Cấm khai thác cát, ai lợi ai thiệt?
Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. Trong nửa cuối năm 2017, một số địa phương ở Việt Nam cấm khai thác cát qui mô lớn và cho phép một số công ty, doanh nghiệp khai thác ở mức độ vừa phải nhằm ổn định tài nguyên môi trường. Và điều này nay chóng kéo theo hệ luỵ giá cát tăng từ gấp hai đến gấp mười lần so với trước. Ở những nơi gần nguồn cát, giá cát tăng gấp đôi, gấp ba, những nơi xa nguồn cát, đặc biệt ở một số thành phố lớn, có những ngày giá cát tăng gấp mười lần so với giá cát năm 2016. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người lao động nghèo khi họ xây dựng nhà ở hoặc công trình phụ. Ông Võ Văn Tâm, cư dân tỉnh Quảng Nam, chia sẻ với VOA: “Hôm trước cát có 200 ngàn một xe mà giờ lên 600 ngàn một xe, lên gấp 3 lần rồi.” Bà Hoàng Nhạn, cư dân tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ với VOA: “Khai thác cát thì họ cấm nhưng về nông dân thì khó khăn về xây dựng nhà cửa. Bởi cát đắt giá, họ cấm khai thác thì khó cho nông dân, cho những chỗ nhà quê, khó khăn vậy đó.” Ông Đặng Thanh, cư dân tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ với VOA: “Lợi thì họ lấy họ lợi chứ nông dân có gì mà lợi, nông dân chịu giá cao chứ có lợi gì đâu.” Có một thực tế là việc tiêu thụ cát xây dựng của người lao động rất thấp, khách hàng chủ yếu của thị trường cát sạn vẫn là các công trình lớn, trong đó không ngoại trừ các khu chung cư, các khu nhà xây xong lại đắp chiếu của các tập đoàn kinh tế. Thị trường cát chỉ sôi động khi các tập đoàn kinh tế chạy đua xây dựng và cải tạo đất để bán. Một khi nhà nước cấm khai thác cát, người chịu thiệt thòi nặng nề nhất vẫn là người lao động nghèo. Các doanh nghiệp khai thác không bị ảnh hưởng bởi họ có thể đẩy giá cát lên thật cao để cân bằng lợi tức. Bà Hoàng Nhạn, cư dân tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ với VOA: “Họ cấm vậy thì người thương nhân với người tư lợi họ có lợi thôi, người có phe cánh, có quyền có thế họ có lợi thôi chứ người dân lúc nào cũng khổ thôi vì giờ cấm khai thác cát thì giá lên gấp đôi.” Ông Võ Văn Tâm, cư dân tỉnh Quảng Nam, chia sẻ với VOA: “Bất lợi cho người dân vì cát lên giá nên người dân khó có để làm, chủ cát họ lên giá nhiều, nâng giá cát lên.” Và việc cấm khai thác của chính quyền một số địa phương hiện tại vẫn không hề làm thay đổi khối lượng cát cung cấp ra thị trường. Chỉ có khác chăng là giá cát bị đẩy lên rất cao và những người nghèo xây dựng nhà bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều gia đình mặc dù đã chuẩn bị đủ tiền để xây nhà cấp bốn nhưng khi giá cát tăng, họ phải vay tiền ngân hàng để bù giá cát xây dựng. Ông Võ Văn Tâm, cư dân tỉnh Quảng Nam, chia sẻ với VOA: “Năm nay cát lên rất nhiều cho nên làm nhà tốn thêm một khoảng tiền vay nữa, trước đây cát thấp hơn nhiều, năm nay cát lên nhiều nên làm nhà tốn nhiều hơn.” Một khi lượng cát cung cấp trên thị trường không thay đổi, các công trình thi công vẫn có đủ cát để xây dựng, trong khi đó công trình xây dựng ngày càng nhiều thì chứng tỏ khối lượng khai thác cát hằng ngày không đổi, nếu không muốn nói là tăng cao. Và lệnh cấm khai thác cát nghe ra chỉ làm khổ cho người nghèo khi họ xây dựng nhà bởi mọi sự vẫn không có gì thay đổi, chỉ có số tiền họ phải bỏ ra mua cát xây nhà là tăng cao, và họ có thể lâm nợ vì điều này!