Đường dẫn truy cập

Dư luận chỉ trích việc rút thăm ‘may rủi, bất công’ để học mầm non ở Hà Nội


Quận Hoàng Mai, Hà Nội, tổ chức bốc thăm về nhập học mầm non ở trường công lập, 27-28/8.
Quận Hoàng Mai, Hà Nội, tổ chức bốc thăm về nhập học mầm non ở trường công lập, 27-28/8.

Nhiều người chỉ trích, châm biếm về việc hàng trăm phụ huynh phải bốc thăm để có cơ hội cho con học tại 2 trường mầm non ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, theo quan sát của VOA trong dịp cuối tuần vừa qua.

Thông tin trên mạng xã hội và nhiều báo ở Việt Nam cho hay rằng trong hai ngày 27 và 28/8, khoảng gần 1.000 ông bà, bố mẹ tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, tham gia 2 vòng bốc thăm theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân quận để giành suất vào trường mầm non công lập cho con cháu, thuộc lứa từ 3 đến 5 tuổi.

Các bức ảnh trên mạng xã hội và báo chí trong nước cho thấy phiếu trúng tuyển ghi “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường”; ngược lại, phiếu không trúng tuyển ghi “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”.

Các bản tin trên báo chí nói có khoảng 380 cháu thuộc diện “vượt chỉ tiêu”, đồng nghĩa là không trúng tuyển.

Bầu không khí cuộc rút thăm được mô tả là “hồi hộp”, “căng như dây đàn” và hàng trăm phụ huynh “ngậm ngùi ra về” khi bốc phải phiếu không trúng tuyển. Những người không may mắn sẽ phải cho con học ở các trường ngoài công lập, tin cho hay.

Một bài viết trên trang web của Đài Tiếng nói Việt Nam trích lời bà Nguyễn Thị An, 70 tuổi, bày tỏ bức xúc về việc phải “bốc thăm may rủi” khi mà cháu bà sinh ra và lớn lên phường Hoàng Liệt và lẽ ra “phải được ưu tiên học tập” ngay tại ngôi trường của địa phương.

Bà An cho biết thêm rằng bà “rất lo lắng” vì nếu không may mắn “thì chỉ có nước cho cháu ở nhà vì không có đủ khả năng theo học tại các trường tư thục”.

Một phụ nữ không muốn nêu tên đầy đủ, có con 3 tuổi, nói với báo Tiền Phong rằng nếu không may mắn, chị sẽ phải cho con học ở trường tư thục và điều này “sẽ gây khó khăn khi kinh tế hai vợ chồng trẻ không đủ”.

"Tưởng chỉ lên trung học phổ thông, học sinh mới phải cạnh tranh thi cử để có suất học. Giờ em bé chỉ đi học mẫu giáo, bố mẹ đã phải lo lắng về trường lớp, thậm chí phải bốc thăm may nhờ, rủi chịu”, bà mẹ này nói.

Các phụ huynh khác cũng thể hiện sự bức xúc trên những tờ báo khác và thông qua mạng xã hội, theo quan sát của VOA.

Nhiều người nói họ “xót xa”, “nhức nhối” khi biết tin về việc rút thăm, đồng thời khẳng định thêm rằng tình trạng này không phải lần đầu diễn ra mà đã kéo dài nhiều năm. Có người bình luận rằng việc trường công lập từ chối quyền học của trẻ là “vi hiến” và trẻ em Việt Nam phải cạnh tranh để có suất đi học từ khi “còn ăn bột” là điều “không thể tưởng tượng được”.

Facebooker có hơn 79.000 người theo dõi Nguyễn Tiến Tường châm biếm bằng cách nhắc lại lời của ông Hồ Chí Minh, cố Chủ tịch Việt Nam, trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường năm 1945 - “Đất nước Việt Nam có vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ vào công sức học tập của các cháu” - và chua thêm câu “Dạ thưa bác, để được học chúng cháu phải bốc thăm!”

Ông Ngô Nguyệt Hữu, người cũng có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, và một số người liên hệ đến câu nói khác của ông Hồ Chí Minh, lâu nay vẫn được đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo mô tả là “vị cha già dân tộc”, đó là “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Ông Hữu bình luận thêm rằng “Mơ ước ai cũng được đến trường của Bác, vẫn chưa thành hiện thực”.

Không ít người nêu lên thực trạng trái ngược với mơ ước của ông Hồ khi mà trẻ em muốn được đi học phải bốc thăm; bệnh viện, trường học quá tải hoặc rất thiếu song nhà nước trung ương và các địa phương đổ hàng ngàn tỷ đồng để xây tượng đài, trụ sở, cổng chào hoành tráng…

Nói riêng về Hà Nội, nhà văn Phạm Viết Đào, nhà báo Hà Phan và những người khác viết trên trang cá nhân với ý mỉa mai về việc thủ đô của đất nước không đủ trường lớp cho trẻ em đi học, nhưng lại tính bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng cho dự án xây nhà hát opera bên Hồ Tây, bị xem là một sự “chơi sang” và gần đây cũng bị chỉ trích thậm tệ.

Ông Hà Phan, có hơn 40.000 người theo dõi, viết hài hước rằng hãy xây nhà hát opera càng hoành tráng càng tốt và cần được thiết kế đa năng vì “đằng nào mỗi năm cũng chỉ biểu diễn vài buổi”, thời gian còn lại dùng “làm trường mẫu giáo công, đỡ bốc thăm khổ các cháu”.

Các bài viết của những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội thu hút hàng nghìn người ủng hộ. Trong các lời bình luận, nhiều người yêu cầu nhà nước nói chung, ngành giáo dục nói riêng cần có giải pháp triệt để cho tình trạng thiếu trường lớp mầm non và cả các cấp học khác, không thể để kéo dài từ năm này qua năm khác.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG