Đường dẫn truy cập

Đại sứ EU nêu vấn đề Phạm Đoan Trang bị bắt với Bộ Công an Việt Nam


Đại sứ EU nêu vụ bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang với Bộ Công an Việt Nam, ngày 4/11/2020. Photo ANTV.
Đại sứ EU nêu vụ bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang với Bộ Công an Việt Nam, ngày 4/11/2020. Photo ANTV.

Hôm 5/11, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết ông và các đại sứ của khối này vừa nêu vấn đề nhà báo tự do Phạm Đoan Trang bị bắt giữ với Bộ Công an Việt Nam trong nỗ lực nhằm kêu gọi bảo vệ quyền tự do ngôn luận và nhân quyền.

“Quyền tự do bày tỏ và tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và cần phải được tôn trọng,” Đại sứ Aliberti viết trên Twitter.

Đại sứ EU Giorgio Aliberrti thông báo trên Twitter về cuộc gặp với Bộ Công an Việt Nam.
Đại sứ EU Giorgio Aliberrti thông báo trên Twitter về cuộc gặp với Bộ Công an Việt Nam.

Đài truyền hình ANTV của Bộ Công an hôm 4/11 loan tin rằng trong cuộc gặp với Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại của Bộ Công an, Đại sứ Aliberti có trao đổi, chia sẻ mối quan tâm về việc bà Phạm Đoan Trang bị bắt ngày 07/10/2020 về tội “Làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước.”

Quyền tự do bày tỏ và tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và cần phải được tôn trọng.
Đại sứ Giorgio Aliberti

Tin cho hay Đại sứ Giorgio Aliberti, cùng các Đại sứ khác bao gồm cả Đại sứ Anh và đại diện Nhóm Bảo vệ quyền tự do cho các nhà báo gồm liên minh 37 nước thành viên nêu quan điểm cho rằng bà Phạm Đoan Trang chỉ là người thực hiện “quyền tự do ngôn luận của mình.”

ANTV dẫn lời Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn khẳng định rằng những đánh giá của các nước về việc bắt giữ Phạm Đoan Trang “chưa phản ánh đúng khách quan về bản chất hành vi của đối tượng này.”

Ông nói: “Tự do và các quyền con người cơ bản luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng, ghi nhận và đảm bảo. Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết, quyền con người có thể bị hạn chế nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Điều này được ghi nhận trong luật pháp quốc tế và Hiến pháp 2013 của Việt Nam.”

Dân biểu Mỹ kêu gọi phóng thích nhà báo Phạm Đoan Trang
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:33 0:00

Ông Sơn nói rằng bà Phạm Đoan Trang thực chất đã “lợi dụng việc thực hiện quyền tự do ngôn luận xâm phạm an ninh quốc gia được luật pháp Việt Nam bảo vệ, thuộc những trường hợp bị hạn chế quyền phù hợp với quy định của Luật Nhân quyền quốc tế.”

Ông Cục trưởng khẳng định rằng việc bắt giữ bà Đoan Trang “là đúng pháp luật và được Viện Kiểm sát phê chuẩn.”

Trước đó, vào ngày 9/10, Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Tomas Petricek cũng lên tiếng yêu cầu nhà nước Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang.

“Tôi đã rất lo lắng về việc bắt giữ cô Phạm Đoan Trang, người đoạt giải thưởng Homo Homini của Séc năm 2017. Giải thưởng tôn vinh những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc thúc đẩy nhân quyền, dân chủ và các giải pháp hòa bình cho các xung đột chính trị,” Ngoại trưởng Petricek viết trên Twitter.

Ông Petricek viết thêm: “Tôi yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho cô ấy và tôi kêu gọi các cơ quan chức năng Việt Nam tôn trọng các cam kết luật pháp quốc tế.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG