Kẹt xe ở Hà Nội
Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. Tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm ở các nút giao thông quan trọng, mang tính huyết mạch của thành phố đang ngày càng trở nên trầm trọng tại Hà Nội. Mặc dù đã có nhiều biện pháp đưa ra như thay đổi múi giờ làm việc hoặc xây cầu vượt nhưng nghe ra mọi thứ vẫn đâu vào đó, nạn kẹt xe vào giờ cao điểm vẫn là bài ca muôn thuở của Hà Nội. Bắt đầu từ 6h sáng, các điểm thắt nút cổ chai ở Hà Nội bắt đầu dồn ứ, người và xe cộ đông dần và thời gian kẹt có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ. Ông Vũ Văn Dư, cư dân thành phố Hà Nội, chia sẻ với VOA: “Có những tuyến đường nó kẹt dài, như ngã tư sở thì nó kẹt dài cả nửa tiếng, may giờ có cầu vượt cũng đỡ đi. Bây giờ kẹt nhiều nhất là đường Giảng Võ, con đường BRT cũng hay bị kẹt.” Ông Đỗ Văn Hùng, người chạy xe ôm, chia sẻ với VOA: “Xe đông như thế này, đường chật mà bảo chả đông, đường Hà Nội bao giờ chẳng kẹt.” Ông Hà Huy Phan, tài xế Grab, chia sẻ với VOA: “Kẹt xe thì nó ảnh hưởng thời gian, nói chung là khói bụi, nhiều cái nó bất cập không sao mà nói được. Đường kẹt, nhiều khi đi từ nhà đến nơi có mấy trăm mét, có cây số mà cả tiếng đồng hồ mới đến nơi được. Kẹt xe vất vả chỗ ấy.” Kẹt xe, trễ giờ làm việc, trễ giờ ra sân bay, xe cấp cứu không thể lưu thông, nếu có hỏa hoạn thì xe cứu hỏa sẽ kẹt cứng trong đám đông kẹt xe… Có một ngàn lẻ một mối nguy khi nạn kẹt xe xảy ra. Và ở trong đám đông kẹt xe, người ta chỉ còn biết chờ đợi, thụ động nhích từng centimet theo luồng giao thông. Và có vẻ như nạn kẹt xe ngày càng trở nên phổ biến hơn khi các khu chung cư, khu đô thị mới ở Hà Nội ngày càng thêm nhiều nhưng lại không có các tuyến đường mới nào mở ra để giải quyết một lượng lớn người tham gia giao thông. Ông Vũ Văn Dư, cư dân thành phố Hà Nội, chia sẻ với VOA: “Kẹt xe thường thường là giờ tan tầm hoặc là tầm giờ sáng. Như đầu Cầu Chương Dương hoặc Cửa Ông hay tắt. Chúng tôi quen đường nên đi đường vòng, nhiều người họ leo lên vỉa hè còn chúng tôi không leo lên được thì may nhờ quen đường nên đi đường vòng, chứ xử lý làm sao được.” Ông Đỗ Văn Hùng, người chạy xe ôm, chia sẻ với VOA: “Chỉ có đi chậm lại, không đi nhanh được thì đi chậm lại chứ xử lý làm sao được.” Leo lên các vỉa hè, lề đường để đi, len lỏi ngược chiều hoặc bằng mọi giá trườn lên trên để thoát khỏi đám đông… Điều này giống như một giải pháp tình thế đầy tuyệt vọng của người đi đường. Ông Hà Huy Phan, tài xế Grab, chia sẻ với VOA: “Đến lúc đấy thì chỉ có mà leo lên vỉa hè để đi thôi chứ biết làm sao, biết là sai nhưng vẫn cứ phải leo lên vỉa hè để đi.” Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người đi đường chấp nhận mọi rủi ro để vượt lên trên. Và họ càng cố vượt thì tình trạng kẹt xe cục bộ càng nặng nề hơn.