Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 8 vừa qua, theo dữ liệu mới công bố chỉ vài ngày sau khi chính quyền Tổng thống Trump công bố một cuộc điều tra có thể dẫn tới việc áp thuế lên hàng nhập khẩu từ quốc gia Đông Nam Á này.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng 11% giữa tháng 7 và tháng 8 vừa qua với mức thâm hụt lên đến gần 7,6 tỷ USD, và là mức tăng 38,9% so với cùng kỳ 1 năm trước đó, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ.
Đây cũng là mức thâm hụt cao nhất trong lịch sử thương mại hàng hoá giữa Mỹ và Việt Nam kể từ năm 1992, 3 năm trước khi Mỹ và Việt Nam bình thường hoá quan hệ ngoại giao. Thống kê của Cục Điều tra Dân số Mỹ cho thấy trao đổi thương mại giữa Mỹ và Việt Nam bắt đầu có mức thâm hụt đầu tiên vào tháng 1/1995 với giá trị xuất khẩu hàng hoá của Mỹ sang Việt Nam thấp hơn giá trị nhập khẩu hàng Việt Nam vào Mỹ ở mức 1 triệu USD trong một tháng.
Thông báo về mức thâm hụt thương mại kỷ lục này được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu hai cuộc điều tra riêng biệt đối với việc sử dụng gỗ được cho là khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp và thao túng tiền tệ của Việt Nam.
Với việc sử dụng Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang sử dụng cơ chế tương tự như trong việc khởi điểm hàng loạt các loại thuế quan trị giá hàng tỷ USD trong cuộc chiến thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ từ tháng 7/2018.
USTR không đưa ra một thời gian biểu nào cho cuộc điều tra này nhưng cuộc điều tra đối với Trung Quốc diễn ra trong bảy tháng. Hôm 8/10, cơ quan này công bố hai cuộc điều tra trên trang Công báo Chính phủ, trong đó yêu cầu ý kiến đóng góp của công chúng đến hết ngày 12/11, sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ 3/11.
Tuy nhiên nếu xác định được rằng Việt Nam định giá thấp tiền đồng và trong quá trình này làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của Mỹ thì các loại thuế quan có thể được áp dụng lên hàng hoá Việt Nam khi nhập vào Mỹ.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn với Mỹ, và điều này khiến Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái cáo buộc Việt Nam là nước “lạm dụng” thương mại “tồi tệ” hơn cả Trung Quốc.
Thống kê của Cục Điều tra Dân số Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam là hơn 55,7 tỷ USD trong năm 2019, tăng hơn 16,2 tỷ USD so với năm ngoái. Mức thâm hụt thương mại hơn 39,4 tỷ USD của năm 2018 tăng 3,1% so với năm trước đó. Thống kê này cũng cho thấy thâm hụt trong thương mại giữa Mỹ và Việt Nam không ngừng tăng sau mỗi năm kể từ khi Mỹ bắt đầu ghi nhận con số âm hơn 101 triệu USD trong cán cân thương mại với Việt Nam trong toàn bộ năm 1997.
Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer hồi tháng 7/2019 cảnh báo Việt Nam phải có biện pháp cắt giảm thặng dư thương mại trong bối cảnh chính quyền Trump tiếp tục tăng cường áp lực lên quốc gia Đông Nam Á để cân bằng cán cân thương mại với Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng từng phản hồi với VOA tiếng Việt về chỉ trích của Tổng thống Trump về “lạm dụng thương mại,” nói rằng chính quyền Hà Nội đang “thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu” cũng như “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn hoạt động tại Việt Nam.”
Việt Nam được cho là đang nỗ lực làm “hài hoà hoá” cán cân thương mại với Mỹ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ từ năm ngoái, một phần vì Trung Quốc ngừng nhập hàng hoá Mỹ trong bối cảnh thương chiến. Việt Nam cũng vừa phê duyệt một dự án điện khí hoá lỏng (LNG) của tập đoàn ExxonMobil của Mỹ ở Hải Phòng trị giá hơn 5 tỷ USD để sử dụng LNG nhập khẩu từ Mỹ. Trước đó, một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, LNG Chân Mây, cũng đang có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam để tìm cách thu lợi nhuận từ nhu cầu điện tăng cao của quốc gia Đông Nam Á cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.