Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng ông muốn có một thỏa thuận toàn diện giải quyết tất cả các bất đồng thương mại với Trung Quốc, nhưng nhiều nhà quan sát nhận định rằng nhiều khả năng cuộc đàm phán sắp diễn ra ở Washington sẽ chỉ đem đến ‘thỏa thuận nhỏ’.
Vòng đàm phán thương mại thứ 13 giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra trong tuần này. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà đàm phán hàng đầu của hai nước trên đất Mỹ kể từ khi các cuộc đàm phán sụp đổ hồi tháng 5.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc một lần nữa dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tới Washington vào ngày 10 và 11/10 để đàm phán, theo tuyên bố chính thức do Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra hôm 8/10.
‘Không lạc quan’
Trao đổi với VOA, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California nói rằng ông ‘không lạc quan về triển vọng cuộc đàm phán vào ngày mai’.
Ông nói mong muốn của Tổng thống Trump về một thỏa thuận toàn diện của Trung Quốc là ‘không thực tế’.
“Thỏa thuận toàn diện đòi hỏi những cải cách về hệ thống xã hội và luật lệ của Trung Quốc,” ông giải thích. “Điều này đối với Bắc Kinh là giống như thay đổi hẳn chế độ của họ.”
Ông lưu ý rằng lần này ông Lưu Hạc đi qua đàm phán ‘nhưng không có nhiều quyền hạn như trước đây nên sẽ khó có khả năng nhượng bộ nhiều vì còn phải đợi chỉ thị từ Bắc Kinh’.
Kết quả mà ông Nghĩa dự đoán là Trung Quốc ‘có nhượng bộ một chút là sẽ mua thêm nông sản của Mỹ’. Trong khi đó ông không cho rằng phía Mỹ sẽ có nhượng bộ gì thêm ngoài việc họ đã hoãn việc tăng thuế từ ngày 1 xuống ngày 15/10 để tránh ngày Quốc khánh Trung Quốc.
Theo ông Nghĩa thì kết quả này ‘có thể được coi là chiến thắng cho chính quyền Trump’.
“Ông Trump phải nhìn về mục tiêu ngắn hạn là cuộc tranh cử vào năm 2020. Trong suốt 3 năm qua ông Trump luôn chú ý đến thành phần cử tri của ông là hơn 40% nông dân và tìm mọi cách bảo vệ thành phần đó,” ông nói.
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng lần này chính quyền Trump đã đưa vào các vấn đề nằm ngoài thương mại như Hong Kong và nhất là Tân Cương khi Mỹ đã đưa 28 công ty công nghệ và tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen hạn chế mua bán với các công ty Mỹ do có liên quan đến hoạt động đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương.
Mỹ trước giờ cứ tưởng rằng trong giao dịch với Trung Quốc nên tránh nêu vấn đề nhân quyền thì họ sẽ giúp cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc và sẽ giúp cải thiện cơ sở chính trị xã hội của Trung Quốc. “Nhưng mọi chuyện sẽ không diễn tiến như người ta nghĩ,” ông Nghĩa nói.
‘Giảm bớt kỳ vọng’
Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc giảm bớt kỳ vọng một cách tinh tế trước cuộc đàm phán này khi hai phía vẫn còn chia rẽ sâu sắc trên các vấn đề cơ bản.
Dấu hiệu mà tờ báo này đưa ra là tại vòng đàm phán này, ông Lưu không còn được gọi là ‘đặc sứ’ của Chủ tịch Tập Cận Bình, dấu hiệu cho thấy ông không nhận được bất cứ chỉ thị cụ thể nào ông Tập.
Ngoài ra, tờ báo này dẫn lời một nguồn tin ẩn danh cho biết phái đoàn Trung Quốc đã lên kế hoạch cắt ngắn một đêm thời gian lưu lại Washington.
Trong một bài xã luận hôm 9/10, tờ Hoàn cầu Thời báo cũng cho biết phái đoàn Trung Quốc sẽ rời đi vào tối ngày 11/10 sau khi hoàn tất chương trình đàm phán, tức là sớm hơn dự định trước đó một ngày.
“Các cuộc đàm phán sắp tới sẽ rất khó khăn và kết quả rất không chắc chắn,” Hoàn cầu Thời báo dự báo.
Hai bên vẫn mâu thuẫn về những gì đã khiến cuộc đàm phán hồi tháng Năm đổ vỡ. Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc trở cờ vào phút cuối trên những lời hứa trước đó trong khi Bắc Kinh cáo buộc Washington tìm cách xâm phạm chủ quyền kinh tế của Trung Quốc.
Bầu không khí của cuộc đàm phán càng trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm 7/10 rằng bất cứ điều gì tồi tệ xảy ra trong cách xử lý tình hình bất ổn ở Hong Kong của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến kết quả đàm phán.
Trung Quốc đã liên tục mạnh mẽ yêu cầu Mỹ đứng ngoài các vấn đề nội bộ của họ trong vấn đề xử lý các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong.
‘Vừa đánh vừa đàm’
Bên cạnh đó, hôm 7/10, Mỹ đã đưa 28 cơ quan an ninh nhà nước và các công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen thương mại do họ bị cáo buộc có dính líu đến việc đàn áp người Uighur theo Hồi giáo ở Tân Cương.
Tình hình càng trở nên thêm phức tạp sau khi ông Trump công khai yêu cầu Bắc Kinh điều tra các hoạt kinh doanh tại Trung Quốc của cựu phó Tổng thống Joe Biden, một ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ và con trai ông là Hunter Biden.
Cho đến tuần này, Taoran Notes - tài khoản trên mạng xã hội của nhật báo Economic Daily vốn được Bắc Kinh sử dụng để quản lý kỳ vọng của công chúng - đã bày tỏ sự lạc quan về các cuộc đàm phán sắp tới. Nhưng vào ngày 8/10, họ cho biết rằng kết quả khả dĩ của cuộc đàm phán là tiếp tục ‘vừa đánh vừa đàm’.
“Một số người có thể hỏi, nếu Mỹ tiếp tục tăng thuế quan hơn nữa thì liệu có cần tiếp tục đàm phán hay không… câu trả lời là cần phải có biện pháp phản công cũng như cần phải để tiếp tục đàm phán vậy,” một bài đăng trên Taoran Notes được South China Morning Post dẫn lời viết.
Bình luận trên dường như ngụ ý rằng Trung Quốc sẵn sàng trả đũa nếu Mỹ cứ tăng thuế theo kế hoạch vào tuần tới.
Mỹ dự kiến sẽ tăng thuế đối với 250 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc từ 25 lên 30% vào ngày 15/10 sau khi đã trì hoãn trong hai tuần để tránh trùng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngoài ra, Mỹ đang đe dọa sẽ áp thuế 15% đối với hàng tiêu dùng trị giá 160 tỷ đô la của Trung Quốc vào ngày 15/12, sau khi 115 tỷ đô la hàng tiêu dùng đã bị đánh thuế 15% từ ngày 1/9.
‘Thỏa thuận nhỏ’
Ông Kuijs tại Oxford Economics nhận định với South China Morning Post rằng Mỹ có thể sẽ áp thuế theo kế hoạch vào ngày 15/10 và hành động này sẽ dẫn đến sự trả đũa từ Trung Quốc, nhưng ông hy vọng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận nhỏ để chặn thuế quan vào tháng 12.
“Đòi hỏi cho một thỏa thuận nhỏ dường như không cao cho lắm,” ông nói.
Mặc dù chính thức yêu cầu Mỹ rút lại tất cả thuế quan trừng phạt, hiện đã đánh lên gần như tất cả hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, Bắc Kinh đã tiếp tục đặt hàng mua nông sản Mỹ như đậu nành và thịt lợn để mở dọn đường cho một thỏa thuận nhỏ khả dĩ.
Đổi lại, Mỹ sẽ phải đồng ý hoãn hoặc thu hẹp thuế quan và gạt sang một bên, ít nhất là trong ngắn hạn, vấn đề nhức nhối về cơ chế thực thi trong bất kỳ thỏa thuận lớn nào, các thay đổi mang tính hệ thống trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và hạn chế trợ cấp công nghiệp của chính phủ.
Tổng thống Trump mặc dù nói rằng ông muốn có thỏa thuận toàn diện giải quyết tất cả các yếu tố hơn là một thỏa thuận nhỏ trên các vấn đề tương đối dễ dàng.
“Chúng ta đã đi xa đến mức này. Chúng ta đang làm tốt. Tôi muốn thỏa thuận lớn hơn nhiều,” ông Trump nói hôm 7/10.
Ông Thẩm Kiến Quang, người theo dõi kinh tế Trung Quốc kỳ cựu và hiện là kinh tế gia trưởng tại JD Digit, cho biết vẫn có khả năng cuộc đàm phán ở Washington sẽ dẫn đến thỏa thuận đình chiến.
“Trong các vòng đàm phán trước khi có nhiều kỳ vọng, thỏa thuận luôn nằm ngoài tầm tay; vòng đàm phán kỳ vọng lại thấp, nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không có gì cả,” ông Thẩm nói với South China Morning Post.
“Đây sẽ không phải là thỏa thuận toàn diện, nhưng một thỏa thuận đình chiến chính thức là có khả năng khi cả hai nền kinh tế đang dần cảm thấy thiệt hại của cuộc chiến thương mại,” ông nói thêm.
Cuộc họp báo của Nhà Trắng hôm 7/10 tuyên bố rằng cuộc đàm phán sẽ bao gồm một loạt các chủ đề, trong đó có ‘ép buộc chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, các rào cản phi thuế quan, nông nghiệp và cơ chế thực thi’. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã thu hẹp phạm vi của các cuộc đàm phán sắp tới và từ chối đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào về chính sách công nghiệp hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước, theo Bloomberg News.
Tờ National Review cũng nhận định rằng ‘không có khả năng đạt được thỏa thuận vào lúc này’. Tờ báo này dẫn lời ông Riley Walters thuộc Viện Heritage Foundation cho rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều không cảm thấy đủ sức ép để đưa ra những nhượng bộ có ý nghĩa. Đối với Trung Quốc, loại bỏ tất cả thuế quan của Mỹ là điều kiện tiên quyết cho một thỏa thuận, nhưng Nhà Trắng không muốn từ bỏ đòn bẩy thuế quan cho đến khi họ có thể xác nhận rằng Trung Quốc tuân thủ các yêu cầu thỏa thuận. Kết quả cuối cùng sẽ là tiếp tục thế bế tắc với thuế quan gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế.
‘Bước đi sai lầm’
Trong bài viết có tiêu đề ‘Bước đi sai lầm của chính quyền Trump làm suy yếu khả năng của Mỹ khi bước vào vòng đàm phán thương mại với Trung Quốc’, National Review cho rằng sự bất định thương mại đã khiến GDP Mỹ mất tới 0,8%, theo nghiên cứu của Hội đồng Cục Dự trữ Liên bang.
“Tin tốt là nền kinh tế Mỹ vẫn dẻo dai để tiếp tục tăng trưởng bất chấp thuế quan. Nhưng chỉ số sản xuất của Mỹ ở mức thấp nhất kể từ năm 2009, cho thấy hậu quả của cuộc chiến thương mại là rõ ràng,” bài báo viết.
Theo tờ báo này thì ngay từ đầu tranh chấp thương mại, các quan chức chính quyền Trump lập luận rằng thuế quan sẽ gây ra tổn thất ngắn hạn để đổi lấy lợi ích lâu dài khi kinh tế Trung Quốc tự do hóa. Hai năm sau, kết cục đó tỏ ra ngày càng hoang đường. Thay vào đó, cả hai bên đều phải trả chi phí thuế quan và quyết không lay chuyển.
National Review dẫn lời ông Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nói với National Review rằng thế bế tắc dai dẳng này ‘là kết quả của những sai sót chiến lược trong cách tiếp cận của Nhà Trắng’.
“Khi ông Trump lên nắm quyền, các quan chức chính quyền có cơ hội củng cố sự ủng hộ đối với trật tự thương mại toàn cầu bằng cách tranh thủ các đồng minh trong hành động đa phương chống lại Trung Quốc. Thay vào đó, chỉ ba ngày sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp để rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, một thỏa thuận thương mại bao gồm bốn trong số tám đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc,” ông Kennedy được dẫn lời nói.
“Với các điều khoản đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, thỏa thuận đó có thể đem đến cho Mỹ đòn bẩy rất lớn trong việc cô lập Trung Quốc và giảm bớt hậu quả của sự suy giảm trong thương mại song phương,” ông giải thích.
National Review cho rằng ‘Nhà Trắng không biết rõ họ muốn gì’. Theo tờ báo này thì các nhà đàm phán thương mại của Mỹ vẫn chưa nói rõ những cải cách cần thiết mà họ muốn ở Trung Quốc để loại bỏ thuế quan. Thường là họ đã bị xao lãng bởi các mục tiêu tương đối không quan trọng, chẳng hạn như thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc.
“Với việc yêu cầu Trung Quốc mua thêm đậu nành, Tổng thống Trump đã đặt việc giảm thiểu tác hại của chính sách thương mại của mình vào trung tâm cuộc đàm phán, thay vì dùng đòn bẩy thuế quan để áp lực Trung Quốc thực hiện cải cách có ý nghĩa. Do đó, Trung Quốc có thể chỉ ra những nhượng bộ nhỏ thay cho những quan ngại nghiêm trọng,” tờ báo viết.
“Điều này không có nghĩa là không thể có được kết quả tích cực với Trung Quốc. Đối mặt với gánh nợ ngày càng nhiều, các cuộc biểu tình ngày càng dữ dội ở Hong Kong và nền kinh tế đang chậm lại, chính quyền Trung Quốc có thể nhẹ giọng,” bài báo viết và dẫn lời ông William Schneider thuộc Viện Hudson chỉ ra rằng một số thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc ‘đã chống lại sự hung hăng của Chủ tịch Tập Cận Bình’.