Đường dẫn truy cập

Dân biểu Mỹ kêu gọi ngoại trưởng yêu cầu thả bà Phạm Đoan Trang


Ngoại trưởng Mike Pompeo và Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp ở Hà Nội năm 2018.
Ngoại trưởng Mike Pompeo và Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp ở Hà Nội năm 2018.

Một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ mới gửi thư tới Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong đó bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ Việt Nam bắt giữ ký giả tự do Phạm Đoan Trang, đồng thời kêu gọi nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ thúc đẩy việc phóng thích bà.

12 dân biểu, trong đó có ông Lou Correa và Alan Lowenthal, vốn đại diện cho các địa hạt ở California, nơi có đông người Mỹ gốc Việt sinh sống, viết rằng bà Trang bị “nhắm mục tiêu” vì “đưa tin và chia sẻ thông tin về vụ xung đột bạo lực ở làng Đồng Tâm” cũng như do lên tiếng “kêu gọi Việt Nam ban hành các luật mới về bầu cử quốc hội”.

Bà Phạm Đoan Trang không vi phạm pháp luật và chỉ thể hiện các quyền tự do cơ bản của mình, được bảo đảm trong hiến pháp Việt Nam. Chúng tôi tin chắc rằng bà ấy phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.
Bức thư của các dân biểu Mỹ có đoạn.


Viện dẫn cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước”, Việt Nam hôm 6/10 bắt giữ tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có “Phản kháng phi bạo lực”, ít giờ sau khi kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền với phía Mỹ.

Trước đó không lâu, người được các nhà lập pháp Mỹ coi là một “nhà hoạt động tích cực” cho ra mắt ấn bản mới nhất của “Báo cáo Đồng Tâm” mà bà nói là “một công cụ để vận động cho người dân Đồng Tâm nói riêng và cho các vấn đề đất đai hay nhân quyền Việt Nam nói chung.”

“Bà Phạm Đoan Trang không vi phạm pháp luật và chỉ thể hiện các quyền tự do cơ bản của mình, được bảo đảm trong hiến pháp Việt Nam. Chúng tôi tin chắc rằng bà ấy phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện”, các nhà lập pháp viết trong lá thư đề ngày 16/10 mà văn phòng của dân biểu Lou Correa chia sẻ với VOA Việt Ngữ.

Họ cũng kêu gọi Ngoại trưởng Pompeo “thúc giục chính phủ Việt Nam ngưng đàn áp những người bất đồng chính kiến ôn hòa và nêu việc thả bà Phạm Đoan Trang trong bất kỳ cuộc gặp song phương nào với chính quyền Việt Nam” cũng như “thông báo cho Quốc hội về tình hình" liên quan tới vụ bắt giữ này.

Văn phòng của ông Correa nói với VOA Việt Ngữ rằng họ chưa nhận được hồi đáp của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong một tuyên bố trên Twitter ít ngày trước khi lá thư được gửi tới ông Pompeo, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Robert A. Destro, viết rằng Hoa Kỳ “lên án” vụ bắt giữ bà Trang.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam ngay lập tức thả bà và hủy bỏ mọi cáo buộc”, ông Destro lên tiếng hôm 9/10, hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ gửi cho VOA Việt Ngữ bản thông cáo, trong đó không thúc giục phóng thích bà Trang mà chỉ kêu gọi chính quyền Hà Nội “bảo đảm các hành động và luật pháp phải phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam”.

Phía Hoa Kỳ từng nêu cụ thể một số nhà hoạt động bị cầm tù ở Việt Nam trong cuộc đối thoại nhân quyền các năm trước đây. Trong lá thư viết trước khi bị bắt, bà Trang cho biết “rất không thích bị coi là món hàng để nhà nước trao đổi”.

Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chủ trương nhất quán của Việt Nam.
Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói.


Trong báo cáo nhân quyền mới nhất về Việt Nam được công bố hồi tháng Ba năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết rằng “cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất được tổ chức vào năm 2016 đã diễn ra không tự do và không công bằng, mặc dù có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng viên đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét kỹ lưỡng”.

Phúc trình này cũng đề cập tới “những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam”, trong đó có việc Bộ này nói là “bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền” hay “can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình [ôn hòa] và tự do lập hội”.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng “báo cáo vẫn còn một số nội dung thiếu khách quan dựa trên những thông tin không được kiểm chứng về thực tế tại Việt Nam".

“Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chủ trương nhất quán của Việt Nam”, bà Hằng nói thêm, theo truyền thông trong nước.

VOA Express

XS
SM
MD
LG