Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lần đầu tiên kể chuyện đi xuống bên dưới lăng ông Hồ Chí Minh để tìm binh sĩ Hoa Kỳ mất tích, trong khi hai bên đang tìm cách bình thường hóa quan hệ nhiều năm trước.
Trong cuộc trao đổi với một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng của Mỹ, nhân sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam ở Texas, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói rằng đáng lẽ ông để dành thông tin đó cho cuốn tự truyện của mình trong tương lai, nhưng ông kể ra để cho thấy hai nước đã vượt qua nhiều trở ngại để có được ngày hôm nay.
Ông cho biết thêm: “Tôi đã phải vào văn phòng của tổng bí thư Đảng Cộng sản và chủ tịch nước để thuyết phục họ cho tôi và một vị thượng nghị sĩ khác đi xuống phía dưới lăng ông Hồ Chí Minh vì có thông tin tình báo nói rằng dưới đó có hầm ngầm để xem có quân nhân Mỹ mất tích nào bị giữ ở dưới đó không”.
Ông cho biết rằng thật tuyệt vời là ông đã được phép xuống nhưng không tìm thấy ai cả.
Đương kim Ngoại trưởng Mỹ có nhiều gắn bó với Việt Nam, từng chiến đấu rồi sau đó phản đối Chiến tranh Việt Nam.
Sau đó, trên cương vị Thượng nghị sĩ Mỹ, ông cũng tham gia tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam những năm 90.
Tôi chắc là năm 1968 có lẽ không ai có thể tưởng tượng được rằng tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lại tới Washington vào năm ngoái, và Tổng thống Obama dự định sẽ tới Việt Nam tháng tới. Tôi nóng lòng cùng tham gia chuyến công du này cùng Tổng thống.Ngoại trưởng John Kerry nói.
Trong khoảng một tiếng đồng hồ hôm 27/4, nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ còn nói rằng hai nước đã tiến một bước dài về nhiều mặt, và có những bước tiến khó có thể hình dung được hàng chục năm trước.
Ông nói thêm: “Tôi chắc là năm 1968 có lẽ không ai có thể tưởng tượng được rằng tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lại tới Washington vào năm ngoái, và Tổng thống Obama dự định sẽ tới Việt Nam tháng tới. Tôi nóng lòng cùng tham gia chuyến công du này cùng Tổng thống".
Ông nói tiếp: "Không ai có thể tưởng tượng được các lĩnh vực hợp tác song phương trên nhiều mặt từ giáo dục cho tới quân sự. Hai thập kỷ trước, khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, ta có thể đoán trước được rằng hai nước rồi sẽ hợp tác về kinh tế, nhưng có một thứ khó đoán định hơn rất nhiều, và nay đã trở thành bình thường, đó là việc hai nước hợp tác về an ninh, trong đó có biển Đông cùng nhiều vấn đề khác”.
"Cần Mỹ"
Ông Kerry nói thêm rằng Washington và Hà Nội sẽ “tiếp tục có những khác biệt về quan điểm, nhưng tin tốt lành là đôi bên trao đổi thường xuyên, thẳng thắn và hiệu quả về những điều đó”.
Cuối năm 2013, ông John Kerry lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ với mục đích thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Tháng tới, ông sẽ tháp tùng Tổng thống Obama tới Hà Nội, và tin cho hay quan chức hai nước vẫn đang thương thảo về chuyến công du này.
Dẫn các nguồn tin của cả Hoa Kỳ và Việt Nam, tạp chí The Diplomat đưa tin rằng Washington có thể cân nhắc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam nhân chuyến thăm của người đứng đầu Nhà Trắng. Năm 2014, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm này.
Cựu phóng viên ảnh chiến trường Nick Út, một diễn giả trong chương trình thảo luận của Hội nghị Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã gần gũi hơn trước rất nhiều.
Ông Út cho rằng chính Bắc Kinh đã đẩy Hà Nội lại gần với Hoa Kỳ. Ông nói thêm: “Bây giờ chính phủ Việt Nam cần nhiều chính phủ Mỹ hơn vì Trung Quốc càng ngày càng lấn vào Việt Nam. Vừa rồi tôi có về Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, tôi thấy quân đội Việt Nam vẫn dùng vũ khí cũ của Mỹ. Trong vấn đề bang giao gần gũi, Mỹ cũng muốn giải quyết cho Việt Nam các vũ khí mới của Mỹ bây giờ để chống lại Trung Quốc”.
Trong lần xuất hiện tại Austin, Texas, ông Kerry không đề cập tới tin mà The Diplomat nêu ra. Lâu nay, quan chức Việt Nam đã thúc giục Mỹ về vấn đề này.
Hiện chưa rõ Việt Nam sẽ mua gì nếu phía Mỹ đi tới quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm.
Nhưng trong khi vấn đề biển Đông đang dậy sóng, theo các nhà quan sát, Hà Nội có lẽ muốn tăng cường hải quân để bảo vệ lãnh hải trước sự lấn lướt của Trung Quốc.
Mời quý vị xem thêm:
Ông Kissinger nói gì việc Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc?
Mỹ ‘giải mã’ Chiến tranh VN trước chuyến thăm của ông Obama