Quản lý của một nhà hàng Triều Tiên ở Việt Nam phản bác cáo buộc nằm trong mạng lưới thu thập thông tin tình báo để tuồn về Bình Nhưỡng như tố cáo của Hàn Quốc.
Các nhà hàng của chính quyền Kim Jong-un mở ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, sau khi một nhóm 13 người Bắc Hàn, gồm một quản lý và 12 nhân viên nhà hàng, đã bỏ chạy từ Trung Quốc sang Hàn Quốc qua ngả Thái Lan và Malaysia.
Theo báo chí Hàn Quốc, những người bỏ chạy này nói với các quan chức Hàn Quốc rằng họ bắt đầu cảm thấy mất lòng tin vào chế độ trong nước sau khi xem phim cũng như tìm hiểu về Hàn Quốc khi làm việc ở nước ngoài.
Trong một tuyên bố hiếm hoi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/4 nói rằng những người Bắc Hàn có hộ chiếu rời nước này một cách hợp pháp hôm thứ Tư tuần trước.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc được báo chí nước này dẫn lời cho biết Bắc Hàn hiện quản lý khoảng 130 nhà hàng ở 12 nước khác nhau, trong đó có Việt Nam và nhiều nhất là tại Trung Quốc.
Bắc Triều Tiên dùng nhân viên của họ tại các nhà hàng các nước để thu thập thông tin của người nước ngoài, hầu hết là người Hàn Quốc.
Một cựu nhân viên của một trong các nhà hàng đó cho đài VOA biết rằng những nữ nhân viên phục vụ tại các nhà hàng của Bắc Hàn trên thế giới “thường lén lún thu thập thông tin của khách hàng rồi gửi những thông tin đó về nước”.
Báo chí Hàn Quốc đưa tin, có 4 nhà hàng Triều Tiên ở Việt Nam, nhưng theo Bộ Ngoại giao, hiện chỉ có hai là “Bình Nhưỡng Quán” và “Hữu nghị Quán” ở thủ đô Hà Nội.
Trao đổi với VOA Việt Ngữ, ông Trung, một người quản lý nhà hàng Bình Nhưỡng ở Hà Nội, bác bỏ cáo buộc này. Ông nói thêm:
“Không, họ chỉ kinh doanh đơn thuần thôi. Họ chỉ giới thiệu và ẩm thực thôi”.
Ông Trung cho biết thêm rằng nhà hàng của Bắc Hàn mở cửa được gần 10 năm và “toàn bộ là của Triều Tiên”. Theo người quản lý này, ngoài việc tới ăn uống, các khách hàng còn có cơ hội thưởng thức ca nhạc, rồi giao lưu với các nữ tiếp viên. Ông cho hay, “50% đến 60% khách hàng của nhà hàng là người Việt Nam”.
Không, họ chỉ kinh doanh đơn thuần thôi. Họ chỉ giới thiệu và ẩm thực thôi”.Ông Trung, một người quản lý nhà hàng Bình Nhưỡng ở Hà Nội, nói.
Cùng với hàng chục nghìn công nhân xuất khẩu lao động, các nhà hàng Bắc Hàn do chính quyền Bình Nhưỡng quản lý ở nước ngoài là một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn của chính quyền Kim Jong-un, khoảng 40 triệu đôla một năm.
Theo báo chí Hàn Quốc, chính quyền Bình Nhưỡng thường tuyển lựa khắt khe các nữ nhân viên có khả năng ca hát và nhảy múa đi làm nhà hàng ở nước ngoài.
Chính vì lo ngại họ bị tác động bởi thế giới bên ngoài, nên các nhân viên này thường được lựa chọn từ con cái các quan chức quân sự và đảng viên cũng như các gia đình có “lý lịch tốt”.
Giống như các công nhân xuất khẩu Bắc Hàn, theo báo chí Hàn Quốc, các nhân viên nhà hàng này bị quản lý chặt, nên thường phải sống tập thể và không được tự do di chuyển, đi lại ở nước họ làm việc.
Các cô gái này thường kiếm được khoảng 150 tới 500 đôla một tháng, và so với mức sống ở Bắc Hàn, khoản thu nhập này được cho là khá cao, và là “công việc trong mơ của nhiều người trẻ tuổi”.
Nhưng những “cỗ máy kiếm tiền” này đang gặp khó khăn, nhất là sau khi chính phủ Hàn Quốc kêu gọi người dân nước này ở hải ngoại tẩy chay cũng như sau khi Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng vì các vụ phóng rocket tầm xa và thử hạt nhân mới đây.
Hồi tháng Hai vừa qua, Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan xử lý các vấn đề với Bình Nhưỡng, đã kêu gọi các công dân nước mình trên thế giới không tới ăn tại các nhà hàng của Bắc Hàn.
Lời khuyến cáo này đã được gửi tới các cơ quan ngoại giao đại diện cho Seoul ở các nước, sau khi Tổng thống Park Geun-hye nhấn mạnh rằng cần phải sử dụng “tất cả các biện pháp có thể” để trừng phạt Bắc Hàn sau những hành động khiêu khích của nước này.
Về tác động của lời kêu gọi này đối với nhà hàng Bình Nhưỡng, ông Trung cho biết thêm:
“Có bị giảm bớt lượng khách của Hàn Quốc một phần nào. Hàn Quốc cũng có những cái mâu thuẫn về chính trị, những cái không bằng lòng nên người ta ít đến hơn. Năm ngoái rất là đông nhưng năm nay họ đến ít hơn một chút.”
Theo trang web của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, tính tới tháng trước, có hơn 29.000 người Bắc Hàn bỏ chạy sang miền nam.
Một phúc trình của Đại hội đồng Liên Hiêp Quốc công bố hồi tháng Mười năm ngoái dẫn lời đặc sứ của cơ quan này về tình hình nhân quyền ở Bắc Hàn cho biết hơn 50.000 người Bắc Hàn hiện làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là ở Trung Quốc và Nga.
Có bị giảm bớt lượng khách của Hàn Quốc một phần nào. Hàn Quốc cũng có những cái mâu thuẫn về chính trị, những cái không bằng lòng nên người ta ít đến hơn. Năm ngoái rất là đông nhưng năm nay họ đến ít hơn một chút.Ông Trung cho biết về tác động sau khi Hàn Quốc kêu gọi công dân khắp thế giới không tới ăn tại các nhà hàng Bắc Hàn.
Quan chức này dẫn lại nhiều nghiên cứu, trong đó có thông tin cho biết các công nhân xuất khẩu này mang lại mỗi năm hơn 2 tỷ đôla, và nguồn tiền này, theo báo chí Hàn Quốc, bị nghi phục vụ cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.
Năm ngoái, tờ Segye Ilbo của của Hàn Quốc đưa tin rằng một nhà ngoại giao Bắc Hàn ở Việt Nam đã biến mất không dấu vết, và người ta nghi là ông đang tìm cách bỏ chạy sang tị nạn tại Nam Hàn hoặc một nước thứ ba khác.
Cho tới nay, vẫn chưa rõ số phận của người đàn ông tầm 30 tuổi bị Bình Nhưỡng “truy lùng gắt gao” này. Đây không phải là lần đầu tiên người Bắc Hàn tìm cách chạy sang Hàn Quốc qua ngả Việt Nam.
Cuối năm ngoái, tin tức từ Hàn Quốc cho hay 9 người Bắc Hàn, trong đó có một sĩ quan quân đội, đối mặt với nhiều khả năng bị trục xuất về nước, sau khi công an Việt Nam bàn giao họ cho chính quyền Trung Quốc.
Bắc Triều Tiên từng hỗ trợ vật chất cho ‘quốc gia anh em cộng sản’ Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước cùng theo chế độ xã hội chủ nghĩa không phải luôn luôn nồng ấm, nhất là sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Seoul hồi đầu những năm 90.
Hơn một thập kỷ sau, năm 2004, Bình Nhưỡng cũng tỏ ý không hài lòng sau khi Hà Nội cho phép hàng trăm người Bắc Hàn sang Nam Triều Tiên tỵ nạn sau khi họ đào tẩu qua ngả Việt Nam.