Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink vừa có chuyến thăm tới khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, nơi Ngô Quyền từng đánh bại quân Nam Hán, để tìm hiểu về cách các vị anh hùng dân tộc Việt Nam “giữ gìn bờ cõi” khỏi sự xâm lược từ phương Bắc.
Chuyến thăm này diễn ra gần một tháng sau khi ông Kritenbrink viếng thăm nghĩa trang Trường Sơn và trở thành vị đại sứ đầu tiên của Mỹ đến thắp hương cho hơn 10.000 liệt sỹ của quân đội Bắc Việt từng tham gia chiến tranh Việt Nam.
Trang Facebook chính thức của Đại Sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết Đại sứ Kritenbrink hôm 28/9 “đã đi thăm di tích lịch sử Bạch Đằng, nơi ông đã tìm hiểu về cách Việt Nam giữ gìn bờ cõi thành công khỏi ba lần xâm lược bằng đường thuỷ từ phương Bắc.”
Di tích Bạch Đằng Giang ở xã Thuỷ Nguyên của Hải Phòng được biết tới là nơi vị vua xưng vương đầu tiên của nước Việt, Ngô Quyền, đóng cọc ngăn thuyền đánh thắng quân Nam Hán năm 938.
Đại sứ Kritenbrink “vô cùng ấn tượng về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam” và “bày tỏ lòng thành kính trước ba vị anh hùng dân tộc đã làm nên chiến thắng vẻ vang trên sông Bạch Đằng,” theo ghi nhận của Cổng Thông tin Điện tử TP Hải Phòng.
Chiến thắng năm 938 của Ngô Quyền, cùng Hoàng đế Lê Đại Hành và Hương đạo vương Trần Quốc Tuấn, được truyền thông trong nước gọi là một “bước ngoặt vĩ đại” chấm dứt thời kỳ đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, ngày nay là Trung Quốc, và đặt nền móng cho “độc lập, tự chủ thực sự và lâu dài của dân tộc” Việt Nam.
“Những chiến thắng này không chỉ phản ánh lòng can đảm của người Việt Nam mà còn cho thấy các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có thể đứng lên bảo vệ chủ quyền của mình,” trang Facebook của Đại Sứ quán Mỹ tại Hà Nội viết trong phần thông báo về chuyến thăm của Đại sứ Kritenbrink tới khu di tích Bạch Đằng.
Đại sứ Mỹ gần đây đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hành động gây căng thẳng trên Biển Đông nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.
Hồi tháng 8, Đại sứ Kritenbrink cho biết Mỹ bác bỏ bất kỳ hành động nào nằm áp đặc lối tư duy “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông và lên án yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính, nơi Việt Nam hồi năm ngoái cáo buộc Trung Quốc đưa tàu thăm dò vào xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Những phát ngôn của Đại sứ Kritenbrink nhất quán với lập trường của chính phủ Mỹ gần đây trước những hành động gồm đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa và trong các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi mà chính phủ Mỹ các buộc là một “chiến dịch bắt nạt” các nước nhỏ của Trung Quốc.