Việt Nam mới đây cho biết đã triển khai hàng trăm sinh viên y khoa tới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh để giúp công tác ngăn chặn COVID-19.
Theo Bộ Y tế, 250 sinh viên của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương giữa tháng trước đã tới chi viện cho hai tỉnh trên.
Viết về bước đi này trên trang Facebook hôm 29/5, đại sứ quán Mỹ nói rằng Bắc Giang và Bắc Ninh là hai địa phương “đang là tâm dịch COVID-19” và các sinh viên sẽ giúp “hỗ trợ công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cũng như các hoạt động phòng chống COVID-19 khác”.
Cơ quan ngoại giao Mỹ cho biết thêm rằng “nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng nhân viên y tế trong phòng chống COVID-19, trong thời gian từ tháng 4/2000 đến tháng 9/2020, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ tập huấn cho sinh viên y khoa các năm cuối thông qua dự án Liên minh Nâng cao Chất lượng Đào tạo Y khoa và Quản lý các Bệnh mới nổi (IMPACT MED) của USAID do Tổ chức Hợp tác vì sự Phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) thực hiện”.
Tin cho hay, với hỗ trợ này, 176 giảng viên, 8.782 sinh viên và bác sĩ nội trú và 963 cán bộ y tế thuộc 194 cơ sở y tế trên cả nước “đã được tập huấn để sẵn sàng tham gia phòng chống COVID-19 khi được huy động”.
Theo USAID, Liên minh IMPACT MED bao gồm một nhóm các trường đại học và các đối tác lĩnh vực công và tư nhân với mục tiêu của dự án là “hỗ trợ xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có chất lượng và hiệu quả tại Việt Nam có khả năng đáp ứng với các ưu tiên của thế kỷ 21 và đóng góp vào sự bền vững và an ninh y tế của đất nước”.
Ngoài ra, Liên minh này cũng hợp tác với 5 trường đại học y khoa và các nhà hoạch định chính sách để cải thiện và đổi mới đào tạo y khoa bậc đại học thông qua hỗ trợ kỹ thuật nhằm đổi mới toàn diện chương trình đào tạo bác sỹ đa khoa 6 năm.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho biết thêm rằng các khóa đào tạo được thực hiện bởi giảng viên của Trường đại học Y Harvard sẽ giúp cải thiện kỹ năng phát triển chương trình đào tạo, học tập chủ động, giảng dạy lâm sàng và xây dựng một cộng đồng các nhà giáo dục nhằm phát triển đổi mới đào tạo y khoa. “Quan hệ hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam sẽ giúp những bài học kinh nghiệm và mô hình thành công được chia sẻ rộng rãi với các trường đại học khác trên toàn quốc”, USAID cho biết.
Theo cơ quan này, đến năm 2025, sẽ có khoảng hơn 5.000 bác sỹ tốt nghiệp từ chương trình đào tạo mới.
Ngoài các sinh viên, phía Mỹ trước đó cho biết đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo các “thám tử dịch bệnh”, tức các cán bộ dịch tễ học, để ứng phó với virus Corona.
Cuối tháng trước, theo cổng thông tin của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ này, ông Nguyễn Thanh Long, đã kêu gọi lãnh đạo 125 trường đại học và cao đẳng y, dược trên toàn quốc hỗ trợ nhân lực cho công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh.
Ông Long được trích lời nói: “Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi ngành y phải hết sức nỗ lực thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch nhanh và hiệu quả. Tôi đề nghị các trường tập huấn ngay cho cán bộ, sinh viên các nội dung: tiêm chủng và an toàn tiêm chủng; lấy mẫu và xét nghiệm; chăm sóc điều trị, phòng lây nhiễm chéo. Bộ Y tế sẽ điều động nhân lực từ các trường để hỗ trợ các địa phương chống dịch, trước mắt là Bắc Giang và Bắc Ninh”.