Đường dẫn truy cập

TTg Phúc thúc giục TT Trump ‘đánh giá khách quan’ về Việt Nam giữa tranh cãi thương mại


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại một cuộc gặp ở Hà Nội hôm 27/2/2019. Thủ tướng Phúc vừa lên tiếng đề nghị Tổng thống Trump "đánh giá khách quan" về thực tế ở Việt Nam trong lúc Bộ Tài chính Mỹ điều tra khả năng thao túng tiền tệ của Hà Nội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại một cuộc gặp ở Hà Nội hôm 27/2/2019. Thủ tướng Phúc vừa lên tiếng đề nghị Tổng thống Trump "đánh giá khách quan" về thực tế ở Việt Nam trong lúc Bộ Tài chính Mỹ điều tra khả năng thao túng tiền tệ của Hà Nội.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng phủ nhận chính sách tỷ giá tiền tệ của Việt Nam nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại và mong muốn Tổng thống Mỹ Donald Trump “đánh giá khách quan hơn về thực tiễn Việt Nam” trong bối cảnh Bộ Thương mại Hoa Kỳ mới công bố cuộc điều tra về việc Việt Nam thao túng tiền tệ.

Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đầu tháng này cho biết rằng họ đang tiến hành một cuộc điều tra xem liệu Việt Nam có chủ động hạ giá tiền đồng và làm hại đến thương mại Mỹ hay không, theo chỉ thị của Tổng thống Trump.

“Trên thực tế, nếu phá giá đồng Việt Nam sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của người dân, các nhà đầu tư, thiệt hại sẽ rất lớn đối với cả nền kinh tế,” Thủ tướng Phúc nói với Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) Adam Boehler hôm 26/10 tại một cuộc gặp mặt ở Trụ sở Chính phủ ở Hà Nội.

Bộ Tài Chính Mỹ hồi tháng 8 vừa qua tuyên bố rằng Việt Nam chủ tâm định giá tiền đồng thấp hơn đồng đô la Mỹ khoảng 4,7% trong năm 2019. Một quy định mới của chính quyền Tổng thống Trump hồi đầu năm nay cho phép Bộ Thương mại Mỹ xem việc định giá thấp tiền tệ là một yếu tố trong việc quyết định các loại thuế chống trợ giá đối với một đối tác thương mại.

Thủ tướng Phúc, trong cuộc họp với ông Boehler và đoàn công tác cấp cao của Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam nhằm “thảo luận một loạt các cơ hội”, đề nghị tổng giám đốc DFC “có tiếng nói với Tổng thống Hoa Kỳ” để có “đánh giá khách quan hơn về thực tiễn tại Việt Nam.” Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng đề nghị ông Boehler nói với USTR và các cơ quan Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam “thực hiện Kế hoạch hành động hướng tới thương mại cân bằng đã được thống nhất cuối năm 2019” để “hài hoà với các cam kết của Hoa Kỳ về một Việt Nam ‘mạnh, độc lập và thịnh vượng’ và quan hệ Đối tác toàn diện hai nước.”

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tổng giám đốc DFC chuyển lời hỏi thăm của Tổng thống Trump và cho biết cơ quan này sẽ “đầu tư mạnh vào Việt Nam” thông qua hợp tác hai bên trong thời gian tới.

Việt Nam nằm trong số các quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn với Mỹ, và điều này khiến Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái cáo buộc Việt Nam là nước “lạm dụng” thương mại “tồi tệ” hơn cả Trung Quốc.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 8 vừa qua, với mức âm hơn 7,5 tỷ USD trong một tháng. Tổng mức thâm hụt thương mại tính cho tới hết tháng 8 năm nay là hơn 42,3 tỷ USD, cao hơn 8 tỷ so với cùng kỳ năm trước đó. Mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam trong năm 2019, hơn 55,7 tỷ USD, cũng là mức cao kỷ lục trong lịch sử trao đổi hàng hoá giữa hai nước kể từ 1992.

Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia mà Washington coi là cần theo dõi về nguy cơ thao túng tiền tệ do có thặng dư thương mại với Mỹ. Bộ Tài Chính Mỹ hồi đầu năm nay liệt kê Việt Nam vào danh sách 10 nước “có lẽ” sử dụng tỷ giá hối đoái để đạt được lợi thế về xuất khẩu so với Mỹ.

Đại diện Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc hôm 26/10, Hoa Kỳ “rất quan tâm đến các chính sách tiền tệ, chính sách ngoại hối của các đối tác thương mại, đánh giá cao các bước tiến mà Việt Nam đạt được, mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan chức năng của Việt Nam,” theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam.

Bộ Công thương Việt Nam hồi tháng 6 nói rằng họ sẽ hợp tác với các nhà điều tra của Mỹ về vấn đề này và sẽ “cung cấp tất cả những thông tin cần thiết về việc trợ giá và định giá thấp tiền tệ cho phía Mỹ” để họ có được “cơ sở dữ liệu đầy đủ trước khi đưa ra kết luận.”

Đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định rằng một trong những ưu tiên của Việt Nam năm 2020 là tiếp tục làm việc với các đối tác thương mại lớn để chứng minh Việt Nam “không thao túng tiền tệ”.

Việt Nam được cho là đang nỗ lực làm “hài hoà hoá” cán cân thương mại với Mỹ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ từ năm ngoái và mới đây phê duyệt một dự án điện khí hoá lỏng (LNG) của tập đoàn ExxonMobil của Mỹ ở Hải Phòng trị giá hơn 5 tỷ USD để sử dụng LNG nhập khẩu từ Mỹ. Trước đó, một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, LNG Chân Mây, cũng đang có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam để tìm cách thu lợi nhuận từ nhu cầu điện tăng cao của quốc gia Đông Nam Á cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG