Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm thứ Tư (6/7) cố níu lấy quyền lực, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề khi các bộ trưởng đồng loạt từ chức vì cho rằng ông không đủ khả năng cầm quyền, và ngày càng có nhiều nhà lập pháp kêu gọi ông rời bỏ chức vụ.
Các Bộ trưởng Tài chính và Y tế của ông Johnson đã từ chức hôm thứ Ba, cùng với một số quan chức cấp thấp hơn. Họ nói không thể ở lại trong chính phủ nữa sau vụ mới nhất trong một loạt vụ bê bối làm ảnh hưởng đến chính quyền của ông.
Trong lúc ngày càng có nhiều lời kêu gọi ông hãy thôi chức, Thủ tướng Johnson vẫn quyết tâm tại vị bằng việc bổ nhiệm doanh nhân - Bộ trưởng giáo dục Nadhim Zahawi làm tân bộ trưởng tài chính, và bổ nhiệm vào một số vị trí vừa bị bỏ trống khác.
Khi được hỏi liệu có cắt giảm các loại thuế chẳng hạn như thuế doanh nghiệp hay không, ông Zahawi nói với các phóng viên rằng ông sẽ xem xét tất cả các lựa chọn để tái xây dựng và phát triển nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn, và chế ngự lạm phát đang gia tăng.
Theo Reuters, mức độ bất bình mà ông Johnson phải đối mặt trong đảng của mình sẽ được bộc lộ vào cuối ngày thứ Tư khi ông đến quốc hội trả lời phiên chất vấn hàng tuần trước các chủ tịch của các ủy ban, theo lịch trình sẽ dài hai giờ.
“Tôi nghi rằng chúng tôi sẽ phải kéo ông ta xuống từ Phố Downing trong tình trạng giãy giụa”, một nghị sĩ đảng Bảo thủ nói với Reuters với điều kiện giấu tên. “Nhưng nếu chúng tôi buộc phải làm theo cách đó thì chúng tôi sẽ làm”.
Ông Johnson, một cựu nhà báo và thị trưởng London, người đã trở thành gương mặt đại diện cho việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu, đã giành chiến thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử năm 2019, trước khi thực hiện cách thức điều hành đầy tranh chấp và thường xuyên gây hỗn loạn.
Sự lãnh đạo của ông đã sa lầy vào các vụ bê bối và sai lầm trong vài tháng qua, với việc thủ tướng bị cảnh sát phạt vì vi phạm luật phong toả COVID-19 và một báo cáo được công bố về việc các quan chức tại chính văn phòng thủ tướng ở Downing Street của ông đã vi phạm quy định phong toả mà chính họ đưa ra.
Ngoài ra, còn có những phản đối về chính sách, sự bảo vệ không đáng có đối với một nhà lập pháp đã phá vỡ các quy tắc vận động hành lang, và những lời chỉ trích rằng ông đã không làm đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng về giá cả sinh hoạt, khi nhiều người Anh đang vật lộn để đối phó với tình trạng nhiên liệu và giá thực phẩm ngày càng tăng.
Tờ Times of London cho rằng “sự thiếu trung thực hàng loạt” của ông Johnson là “hoàn toàn gây tiêu hao” một chính phủ hiệu quả.
Vụ bê bối mới nhất khiến ông Johnson phải xin lỗi vì đã bổ nhiệm một nhà lập pháp vào vai trò liên quan đến phúc lợi và kỷ luật đảng, ngay cả sau khi được thông báo ngắn gọn rằng chính trị gia này từng là đối tượng bị khiếu nại về hành vi sai trái tình dục.
Chuyện này đã khiến ông Rishi Sunak từ chức bộ trưởng tài chính và ông Sajid Javid từ chức bộ trưởng y tế, trong khi mười người khác rời bỏ vai trò bộ trưởng hoặc đặc phái viên cấp dưới của họ.
Một số bộ trưởng cho rằng ông Johnson thiếu khả năng phán đoán, thiếu chuẩn mực và không có khả năng nói sự thật.
Một cuộc thăm dò nhanh chóng của YouGov cho thấy 69% người Anh nghĩ rằng ông Johnson nên từ chức thủ tướng nhưng hiện tại phần còn lại của nhóm cấp bộ trưởng của ông vẫn ủng hộ ông.
Nếu ông Johnson bị buộc phải ra đi, quá trình thay thế ông có thể mất vài tháng.
Chỉ mới hai năm rưỡi trước, ông Johnson tài năng đã giành được đa số ở nghị viện với lời hứa đưa Anh khỏi Liên minh châu Âu sau nhiều năm tranh cãi gay gắt.
Nhưng kể từ đó, cách xử lý ban đầu của ông đối với đại dịch đã bị chỉ trích rộng rãi và chính phủ đã đi từ tình trạng khó khăn này sang tình trạng khó khăn khác.
Mặc dù ông Johnson giành được nhiều lời khen ngợi vì sự ủng hộ của ông đối với Ukraine, nhưng sự gia tăng trong bảng xếp hạng thăm dò ý kiến cá nhân của ông đã không kéo dài.
Cách tiếp cận mang tính tranh chấp của ông Johnson đối với Liên minh châu Âu cũng đã đè nặng lên đồng bảng Anh, khiến cho lạm phát càng trầm trọng hơn và được dự báo sẽ vượt qua 11%.
Diễn đàn