Đường dẫn truy cập

Ký ức tháng Tư


Ký ức tháng Tư
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:56 0:00

Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. 30 tháng 4 năm 1975, mốc lịch sử làm thay đổi không ít số phận, đặc biệt, Việt Nam bước vào một “số phận mới,” ranh giới vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương được xóa bỏ. Và trong đó, những người từng sống, làm việc dưới thời Việt Nam Cộng Hòa có một bước ngoặt số phận kém may mắn, thậm chí bi đát, hoặc vô cùng khốc liệt. Bà Trần Thị Phương Phỉ, người từng làm việc tại Sài Gòn dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, chia sẻ với VOA: “Khi đó thành phố Sài Gòn nhìn buồn lắm. Ở dưới mà nhìn lên trên lầu thấy toàn quần áo treo, rồi than, họ để đen thùi lùi không còn là thành phố thẩm mỹ như trước nữa, nên chi Sài Gòn rất buồn.” Họa sĩ Vân Ngữ, người từng hứng chịu những bi đát lịch sử sau 30 tháng 4, chia sẻ với VOA: “Rõ ràng là sự thay đổi đầu tiên ngay ngày 30 tháng 4 là một thời kỳ rối loạn, có một số người tỏ ra vui mừng bên ngoài nhưng thực ra có một sự xáo trộn, rối loạn. Rồi đến năm 78, lần đầu tiên Sài Gòn bị đói.” Bà Trần Thị Phương Phỉ chia sẻ thêm với VOA: “Dễ gì mà ăn được miếng thịt ở trong tem phiếu. Mà ngày xưa cái gì cũng tem phiếu hết, thịt, cá, gạo, nước mắm, vải… toàn là tem phiếu. Hồi đó tôi từng mất một cái sổ tem phiếu của mấy tháng trời, không có gì mà ăn hết!” Có thể nói thời kỳ sau 30 tháng 4 năm 1975 gieo vào tâm khảm những ai từng sống, từng eo sèo chén cơm manh áo tem phiếu, từng chứng kiến những bạn bè, người quen mất nhà cửa, mất tài sản vì “công cuộc triệt tiêu tư bản” thời đó… Một vết đau khó nguôi! Bà Trần Thị Phương Phỉ nhớ lại: “Họ đi về là coi như cái nhà đó không còn cái gì hết. Kiểm kê là coi như nhà nào bị là không còn cái gì để họ nắm trên tay hết. Họ khóc lóc, họ la, họ lăn rất là tội.” Họa sĩ Vân Ngữ kể về kỷ niệm riêng: “Gia đình tôi là một gia đình của chính quyền Sài Gòn cho nên dĩ nhiên sau 30 tháng 4 có quá nhiều thay đổi với gia đình tôi, với số phận của bản thân tôi. Nhưng mà sau 30 tháng 4 thì tôi cũng ít để ý đến ngày lễ đó, thực sự là tôi không tham dự. Tôi trở thành một người dân cho đến năm 2006 tôi mới thực sự có chứng minh nhân dân, tôi sống lang bạt kỳ hồ khắp nơi. Cho nên cái đó cũng coi như là dấu chứng sau 30 tháng 4 đối với bản thân tôi.” Người đi kẻ ở, người đi nếu may mắn thì cập bến ở các trại tị nạn, nếu không may mắn phải gửi thân vào lòng đại dương sau một hải trình khổ nhục. Người ở lại cũng chẳng sung sướng gì với một hồ sơ cải tạo đang chực chờ, rình rập. Bà Trần Thị Phương Phỉ nói: “Năm 1975 bạn bè tôi ở sở cũng rất đông. Nhưng sau đó họ đi hết, có người vượt biên qua Mỹ, những người đi máy bay chắc qua được, còn những người theo xuống biển chắc có lẽ là rớt dưới biển không chừng. Nên chi từ đó đến giờ tôi không còn tin tức gì của bạn bè ngày xưa ở tại Sài Gòn nữa, bây giờ cắt đứt hết trơn rồi. Tôi chỉ mong gặp lại một bạn thân nào đó còn sống sót để mà hỏi thăm, mà không gặp…!” Có thể nói rằng đất nước chưa bao giờ có một cuộc chia lìa, phân ly lớn như những ngày 30 tháng 4 và nhiều năm về sau. Nhưng mặc dù nỗi đau chồng chất trên rất nhiều căn phận miền Nam thì với không ít người miền Bắc, đó là một mùa Xuân đại thắng. Và nỗi hưng phấn, tiếng reo hò thắng cuộc từ lúc ấy vẫn reo vang cho đến bây giờ, âm thanh của nó dội vào những bức tường cũ, những góc khuất cuộc đời, nơi có những người vẫn ngồi trầm tư, mặc niệm những tháng ngày đã xa.

XS
SM
MD
LG