Tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam lên đến gần 9.600 người, tính đến chiều tối 9/6, theo thông tin chính thức do chính phủ Việt Nam công bố.
Với 64 ca mắc mới được ghi nhận chiều 8/6, số người nhiễm COVID-19 trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4 ở Việt Nam đã vượt mốc 6.000, lên 6.044 ca, theo Cổng thông tin chính phủ (VGP News).
VGP News cho biết, 41 trong số 64 trường hợp đó là các ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhiều nhất là ở Bắc Giang.
Tính tới trưa ngày 9/6, theo trang Facebook của chính phủ Việt Nam, số ca mắc mới trong đợt bùng phát dịch thứ 4 ở Việt Nam, tính từ ngày 27/4, tiếp tục tăng lên 6.327 ca.
Đến 8h tối 9/6, vẫn trang Thông tin Chính phủ cho biết có thêm 60 ca mới được ghi nhận là các bệnh nhận được đánh số từ 9.506 đến 9.565.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, Bắc Giang là địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất trong đợt lây lan mới nhất trong cộng đồng này.
Chị Thái An, một người dân Bắc Giang, cho VOA Việt Ngữ biết rằng tình hình dịch bệnh hiện giờ “nói chung là phức tạp”.
Chị nói thêm: “Nó ảnh hưởng tới đời sống kinh tế của người dân. Nói chung là bùng phát thì cũng nguy hiểm cho mọi người. Nói chung là mọi người dân chật vật, vất vả lắm, khó khăn. Doanh nghiệp của em cũng lao đao”.
Trong công văn đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang hôm 9/6, chính quyền tỉnh này cho biết “đang bước vào giai đoạn tổng tiến công dập dịch” và “phấn đấu sau ngày 21/6/2021 cơ bản không còn trường hợp nào bị lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn”.
Công văn “hỏa tốc” này yêu cầu người dân, nhất là tại ba huyện có tình trạng lây nhiễm mạnh gồm Việt Yên, Yên Dũng và Hiệp Hòa, “trong 14 ngày tới, ai không có việc gì thật sự cần thiết thì không ra ngoài, thực hiện người nhà nào ở yên nhà ấy, không gặp gỡ tiếp xúc với ai ở bên ngoài… với tinh thần ‘Nhà nhà cửa đóng then cài’”.
Theo văn bản này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu các chính quyền cấp dưới “tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Trên toàn quốc, tính tới ngày 9/6, theo cổng thông tin của Bộ Y tế, Việt Nam có 55 trường hợp tử vong vì dịch.
Cùng ngày, Cổng thông tin của Bộ Y tế hôm 9/6 dẫn lời Bộ trưởng Bộ này, ông Nguyễn Thanh Long, nói trong một cuộc họp một ngày trước đó với bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện tại Việt Nam của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), rằng dù Việt Nam “đã và đang nỗ lực cố gắng tiếp cận các nguồn vắc xin để đảm bảo từ nay đến cuối năm tiêm đủ 70% dân số nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, nhưng đến thời điểm này các nguồn vắc-xin về Việt Nam rất chậm”.
Ông Long cũng được trích lời “đặc biệt nhấn mạnh đến việc UNICEF tăng cường trao đổi với COVAX [cơ chế chia sẻ vắc-xin toàn cầu] để cung ứng vắc-xin phòng COVID-19 về Việt Nam càng sớm càng tốt”.
Theo thông tin đăng trên trang web của UNICEF tại Việt Nam, cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc này đang “thay mặt” COVAX để tiến hành “hoạt động cung ứng và thu mua vắc-xin lớn nhất từ trước đến nay”. Cho tới nay, UNICEF đã “hỗ trợ vận chuyển tới Việt Nam” 2.493.600 liều vắc xin và 1.800.000 bơm tiêm.
Theo dữ liệu của Trung tâm thông tin về virus Corona của Đại học Johns Hopkins, Việt Nam tới nay đã tiêm 1.354.856 liều vắc-xin và mới chỉ có 42.115 người được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 0.04% dân số. Theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, đây là tỷ lệ thấp nhất trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).