Cà phê vỉa hè Sài Gòn
Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. Sài Gòn đất chật người đông, điều đó như một đặc trưng. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn quán cà phê vỉa hè như một nét rất riêng, rất bình dân của cà phê Sài Gòn. Nói về cà phê vỉa hè ở thành phố Sài Gòn nghĩa là đang nhắc đến những lao động bình dân, những văn nghệ sĩ, trí thức thích đời sống gần gũi, thân thương và gắn tâm hồn với đường phố Sài Gòn. Buổi sáng, bắt đầu từ 6h, các quán vỉa hè trở nên đông đúc. Ông Huỳnh Mạnh Hùng, cư dân thành phố Sài Gòn, chia sẻ với VOA: “Sáng sớm thì chỉ có ra vỉa hè ngồi uống chứ làm sao vô quán được với lại lúc đó quán xá lớn có ai mở cửa đâu. Chỉ là dân lao động 4 giờ, 5 giờ sáng dậy làm thì kiếm ly cà phê rồi làm thôi.” Anh Mạc Quảng Thịnh, người kinh doanh cà phê sạch, chia sẻ với VOA: “Khi chúng ta uống cà phê vỉa hè, tôi nghĩ rằng chúng ta được sống lại với cảm giác bao dung của danh từ Sài Gòn. Sài Gòn là nơi đủ thành phần, đủ giai cấp ở trong đó và cà phê vỉa hè chúng ta bắt gặp cũng nhiều giai cấp, nhiều thành phần ở đó nhưng khi ngồi trong một bàn cà phê, người ta bình đẳng.” Cụ Dương Văn Đức, cư dân thành phố Sài Gòn, chia sẻ với VOA: “Tự người bán người ta vui vẻ, không chấp nhứt, không khó khăn với khách hàng nên rồi khách nào cũng ưa uống hết.” Cà phê vỉa hè sài Gòn trước 1975 còn có cà phê vợt, cà phê kho với hương vị rất đậm đà, đằm thắm. Sau 1975, sau một thời gian dài sống trong nền kinh tế tập trung bao cấp, dường như cà phê vỉa hè vắng bóng, mãi cho đến khi nền kinh tế thị trường mở cửa, cà phê vỉa hè xuất hiện trở lại như một sự quay về. Hiện tại, cà phê vỉa hè Sài Gòn không còn nguyên sơ như trước đây, có những ly cà phê chứa nhiều tạp chất và hàm lượng cà phê rất thấp. Nhưng bù vào đó, với giá mỗi ly cà phê dao động từ 10 ngàn đồng đến 15 ngàn đồng, giá thành của những ly cà phê này vừa với túi tiền người lao động. Ông Huỳnh Mạnh Hùng, cư dân thành phố Sài Gòn, chia sẻ với VOA: “Chỉ có dân lao động thôi chứ vô mấy quán sang, dân lao động đâu vào được.” Cụ Dương Văn Đức, cư dân thành phố Sài Gòn, chia sẻ với VOA: “Thì có người qua kẻ lại, người đi tới đi lui thì thấy vui.” Anh Mạc Quảng Thịnh, người kinh doanh cà phê sạch, chia sẻ với VOA: “Có rất nhiều dạng, cao cấp một chút như Milano hay nâu đen gì đó thì chất lượng cà phê cũng ok. Cũng có những dạng thì cũng hoàn toàn không tên tuổi, những loại này chắc pha tạp nhiều rồi. Nhưng người ta uống không phải vì mùi vị hay hương vị cà phê mà tôi nghĩ là họ uống là vì đâu đó trong tiềm thức của người miền Nam, họ muốn cảm giác lại cái không khí tự do của một bàn cà phê ngồi vỉa hè bên những bóng cây và nói đủ thứ chuyện trên đời mặc dù bây giờ cũng có nhiều chuyện hạn chế lắm.” Không còn như trước, vỉa hè Sài Gòn bây giờ thiếu bóng cây xanh, một số nơi vỉa hè trở nên trống trải vì chương trình lấy lại vỉa hè của nhà nước. Chương trình này đã xóa đi rất nhiều quán cà phê vỉa hè ở thành phố Sài Gòn. Và nó cũng lấy đi rất nhiều sinh kế của người thu nhập thấp. Nhưng một khi vỉa hè bị cấm bán cà phê, người ta nghĩ đến chuyện mang vào hành lang chung cư hay hẻm nhỏ. Những khách hàng quen lại tìm đến quán. Bởi chỉ có ở Sài Gòn, người ta mới dễ dàng thông cảm và tìm đến nhau, ngồi uống ly cà phê, ngẫm chuyện đời hay thảo luận chuyện xã hội, chính trị và cũng là để ủng hộ cho người chủ quán nghèo khổ một chút tiền lãi để mua gạo. Điều đó như một đặc trưng của cà phê vỉa hè Sài Gòn.