉ đơn giản nói Putin cung cấp vũ khí mà còn “yêu cầu” chúng.
“Chúng tôi luôn là mục tiêu”, ông Lukashenko nói. “Họ (phương Tây) đã muốn xé nát chúng tôi từ năm 2020. Cho đến nay, chưa có ai chống lại một quốc gia hạt nhân, một quốc gia có vũ khí hạt nhân”.
Ông Lukashenko đã nhiều lần cáo buộc phương Tây cố gắng lật đổ ông sau khi các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại sự cai trị của ông nổ ra vào năm 2020 sau cuộc bầu cử tổng thống mà phe đối lập cho rằng ông đã gian lận để chiến thắng.
Ông Lukashenko nói ông đã giành chiến thắng một cách công bằng, đồng thời tiến hành một cuộc đàn áp sâu rộng đối với các đối thủ của mình.
Diễn đàn