Không thị trường, nông dân mang rau đổ bỏ
Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. Huyện Mê Linh nằm trên dải đất màu mỡ, bằng phẵng và đậm phù sa của đồng bằng sông Hồng, hai xã Tráng Việt và Đông Cao là vựa rau của thành phố Hà Nội, cũng là vựa rau của miền Bắc. Người nông dân trồng rau ở đây phải tính trên hecta mỗi gia đình và có vài ngàn gia đình trồng rau, cũng là vài ngàn hecta trên cánh đồng rộng ngút ngàn. Vụ rau Tết và sau Tết là nguồn thu cho cả năm của người nông dân nơi đây. Tuy nhiên, từ hôm Tết Nguyên Đán đến nay, nông dân hai xã Tráng Việt, Đông Cao đã liên tục mang rau đi đổ vì không có thị trường tiêu thụ, chưa bao giờ người nông dân phải khóc mếu trên cánh đồng rau như năm nay. Bà Vương Thị Hoàng, nông dân xã Tráng Việt, chia sẻ với VOA: “Lỗ thường một sào khoảng 15 triệu, vừa phân vừa thuốc vừa giống tốn lắm, đợt này sâu nở nhiều, làm ra được mà đầu mua không có, thành ra giờ dân đổ đi nhiều, kể cả chúng em, đổ đi nhiều lắm!” Ông Nguyễn Tiến Truyền, nông dân xã Đông Cao, chia sẻ với VOA: “Trước đây được giá lắm nhưng bây giờ giá thành nó rẻ, nó không như mọi ngày nữa. Giá thành bây giờ một củ su hào được có 2 ngàn thôi.” Ông Lê Văn Vượng, nông dân xã Đông Cao, chia sẻ với VOA: “Cái su hào thì dân trồng nhiều nhưng cái đầu ra không có, bán thì bán được nhưng giá nó rất thấp. Bán được sào rau đi vẫn lỗ vài triệu, mất không vài triệu. Thuê mướn mượn người thì ít thôi nhưng phân thuốc đầu tư, xăng dầu quá lớn.” Mỗi sào rau, người nông dân đầu tư từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng tiền thuê công trồng trọt, thuê máy móc, bơm tưới tiêu, mua phân chuồng, mua phân, thuốc… Và khi trúng vụ thì người nông dân có thể thu lãi từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng trên mỗi sào. Nhưng tình hình thị trường rau Việt Nam nay tuột dốc một cách thất thường, giá rau rớt xuống còn từ 10% đến 15% giá trước Tết. Người nông dân cũng không có thị trường tiêu thụ rau củ quả để vớt vát, phải gánh đi đổ. Riêng hai xã Tráng Việt và Đông Cao ở huyện Mê Linh, có hàng ngàn tấn rau phải mang ra bãi sông Hồng đổ. Bà Ngô Thị Hồng, cán bộ xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội, chia sẻ với VOA: “Dân thì vất vả đấy, vất vả thu hoạch này, cà chua chín bán không có người mua, rau thì nứt hết rồi, giờ giá rẻ quá, tiêu thụ không hết nổi, thứ hai là thời tiết nóng nên người dân ăn ít.” Ông Lê Văn Vượng, nông dân xã Đông Cao, chia sẻ với VOA: “Không bán được, cho nên mọi cái có thể nói là hầu như toàn dân trục trặc hết, làm nhiều mất nhiều làm ít mất ít.” Ông Nguyễn Văn Văn, nông dân xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội, chia sẻ với VOA: “Vẫn nói là người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nhưng giờ đất nước đang không tiêu thụ hết mà vẫn cứ nhập về làm gì nó chả ế, ế lớn luôn chứ, đây hàng Việt Nam đổ đi, hàng nước ngoài nhập về thì làm gì người dân chẳng ế, chẳng đói.” Nhiều gia đình nông dân không còn đủ tiền thuê xe chở rau ra bãi sông Hồng để đổ, họ bỏ rau, củ, quả nằm thối trên đồng. Cà chua đến vụ thu hoạch bị bỏ khô hàng loạt, củ su nứt nẻ, đen đúa vì không có ai thu hoạch. Nhưng nhiều gia đình vẫn phải gồng lưng để canh tác vụ tiếp theo, bởi nghề nông đôi khi phóng lao phải theo lao, nếu không làm tiếp thì đói, mặc dù làm tiếp có thể lâm nợ. Những vụ rau sau có hứa hẹn điều gì, khi người người, nhà nhà đang khóc méo trên cánh đồng Việt Nam, trong khi đó, nông sản Trung Quốc vẫn tiếp tục tuồn sang Việt Nam như không hề có cửa khẩu Việt – Trung nào tồn tại!