Đường dẫn truy cập

Bùng nổ bức xúc về vụ nâng điểm ‘con ông cháu cha’ ở Sơn La


Báo Người Đưa tin đăng danh sách 44 thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La. Photo Báo Người đưa tin.
Báo Người Đưa tin đăng danh sách 44 thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La. Photo Báo Người đưa tin.

Danh tính hàng chục thí sinh ở Sơn La được nâng điểm để vào các trường an ninh vừa được tiết lộ, đáng nói là hầu hết đều có bố mẹ là quan chức chính quyền. Việc công bố này đang làm xôn xao dư luận về một hệ thống giáo dục ‘có vấn đề, đầy lỗ hổng’ và đạo đức công chức ‘xuống cấp ở mức báo động’.

Từ Hà Nội, nhà giáo Đỗ Cao Sang, nói với VOA rằng việc con em của các quan chức nhà nước được nâng điểm để lọt vào các trường công an, cảnh sát nhân dân là điều “không thể chấp nhận được”.

Ông nói:

“Thông báo danh tính như thế là một điều rất tốt, ngoài ra còn cho biết cha mẹ làm những chức gì. Những gia đình có con chạy như thế thì cha mẹ không còn tư cách gì, họ đã làm những điều xấu xa trong xã hội”.

Những gia đình có con chạy như thế thì cha mẹ không còn tư cách gì, họ đã làm những điều xấu xa trong xã hội.
Nhà giáo Đỗ Cao Sang.

Báo Người Đưa tin hôm 18/4 đã nêu đầy đủ danh tính của hơn 40 thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La, mà hầu hết trong số này đều được xét tuyển vào các trường ngành công an.

Báo Người Đưa Tin cho biết: “Cơ quan điều tra đã xác định có 44 thí sinh tại Sơn La có bài thi gian lận. Trong số này, có 25 thí sinh vừa bị bộ Công an trả về đơn vị sơ tuyển ở địa phương, các sinh viên này hiện đang theo học các trường khối công an nhân dân. Trong số các thí sinh bị trả về, có 7 thí sinh trúng tuyển vào học viện An ninh Nhân dân, 16 thí sinh trúng tuyển vào học viện Cảnh sát Nhân dân và 2 thí sinh trúng tuyển vào trường đại học Phòng cháy Chữa cháy”.

Ông Đỗ Cao Sang nhận định các quan chức ở khu vực này được ví như những “ông vua”:

“Việc chạy điểm này phần lớn là vào ngành quân đội, công an, vào các trường khác rất hiếm vì các ngành khác đều phải học, đều phải đi xin việc. Những người xin điểm này có học lực kém, lại ở vùng sâu xa, ít bị kiểm tra, còn lãnh đạo địa phương thì như ông vua…”

Báo Tiền phong cho biết một thí sinh có bố là phó Chủ tịch huyện Quỳnh Nhai, mẹ là cán bộ Công an tỉnh Sơn La, có điểm thi môn ngoại ngữ từ 2,8 điểm được nâng thành 9,8 điểm để lọt vào Đại học Luật Hà Nội.

Sơn La không phải là tỉnh duy nhất có gian lận trong kỳ tuyển sinh vào ngành công an.

Cán bộ nâng điểm thi ở Hà Giang bị bắt
please wait

No media source currently available

0:00 0:00:58 0:00

Trước đó, hôm 17/4, truyền thông trong nước cho biết trong số 28 thí sinh liên quan gian lận điểm thi, vừa bị trả về tỉnh Hòa Bình, có 17 thí sinh trúng tuyển Học viện Cảnh sát Nhân dân năm 2018, trong đó có một thí sinh được nâng khống 26,45 điểm để lọt vào trường Trường Sĩ quan Lục quân 1.

“Hầu hết đây là con em có bố mẹ là lãnh đạo từ phó phòng, trưởng phòng, cục trưởng, giám đốc... Dư luận quan tâm những trường hợp là cán bộ, đảng viên thì sẽ bị xử lý thế nào?” báo Một Thế giới đặt nghi vấn.

Blogger Trần Gia Tiến viết trên Facebook: “Trò ăn gian điểm ở Sơn La có đủ mặt hết dàn cán bộ từ ủy ban tỉnh, ủy ban thành phố, công an, cục thuế, thanh tra, các sở này sở kia cho đến cục trồng trọt…”

Blogger Nguyễn Việt nhận định trên Facebook: “Vụ nâng điểm cho học sinh ở các tỉnh vùng cao phía Bắc, về bản chất, không khác gì các bằng thạc sĩ, tiến sĩ tại chức của các quan được cấp ngày nay”.

Nhà giáo Đỗ Cao Sang chia sẻ với VOA:

“Thực chất việc gian lận thi cử, đặc biệt trong các ngành công an, quân đội đã có từ lâu lắm rồi. Ở Việt Nam có rất nhiều tỉnh khác cũng trong tình trạng như thế, chẳng qua là chưa có quyết tâm ngó đến. Chúng ta có thiết chế gì để ngăn chặn hay không? Chứ dùng một chiêu bài gian lận để hạ bệ nhau, người này thay người kia để lên thì chẳng có ích quốc an dân gì cả”.

Ở Việt Nam có rất nhiều tỉnh khác cũng trong tình trạng như thế, chẳng qua là chưa có quyết tâm ngó đến.
Nhà giáo Đỗ Cao Sang.

Trang VietnamNet trích lời ông Đinh Công Sỹ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, nói hôm 18/4: “Đây là sự việc rất đáng buồn đối với Sơn La nói riêng và ngành giáo dục nói chung”, và ông đề nghị “đình chỉ chức vụ bố mẹ có con được nâng điểm”.

Ông Sỹ cho rằng sự việc này không chỉ làm mất đi sự công bằng trong đánh giá kết quả thi cử mà còn làm mất niềm tin của người dân với nhiều lĩnh vực quan trọng, có tác động to lớn đối với xã hội như giáo dục, y tế, công an, an ninh quốc phòng…

Nhà giáo Phạm Toàn, người cũng tích cực hoạt động và lên tiếng vì sự tiến bộ ở Việt Nam, nhận xét với VOA sau sự cố gian lận điểm thi ở Hà Giang vào năm ngoái rằng những bê bối trong lĩnh vực giáo dục nói riêng cũng phần nào cho thấy “sự suy đồi về đạo lý và văn hóa”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG