Tháng Năm âm lịch, tháng của những cơn mưa nhiệt đới tầm tã ở miền Nam. Hồi nhỏ tôi mê nhất cái tháng Năm này, là bởi vì tháng này là tháng nghỉ hè, tháng có tết Đoan ngọ, và cũng là tháng có nhiều trái cây ngon nhất. Xứ gì mà thiên nhiên ưu đãi dữ vậy! Bước ra đường mùa mưa này tha hồ thấy đủ món ngon. Đầu ngõ nhà tôi là cái chợ tự phát nhỏ, mấy cô mấy chị buôn bán đủ thứ. Nào là chôm chôm, sầu riêng, măng cụt,… toàn trái cây ngon. Rồi thêm cả đặc sản vải thiều từ miền Bắc nữa. Ăn cho đã thèm mà thôi.
Còn nhớ lúc nhỏ mê ăn sầu riêng lắm. Thời đó sống giữa cái đất nước gì mà nghèo dễ sợ. Nghèo đến mức sầu riêng của quê hương trồng ngon vậy mà cũng không dám mua nhiều. Để dành tiền đong gạo nấu cơm. Mẹ đi làm trưa xách về quả sầu riêng thơm nức mũi. Bà nội để dành cơm trưa xong khui ra cho mỗi người một múi. Chỉ riêng mẹ lẳng lặng dành phần lại cho vào tủ. Thấy mẹ nói nhỏ gì với nội rồi đi làm. Mẹ đi rồi nội phán cho một câu làm bọn trẻ con chúng tui ngơ ngác, “Tội nghiệp mẹ nó, khi nào tụi nó ăn sầu riêng tràn họng rồi mới tới lượt mẹ nó ăn”. Vậy là đến chiều canh mẹ đi làm về, nhỏ em gái tôi lúc đó cũng chừng bốn năm tuổi gì đó, chạy ra ôm cổ mẹ nói lí nhí: “Mẹ ơi mẹ tràn họng chưa mẹ?”. Mẹ cười, đi vô tủ lấy phần sầu riêng đưa cho nó. Cái thời nghèo của gia đình tôi cũng êm đềm trôi qua…
Mới mấy hôm trước ba tôi đi làm về xách theo một cái bọc to tướng, trong đó chắc cũng cỡ 2 kí lô nấm. Thứ nấm dài dài, trắng trắng nhìn bình thường. Ba nói đó là nấm mối. Hỏi ba mới biết nấm mối là đặc sản, người miền Nam dành đãi khách quý. Nấm này không trồng được mà hoàn toàn thiên nhiên cho nên vừa quý vừa đắt. Ba tôi nói, nấm mối chỉ trổ hai tháng là tháng Năm và tháng Bảy âm lịch. Loại nấm này mọc lên sau những cơn mưa đầu mùa, nơi những ụ mối đùn lên. Bà nội tôi nói nấm mối giống con ma, ai mà “yếu bóng vía” thì không bao giờ thấy nó. Nấm mối mọc ở chổ nào thì năm sau chổ đó sẽ có nấm mối tiếp. Khi hái nấm mối tuyệt đối phải dùng tay nhẹ nhàng nhổ từng cây nấm lên, nếu dùng dao hay dụng cụ bứng nấm mối thì mùa sau không có nấm mà ăn. Nấm mối thì ngon thôi rồi, vừa ngọt vừa dai như thịt gà. Nấu canh, xào mướp, nấu cháo, hay thậm chí cuộn lá lốt nướng cũng ngon tuyệt vời. Cũng hai mươi mấy tuổi đầu rồi mà tôi mới có may mắn biết qua món ăn ngon như vầy. Quả thật nấm mối hiếm và ngon như vậy. Thiết nghĩ, những thứ quý hiếm như vậy rất khó bị tác động từ phía con người.
Mùa mưa này cũng là mùa của những chú ếch mập ú. Tôi còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, chú Chín kế bên nhà cứ đến độ này lại xách đèn pin tối tối đi soi ếch. Ếch mùa mưa kêu ráo trời. Chú Chín bắt đầu lụi cụi đem dụng cụ soi ếch tự chế ra. Thường là cỡ trời sập tối, ếch bắt đầu bài ca đồng bằng của chúng. Chú Chín nhẹ nhẹ lần theo con đê, lắng tai nghe tiếng ếch kêu để định vị. Lúc này cái đèn pin gắn trên cái nón đội trên đầu của chú Chín sẽ phát huy hiệu quả. Loài ếch thật là kỳ lạ, khi thấy ánh sáng là chúng ngồi yên bất động và hướng mắt về nơi phát ra ánh sáng. Đoạn, chú Chín canh chính xác và đâm một phát thật dứt khoát cái cây ba chĩa tự chế về phía con ếch tội nghiệp. Thế là xong đời một em! Chú Chín kể, ngoài đi soi ếch ban đêm, ban ngày người ta còn men theo con lạch, dùng cây chĩa đâm vô mấy cái hang ốc hang còng nơi ếch tránh nắng. Ngày xưa ếch nhiều, tha hồ mà bắt. Bây giờ người ta đông, nhu cầu ăn cũng nhiều, ếch đồng cũng thưa thớt, chỉ còn ếch nuôi, thịt không ngon bằng. Thịt ếch đồng đem nướng muối ớt, hay xào sả ớt thì ăn cơm ba chén chưa thấy no. Bà nội tôi thì hay đem ếch nấu canh lá giang, một loại lá hơi chát, có vị chua thanh. Thịt ếch nấu canh chua lá giang, thả thêm vài khoanh ớt đỏ, cùng với chén nước mắm nhĩ dằm ớt thì hết sẩy.
Xứ miền Nam này kể ra thì vô số món ngon theo mùa. Mới chỉ có mùa mưa này thôi mà đủ món ăn chơi thỏa cái thú ở đời. Ai đi xa xứ mà không nhớ cho đặng. Chim trời cá nước mênh mông vậy, nên dân mình cũng sáng tạo ra đủ món ngon. Cộng thêm cái tính người miền Nam thật thà hay lam hay làm, thích ăn ngon, cho nên có ngồi cả tháng cũng kể ra không hết món ngon. Quả thật, tôi không dám tự hào gì nhiều, chỉ tự hào được may mắn làm người Việt Nam, được thỏa cái thú ăn uống đúng mùa đúng điệu. Mà nghe đâu món ăn Việt Nam cũng được thế giới bắt đầu công nhận rồi mà. Món ăn Việt Nam mặn ngọt chua cay đắng chát, đủ thứ vị trên đời, mà đa số lại tốt cho sức khỏe nữa. Có điều, vẫn chưa được nhiều người biết đến nên cũng còn ít phổ biến như món Tàu, món Nhật, món Thái.
Ba tôi nói món ăn Việt Nam phong phú lắm nha. Nền ẩm thực Việt Nam ảnh hưởng bởi một chút Trung Hoa, một chút Khmer, một chút Pháp. Còn chưa kể ẩm thực miền Bắc, miền Trung, miền Nam cũng khác nhau. Rồi phải kể ẩm thực cung đình Huế cũng là một gia tài quý giá, rồi lại ẩm thực thời khẩn hoang Nam bộ cũng lại phong phú thêm. Giáo sư Trần Văn Khê có nói, dân xứ Việt coi trọng chuyện ăn uống, cho nên mới nói “học ăn, học nói, học gói, học mở”, tức là ăn phải là cái đầu tiên cần được học. Rồi phải kể người Việt hay dùng từ “ăn” ghép vô các động từ khác, kiểu như “ăn học”, “ăn chơi”, “ăn nói”, “ăn mặc”, “ăn ở”… Cái gì cũng có “ăn” hết. Nói vậy không phải nói là người Việt ham ăn, mà chỉ muốn nói nghệ thuật ẩm thực là một điều rất quan trọng đối với người Việt, và thường thì người Việt ăn uống rất cầu kỳ.
Dân xứ mình sống giữa tài nguyên thực phẩm dồi dào là vậy. Kho tàng món ăn cũng phong phú là vậy. Thiết nghĩ phải cùng nhau giữ gìn kể cả tài nguyên và cả kho tàng đó để đời sau không phải hối tiếc. Lại nghĩ, các cuộc chiến tranh xảy ra đều do con người ganh ghét, và tham lam mà ra. Đừng để có chút ít món ngon đem dâng cho ngoại ban thưởng thức, chẳng khác nào xẻ thịt trâu mời cọp. Có một người đàn anh nói với tôi, chúng ta đã chứng kiến chiến tranh lãnh thổ, chiến tranh năng lượng, sắp tới sẽ là chiến tranh lương thực. Có chiến thắng được không là do lòng người có kiên định không, khối óc có đủ minh mẫn không. Tháng Năm âm lịch, ngẫm chuyện đời qua những món ngon.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.