Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 24/6 đã mất hai ghế ở Quốc hội, một cú giáng nữa vào ông Johnson vốn sau đó mất thêm một đồng minh thân cận khi chủ tịch đảng bất ngờ từ chức và bản thân ông đối mặt với những lời kêu gọi từ chức mới.
Có mặt ở Rwanda để tham dự cuộc họp của các quốc gia Khối thịnh vượng chung, ông Johnson đã bất chấp sức ép và cam kết lắng nghe mối quan tâm của cử tri và hứa làm nhiều hơn nữa để đối phó giá cả sinh hoạt tăng vọt sau điều mà ông mô tả là kết quả ‘khó khăn’ trong hai cuộc bầu cử sớm.
Hai thất bại này - một ở địa hạt truyền thống của đảng Bảo thủ ở phía nam và một ghế vốn đã giành được từ Đảng Lao Động ở vùng công nghiệp phía bắc nước Anh trong cuộc bầu cử trước - cho thấy sức hấp dẫn rộng rãi mà Johnson thể hiện để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2019 có thể đang đổ vỡ.
Mối lo rằng ông Johnson có thể trở thành gánh nặng bầu cử có thể khiến các nghị sỹ Bảo thủ chống lại ông một lần nữa sau nhiều tháng bê bối về các buổi tiệc tùng thời đóng cửa chống COVID vào lúc hàng triệu người dân Anh đang phải vật lộn với giá thực phẩm và nhiên liệu tăng.
Ông Johnson cho đến nay đã kháng cự áp lực từ chức sau khi ông bị phạt vì vi phạm quy tắc phong tỏa tại văn phòng của ông ở Phố Downing.
Trong tháng này, ông đã trụ được sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của các nghị sỹ đảng Bảo thủ, mặc dù 41% các nghị sỹ bỏ phiếu phế truất ông, và ông đang bị điều tra về liệu ông có cố tình lừa dối quốc hội hay không.
“Tôi nghĩ với tư cách là một chính phủ, tôi phải lắng nghe những gì người dân nói,” ông Johnson nói với các đài truyền hình ở Kigali.
Tại một cuộc họp báo sau đó, ông cho biết chính phủ của ông đã có chương trình phù hợp để vượt qua điều mà ông mô tả là ‘giai đoạn khó khăn’ khi lạm phát gia tăng bao gồm cải cách giao thông, thị trường nhà ở và năng lượng để giảm bớt áp lực cho người dân.
Sau những thất bại của Đảng Bảo thủ, Chủ tịch Đảng Oliver Dowden đã từ chức trong một bức thư được lựa chọn ngôn từ cẩn thận để ám chỉ rằng ông tin là ông Johnson phải chịu trách nhiệm.
Ông viết: “Chúng ta không thể tiếp tục công việc như thường. Ai đó phải chịu trách nhiệm và tôi đã kết luận rằng, trong những trường hợp này, sẽ không đúng nếu tôi tiếp tục tại vị.”
Một số thành viên Bảo thủ đổ lỗi cho ông Johnson điều hành các chiến dịch kém cỏi ở cả hai khu vực bỏ phiếu khi phớt lờ những lo ngại của địa phương.
Johnson trả lời rằng ông hiểu sự thất vọng của ông Dowden nhưng ‘chính phủ đã được bầu với sứ mạng lịch sử chỉ hơn hai năm trước’ và ông sẽ tiếp tục làm việc để thực hiện sứ mạng đó.
Cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Michael Howard nói với BBC rằng đảng này ‘sẽ tốt hơn nếu có lãnh đạo mới’ và kêu gọi các bộ trưởng trong nội các ‘cân nhắc cẩn thận vị trí của họ’.
Một làn sóng từ chức nội các có thể là một phương cách để buộc ông Johnson ra đi trước cuộc tổng tuyển cử kế tiếp vào năm 2024.