Cuộc đoàn tụ diễn ra đầu tháng này khi bà Chút lần đầu tiên đặt chân tới nước Mỹ để gặp lại người đàn ông mà nay đang nằm trên giường bệnh và hô hấp qua ống trợ thở. Cô con gái của họ, Nguyễn Thị Kim Nga – nay đã 48 tuổi, bay từ Nebraska tới trước đó để đoàn tụ với bố mẹ mình.
Giây phút bà Chút được gặp lại ông Gary sau 48 năm mất liên lạc tại 1 căn nhà ở ngoại ô Atlanta, theo người cháu gái của Gary, Christine Kimmey, rất là “tuyệt diệu. Không từ nào diễn tả nổi giây phút đó.”
“Bà Chút đặt tay lên tay chú Gary rồi bắt đầu massage phần ngực của chú. Họ nhìn nhau và mỉm cười. Họ chỉ ngồi đó không nói gì và mỉm cười.”
Dù đó là cuộc hội ngộ sau gần nửa thế kỷ nhưng họ không thể nói với nhau được nhiều chuyện bởi cả 2 ông bà đều không nói được ngôn ngữ của nhau.
Bà Chút và ông Gary cũng giống như nhiều phụ nữ Việt Nam và những người lính Mỹ khác, gặp nhau trong một cuộc chiến tranh không mong muốn kéo dài hàng thập kỷ, có lẽ sẽ không bao giờ tìm lại nhau nếu không phải bởi một đứa con chung như chị Nga.
Cũng như chị Nga, hàng trăm ngàn trẻ lai của những binh lính Mỹ và phụ nữ Việt Nam đã được sinh ra trong cuộc chiến và phải chịu cảnh không cha không mẹ hoặc bị phân biệt đối xử. Mặc dù hầu hết những người con lai đều đã được sang Mỹ hoặc được gia đình Mỹ nhận nuôi, không mấy người tìm được cha ruột của mình như chị Nga.
“Chúa đã gửi thiên thần đến cho tôi,” người cha ấy gọi chị Nga là “Angel.”
Mối tình không hẹn ngày gặp lại
Khi quay trở lại Việt Nam vào năm 1968 sau khi từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ tại Đà Nẵng lần đầu vào năm 1966-1967, ông Gary lúc đó 23 tuổi, tình nguyện tới Việt Nam vì “mức lương hậu hĩnh.”
“Việt Nam là đất nước đẹp, có nhiều đồi núi, cây cối và biển. Nó cũng giống như nước Mỹ,” ông Gary nhớ lại khi nằm trên giường tại ngôi nhà nhỏ ở khu Riverdale, ngoại ô thành phố Atlanta, Georgia.
Ông cũng nhớ rằng bà Chút “lúc đó rất đẹp.”
Trong lần quay trở lại thành phố miền Trung, ông là tài xế xe quân đội cho Camp Tien Sha, nơi Huỳnh Thị Chút, lúc đó 19 tuổi, đang làm lao công.
“Nhiều lính Mỹ đến rửa xe. Họ mang xe đến rồi bỏ đó đi khi nào xong mới quay trở lại lấy. Nhưng ông (Gary) thì ở lại,” bà Chút kể lại những khoảnh khắc 2 người lần đầu gặp nhau ở trại hậu cần Hải Quân Mỹ ở Đà Nẵng – lúc đó được gọi là Camp Tien Sha. “Mặc dù xe không bẩn, ông Gary vẫn mang đến rửa,” bà Chút, nay đã 69 tuổi, tủm tỉm cười khi nhớ lại những lần ông Gary cùng té nước rửa xe, “làm tôi ướt hết, rồi ông ôm tôi xin lỗi.” Tình cảm giữa 2 người nảy nở từ đó mặc dù cả hai không nói được nhiều chuyện với nhau. Ông Gary không nói được tiếng Việt; bà Chút chỉ biết 1 chút tiếng Anh bồi.
Bà Chút lúc đó đã có chồng và một người con trai. Chồng bà là một quân nhân Việt Nam Cộng hòa. Nhưng chuyện tình của bà Chút và ông Gary đã vượt quá những gì mà họ cho là “vui chút chút.”
“Vui chút chút,” nhưng bà Chút có thai. Bà nói ông Gary có lần đưa bà tới 1 bệnh viện ở Đà Nẵng để siêu âm thai.
Nhưng ông Gary, giờ đây gần như không thể đi lại được, lại không nhớ điều này. Ông nói khi đang đeo ống thở oxy vì suy phổi rằng ông biết bà Chút mang thai đứa con của mình và biết đó là con gái nhưng đó cũng là lúc thời gian ở Việt Nam của ông kết thúc.
Người chồng Việt của bà Chút biết chuyện của 2 người và rằng vợ mình đang mang thai đứa con của người lính Mỹ nhưng không phản đối. Ông đã đón bà ở bệnh viện với đứa con lai Mỹ và coi nó như con đẻ của mình, theo lời bà kể.
Còn phía bên kia bờ đại dương, ông Gary bắt đầu cuộc sống mới ở quê nhà. Sau khi rời Việt Nam năm 1969, ông Gary tới Las Vegas và tiếp tục nhiệm vụ lái xe tại đó 1 năm, nơi ông nói “có một thời gian tuyệt vời.” Đó cũng là lúc bà Chút sinh đứa con gái của ông.
"Có con vẫn nuôi bình thường. Không oán trách ai. Mình làm mình chịu.”Bà Chút nói về quyết định sinh đứa con với ông Gary
Nằm trên giường bên cạnh 1 bình ôxy, ông Gary nói với giọng ngắt quãng giữa những cơn ho, rằng dù cho lúc đó đứa con của ông đã được sinh ra thì ông cũng không thể mang nó về Mỹ vì những thủ tục rất phức tạp để xin tị nạn cho mẹ con bà Chút.
Giống như nhiều cuộc tình chớp nhoáng của những người lính Mỹ và các cô gái Việt trong chiến tranh lúc đó, ông Gary về nước không hẹn ngày gặp lại.
Với bà Chút, đó cũng là một mối tình thoáng qua vì bà là người phụ nữ đã có chồng và không bao giờ nghĩ có ngày gặp lại nhau. “Cuộc sống lúc đó khổ lắm, chỉ lo đi làm thôi.”
Nhưng bà xác định, “có con vẫn nuôi bình thường. Không oán trách ai. Mình làm mình chịu.”
Bà Chút hồi tưởng lại ý nghĩ lúc đó rằng “con mình sẽ không bao giờ qua được Mỹ.”
Trước khi rời Việt Nam, ông Gary đã để lại cho bà Chút những tấm ảnh của ông cũng như ảnh 2 người chụp chung, cùng tấm thẻ quân nhân, nhưng bà đã đốt hết khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam. Từ đó, bà mất hết dấu vết của Gary.
Giấc mơ Mỹ
Lớn lên cùng với 3 người anh em cùng mẹ khác cha ở Me Pu, Bình Thuận, chị Nguyễn Thị Kim Nga cho rằng mình may mắn vì không bị bố dượng đối xử phân biệt. Tuy nhiên chị thường bị bọn trẻ cùng lứa trong làng trêu ghẹo.
“Tôi thấy tủi nhưng không oán trách ai vì mình là con lai. Chỉ tự hỏi sao mình không có cha. Ở xóm duy nhất mình là con lai. Không ai như mình.”
“Có lúc muốn tự tử."Chị Nguyễn Thị Kim Nga nói về những ngày tháng thất vọng không làm được giấy tờ sang Mỹ
Khi sinh chị Nga, bà Chút cũng gặp nhiều kỳ thị vì đứa con lai của mình. Bà không nhận được trợ cấp quần áo cho em bé như những người mẹ có con bình thường khác. Bà nói “nghèo khổ lắm, không có cơm ăn, không có quần áo mặc.”
Chị Nga cũng đã phải bỏ học khi chưa biết đọc biết viết để phụ giúp gia đình kiếm sống. Sau khi cha dượng mất, mẹ chị một mình nuôi 4 đứa con.
Chính điều đó đã thôi thúc chị tìm cách sang Mỹ để tìm người bố mà chị chưa bao giờ biết mặt.
Nhưng sau 3 lần làm thủ tục không được – trong đó có lần đầu tiên chị làm đám cưới giả với một người không quen biết – chị thấy tuyệt vọng.
“Có lúc muốn tự tử," chị nói vậy với những giọt nước mắt lăn trên má.
Nhưng chính lúc thất vọng nhất trong cuộc đời, chị gặp được người chồng mà bà Chút ca ngợi là một người con rể rất tốt.
“Nhờ nó mà Nga đi được sang Mỹ và tìm được bố,” bà Chút nói.
Biết được mong muốn tìm cha của vợ mình, anh Nguyễn Quế quyết tâm tìm cách đưa gia đình sang Mỹ. Sau 6 năm tìm hiểu từ những lần “lên Sài Gòn và gặp luật sư” và tiêu tốn hết số tiền tích cóp được, anh đã tìm ra cách. Đó là đưa chị Nga vào lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh để xác nhận là con lai.
Và gia đình chị làm được thủ tục nhập cư sang Mỹ.
Cuộc sống mới của gia đình chị Nga bắt đầu khi 2 vợ chồng và 1 đứa con nhỏ sang định cư tại Ohama, tiểu bang Nebraska, vào năm 2000.
Nhưng đó cũng là lúc chị Nga phải quên đi ước mơ tìm cha bởi gia đình chị đến Mỹ “với 2 bàn tay trắng.”
“Ba người với một vali quần áo và không có gì,” chị Nga nói.
Hai vợ chồng chị bắt đầu với công việc đóng gói tại một tiệm bánh của người Mexico ở Omaha. Đã có lúc anh Quế phải làm 2 việc và sau khi cửa hàng này đóng cửa, chị Nga đã chuyển sang làm cho 1 tiệm làm nail. Nhưng họ cũng đã kịp sinh ra thêm 2 đứa con – một con gái giờ đã 14 tuổi và một con trai giờ đã 12 tuổi. Chồng chị nay đã có việc làm ổn định – làm lao công trong 1 trường học ở Omaha.
Nước Mỹ đối với gia đình chị Nga là một giấc mơ bởi vợ chồng chị đã thoát cảnh nghèo khó khi còn sống ở một vùng quê ở Việt Nam. Giờ đây chị Nga, không biết chữ và tự cho mình là “khù khờ,” cùng chồng con có một căn nhà, xe hơi và trở thành công dân Mỹ.
Tuy nhiên, giấc mơ tìm bố của chị vẫn còn xa vời vì “không có một manh mối nào để tìm cha” và “nhiều người tìm cha mà không được.”
Nhưng đến đầu năm nay, một người bạn của chị Nga, cũng là con lai tìm được cha thông qua dịch vụ so sánh DNA.
Hy vọng đã trở lại với chị dù chị nghĩ rằng có thể cha đã không còn trên cõi đời này nữa hoặc không biết “ông có chấp nhận mình không.”
“Người con duy nhất”
Năm năm sau khi từ chiến trường Việt Nam trở lại Mỹ, Gary cưới vợ. Khi nhắc về người vợ đã mất vì bệnh ung thư vú vào năm 2006, mắt ông Gary dường như sáng lên và ông nói “Giá mà tôi lấy lại được 30 năm của cuộc hôn nhân đó.”
Gary và vợ, Linda, không có con.
Ông Gary, giờ đây 72 tuổi, chưa bao giờ cho ai trong gia đình biết về người con của ông ở Việt Nam. Nhưng cháu gái của ông, Christine, nói chị nhớ rằng “dì Linda có lần nói với chúng tôi, khi đó tôi 14 tuổi, rằng chú Gary có một người con ở Việt Nam.”
Và những người trong gia đình chị đã không bao giờ nhắc lại điều này cho tới gần đây khi một thám tử DNA gửi cho chị tin nhắn về một người con lai Việt đang tìm bố Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.
Đó là ngày 31/3/2017, chỉ vài tuần trước lễ Phục Sinh, chị Christine nói.
DNA của chị Nga và ông Gary có độ trùng khớp đến hơn 99%.
“Đó là người con duy nhất của tôi,” ông Gary nói về chị Nga, người mà ông đặt tên là Angel.
Mỗi lần có chị Nga bên cạnh giường chăm sóc và cầm tay mình, ông Gary giường như trở nên sống động hơn và luôn mỉm cười.
Mặc dù đã sống ở Mỹ 17 năm, chị Nga không thể hiểu hết những gì người cha Mỹ nói với mình. “Có những cái tôi không hiểu hết,” chị nói khi trò chuyện với chúng tôi giữa những lần cho ông Gary uống thuốc hay giúp ông vào nhà tắm.
Tuy vậy ông Gary nói “cô ấy hiểu tôi hơn cả tôi hiểu cô ấy,” và với ông, sự kết nối bằng tình cảm và ánh mắt là đủ.
Nhưng trước khi chị Nga tìm được bố mình, theo câu chuyện, Gary chưa từng bao giờ trở lại Việt Nam hay có ý định tìm mẹ con chị. Với ông, ký ức về Việt Nam là “khoảng trống.” Ông Gary cho rằng chính phủ không nên đưa những thanh niên trẻ như ông lúc đó tới Việt Nam. Tuy nhiên, ông vẫn đăng ký tình nguyện sang Việt Nam lần 2 vì ông biết số tiền ông được trả sẽ như thế nào.
“Tôi không có con. Không phải vì (Linda). Không phải vì tôi. Cô ấy không thể có con... Tôi cầu nguyện và Chúa đưa Angel đến với tôi."Gary Wittig
Những gì ông kể với cô cháu gái Christine về Việt Nam là công việc của ông tại một đơn vị công binh hải quân Mỹ có biệt danh Seabees. Ông không bao giờ kể về câu chuyện của ông với một người phụ nữ Việt Nam tại nơi làm việc ở Đà Nẵng. “Chỉ có bố tôi biết chuyện này,” chị Christine nói. “Kể cả dì Linda cũng không được chú Gary cho biết.”
Nhưng sự xuất hiện của chị Nga không gợi lại cho Gary những ký ức về Việt Nam. Ông nói chỉ bởi vì trong những tháng qua ông luôn cầu nguyện để Chúa đưa đến cho ông 1 thiên thần.
“Tôi không có con. Không phải vì (Linda). Không phải vì tôi. Cô ấy không thể có con.” Chính vì vậy mà Gary rất vui mừng khi “Người đưa Angel” đến với ông.
“Khi nó ở bên cạnh, tôi có mọi lý do để mỉm cười,” ông Gary nói với đôi mắt mơ màng và tự nhận mình là người sùng đạo. “Từ ngày có Angel, tôi như thấy mình trên thiên đường thứ 7.”
Chúa dẫn lối
Với thân phận người con lai không cha, lớn lên trong nghèo khó và nhiều lần không làm được giấy tờ đi Mỹ, chị Nga đã thấy rất đau khổ và kém may mắn.
Là một người Công giáo, chị nghĩ rằng “Chúa đã sắp đặt đời sống của mình” như thế.
Nhưng vì có lòng tin ở Chúa, chị nói, Chúa đã dẫn dắt chị tìm được cha.
“Chưa bao giờ thấy Chúa bất công với mình. Chương trình của Chúa đã dẫn dắt mình. Có lúc mình muốn tự tử vì thất vọng. Nhưng rồi Chúa cho mình gặp người chồng lo cho mình mọi thứ và tìm được cha.”
Giờ đây mặc dù đã “toại nguyện” vì “Chúa cho ba mẹ đoàn tụ với mình,” chị Nga lại ao ước “giá mà mình tìm được cha sớm hơn để chăm sóc cho ông.” Chị nói nếu tìm gặp được “bố Gary” sớm hơn có lẽ ông đã không lâm vào cảnh ốm yếu thế này.
Sau nhiều năm nghiện rượu và thuốc lá, nhất là sau 2 lần trở về từ Việt Nam, Gary mắc bệnh chai phổi trong 10 năm qua và phải đeo ống thở oxy trong 3 năm trở lại đây. Một lần ngã đã làm ông nhập viện với tình trạng suy tim và giờ đây hầu như không thể đi lại được.
Anh Nguyễn Quế, chồng chị Nga, cũng có chung niềm ao ước đó. Anh ước, giá mà anh chị tìm được ông sớm hơn thì ông đã không còn là một người cô đơn với một cuộc sống không có vợ con chăm sóc.
“Hầu như ngày nào Angel cũng gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe chú Gary,” chị Christine nói đến khoảng thời gian chị Nga phải quay về Nebraska để làm việc và chăm sóc gia đình riêng của chị. “Và Angel luôn nhắc ông uống nước.”
Chị Christine luôn nói về cô em họ mới của mình với nụ cười rạng rỡ trên môi. Chị nói, mọi người trong gia đình chị chưa gặp chị Nga nhưng đã biết và rất vui vì ảnh hưởng của chị Nga tới chú Gary của chị.
Kể từ khi Nga trở thành thành viên trong gia đình, Christine bắt đầu tìm đọc về tập tục và văn hóa Việt Nam cũng như tìm hiểu về cuộc chiến tranh mà chú cô từng tham gia. Christine tìm hiểu cả số phận của những người con lai Mỹ-Việt như chị Nga, người em họ mới của mình.
“Từ ngày có Angel, tôi như thấy mình trên thiên đường thứ 7.”Gary Wittig
Cuộc chiến Việt Nam đã khiến bao gia đình ly tán, gây chia rẽ triền miên giữa lòng nước Mỹ và giữa lòng Việt Nam. Nhưng cuộc chiến ấy giờ đây đã khép lại với ông Gary và bà Chút. Dù 2 ông bà không được ở bên nhau lâu nữa, nhưng cái kết có hậu đã mang lại hạnh phúc cho cô con gái khi chị Nga đã có 1 người cha và 1 gia đình mới cũng như ông Gary đã có được 1 “thiên thần” vào lúc cuối đời.
Chị Nga thấy mình may mắn bởi còn nhiều người con lai như chị vẫn còn đang trên đường tìm cha của mình.
Và sự trùng phùng này, như chị Nga và người chị họ mới – Christine – mong muốn, sẽ truyền cảm hứng và hy vọng cho họ.