Đường dẫn truy cập

EU thông qua EVFTA bất chấp cảnh báo của giới nhân quyền và xã hội dân sự


Hiệp định thương mại Tự do EU-VN (EVFTA) được Nghị viện Châu Âu thông qua hôm 12/2/2020.
Hiệp định thương mại Tự do EU-VN (EVFTA) được Nghị viện Châu Âu thông qua hôm 12/2/2020.

Nghị viện châu Âu đã thông qua Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) hôm 12/2/2020, bất chấp cảnh báo của một số thành viên Quốc hội châu Âu về mối đe dọa đối với việc làm ở EU và của các tổ chức bênh vực nhân quyền và xã hội dân sự về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam. Các tổ chức bênh vực nhân quyền gần đây liên tục hối thúc EU hoãn lại tiến trình phê chuẩn EVFTA cho tới khi nào Hà nội cởi bỏ bớt những hạn chế đối với các quyền dân sự.

Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) được phê chuẩn hôm thứ Tư 12/2 tại thành phố Strasbourg của nước Pháp, với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng.

EVFTA gồm hai hiệp định, Hiệp định Thương mại (EVFTA), và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Được miêu tả là một thỏa thuận thương mại “đầy tham vọng và hiện đại nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển”, EVFTA bao gồm các quy định có tính ràng buộc về khí hậu, và sẽ dần dà tháo gỡ hàng rào thuế quan giữa hai bên trong 10 năm tới. Những người ủng hộ EVFTA nói rằng thỏa thuận này là “một công cụ giúp bảo vệ môi trường và duy trì các tiến bộ xã hội tại Việt Nam”.

Mục tiêu nhắm đến của EVFTA là loại bỏ tất cả thuế quan đánh trên hàng hóa giữa hai bên, trong khi cổ vũ cho việc tôn trọng nhân quyền, quyền của người lao động và bảo vệ môi trường.

Để chiếm đa số phiếu trong Nghị viện EU gồm tất cả 705 ghế, lãnh đạo EU đã vận động để Hà nội đưa ra những cam kết cụ thể về các quyền của người lao động.


Nội dung chính của EVFTA


Việt Nam sẽ xóa bỏ 99% các thuế quan đánh trên hàng nhập khẩu từ EU trong thời gian 10 năm, và EU sẽ thực hiện cam kết tương tự trong 7 năm.

Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho giới đầu tư EU trong một số lĩnh vực như dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, vận tải và phân phối.

Qua EVFTA, Việt Nam cam kết thông qua hai dự luật, dự luật thứ nhất để bãi bỏ lao động cưỡng bức và dự luật còn lại cho phép tự do lập hội.

EVFTA có thêm một điều khoản theo đó thỏa thuận thương mại sẽ bị đình chỉ nếu có vi phạm nhân quyền.

Nhưng các tổ chức bảo vệ nhân quyền không dấu thái độ hoài nghi về liệu EVFTA có ảnh hưởng tích cực tới tình hình nhân quyền đang tồi tệ ở Việt Nam hay không.

Deutsche Welle nhắc đến nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng – blogger thường xuyên đóng góp những bài viết trên trang Việt ngữ-VOA, nói rằng ông chỉ là 1 trong số 128 tù nhân chính trị vẫn đang mòn mỏi trong các nhà tù Việt Nam.

Giám Đốc Ban Đông Á của Tổ chức Human Rights Watch John Sifton đã từng cảnh báo rằng “Thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam một cách quá vội vã sẽ là một lỗi lầm nghiêm trọng.”

Ông nói thông qua EVFTA là tưởng thưởng Việt Nam “vì đã không làm gì cả”, và EVFTA “sẽ là một thông điệp vô cùng tiêu cực rằng những cam kết mà EU đã đưa ra, rằng sẽ dùng thương mại như một công cụ để cổ vũ cho nhân quyền trên toàn cầu, hoàn toàn không có giá trị.”


Phản ứng


Trang mạng Vietnam Plus dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh nói:

“Đây là một tin rất tốt lành cho cả Việt Nam và liên minh châu Âu (EU) cũng như cho cả toàn cầu hóa”.

Ông nói thêm rằng cùng với vai trò Chủ tịch ASEAN, việc Hiệp định Thương mại tự do- EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư -EVIPA được thông qua, “sẽ giúp Việt Nam phát huy mạnh mẽ hơn nữa vị thế của mình trên trường quốc tế.”

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng lên tiếng hoan nghênh việc thông qua EVFTA.

Nhóm nghị sĩ thiên tả của Nghị viện Châu Âu chỉ trích quyết định thông qua EVFTA, nói rằng thỏa thuận này không phù hợp với các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo Thỏa thuận Xanh châu Âu, và làm ngơ các hành động vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có quyền của người lao động.

Nghị viên Emmanuel Maurel thuộc chính đảng La France Insoumise, nhận định:

“EU thông qua thỏa thuận thương mại với Việt Nam mà không bảo vệ công nhân EU. Thỏa thuận này cũng không bảo vệ giới lao động Việt Nam, các thành viên công đoàn, và những nhà bảo vệ nhân quyền.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG