Đường dẫn truy cập

Giá dầu tăng ảnh hưởng thế nào đến Mỹ và thế giới?


Persian Gulf Tensions
Persian Gulf Tensions

Giá dầu tăng vọt dịp cuối tuần vừa qua ‘không đáng lo trong ngắn hạn’ nhưng sẽ gây hậu quả tai hại cho kinh tế thế giới về dài hạn và Mỹ ở vị thế tốt hơn so với Trung Quốc để vượt qua cú sốc này, một chuyên gia kinh tế tại Mỹ cho VOA biết.

Các vụ tấn công bằng máy bay không người lái hôm 14/9 vào các nhà máy sản xuất dầu tại Abqaiq và Khurais của Ả Rập Xê-út đã khiến giá dầu Brent tăng lên 71,95 đô la Mỹ một thùng, tương đương với mức tăng 19% và là mức cao nhất kể từ tháng 5 năm nay.

‘Dự trữ dồi dào’

Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, hiện đang giảng dạy ngành MBA tại Keller Graduate School of Management, nhận định rằng ‘tình hình không đáng lo’.

“Sản xuất dầu hỏa của Ả Rập Xê-út cung cấp trên 6% lượng dầu thế giới nên phản ứng (của giá dầu) rất mạnh, nhưng sau hai ngày xảy ra vụ tấn công thì giá dầu đã trở lại mức bình thường,” ông cho biết.

Theo giải thích của ông thì tất cả nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, đều có dự trữ dầu mỏ dồi dào.

“Ngay cả Ả Rập Xê-út có dự trữ 300 triệu thùng dầu, Hoa Kỳ dự trữ trên 600 triệu thùng, Trung Quốc có dự trữ 325 triệu thùng. Các quốc gia trên thế giới dự trữ 1,2 tỷ thùng,” ông cho biết. “Số này đủ cung cấp nếu sản xuất dầu hỏa bị gián đoạn.”

“Dự trữ trên thế giới đủ cung cấp cho tiêu thụ trong thời gian 6 tháng trở lại,” ông nói.

Ngoài ra, nếu mức sản xuất không trở lại bình thường như trước thì khối OPEC, tức các nước xuất khẩu dầu mỏ, sẽ gia tăng sản xuất vì hiện nay họ chỉ mới sản xuất có 75% công suất, ông Lộc nói thêm.

Hiện tại, riêng Mỹ cũng đã sản xuất trên 12 triệu thùng dầu mỗi ngày. “Các hãng dầu mỏ của Mỹ sẽ gia tăng sản xuất nhiều nếu nguồn cung thế giới bị gián đoạn.”

Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới nếu vùng Trung Đông xảy ra xáo trộn khiến giá dầu thế giới tăng trở lại đến mức 70 đô la hay thậm chí 90 đô la Mỹ một thùng thì ‘sẽ rất tai hại cho kinh tế thế giới vốn đang rất mong manh vì chiến tranh thương mại’, ông Lộc nói.

‘Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng’

Theo phân tích của Tiến sĩ Lộc thì các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Âu.

“Trung Quốc nhập trên 25% lượng dầu mỏ từ Ả Rập Xê-út, Ấn Độ nhập trên 75% lượng dầu từ nước ngoài, trong đó chủ yếu là từ Ả Rập Xê-út,” ông cho biết.

Hiện với số lượng dự trữ là 325 triệu thùng dầu, Trung Quốc cho biết họ có thể cung ứng nhu cầu trong nước trong vòng một tháng, ông Lộc giải thích.

“Nền kinh tế của Trung Quốc trong tháng rồi suy giảm rất nhiều. Nếu giá thành sản xuất gia tăng (do giá dầu tăng) thì sẽ ảnh hưởng đến các công ty sản xuất chế tạo của Trung Quốc vốn đã bị ảnh hưởng bởi thuế quan,” ông phân tích.

Còn các nước EU, ông Lộc cho rằng do sắp vào mùa đông nên cần dầu mỏ để sưởi ấm. Tuy nhiên, sự thiếu hụt từ nhà cung cấp Ả Rập Xê-út ‘có thể được Mỹ, Nga và một số nước Trung Đông thay thế’ nhưng sự thay thế này ‘chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn’.

‘Mỹ có thể tự cung ứng’

Riêng Mỹ, mặc dù hiện đang là nhà sản xuất dầu hỏa lớn nhất thế giới, cũng bị tác động tiêu cực do giá dầu thế giới tăng, ông Lộc nói.

“Mỹ hiện đang sản xuất và xuất cảng dầu rất nhiều nhưng vẫn nhập cảng khoảng 7% lượng tiêu thụ để không phải đụng đến kho dự trữ.”

Nếu cung ứng dầu mỏ thế giới thiếu hụt trong dài hạn thì các hãng dầu Mỹ gia tăng khai thác và giảm bớt xuất khẩu cũng có thể cung ứng được cho thị trường nội địa, nhưng nếu giá dầu ảnh hưởng xấu đến kinh tế châu Âu thì cũng sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến kinh tế Mỹ, ông nói thêm.

“Mùa bầu cử đang đến. Nếu giá dầu mà tăng thì người ta bớt chi tiêu, bớt du lịch,” ông phân tích. Nhưng ông cũng lưu ý rằng diễn biến này ‘không làm lung lay lòng tin của người tiêu dùng Mỹ’ và đưa ra dẫn chứng là các thị trường chứng khoán Mỹ sau hai ngày giảm mạnh đã tăng trở lại.

Khi được hỏi so sánh tình hình hiện nay với vào thời điểm cuối những năm 70 của thế kỷ trước, khi bất ổn ở Trung Đông đã khiến giá dầu tăng vọt làm kinh tế thế giới suy thoái, ông Lộc cho rằng ‘tình hình sẽ không lặp lại’.

Theo lời ông thì giờ đây Mỹ đã sản xuất được dầu hỏa khai thác từ đá phiến nên ‘không còn bị lệ thuộc vào Trung Đông như thời đó’.

Riêng về Venezuela, nước xuất khẩu dầu đang ở trong tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội do giá dầu xuống thấp trong những năm qua, ông Lộc cho rằng nước này sẽ hưởng lợi từ giá dầu tăng ‘nhưng không nhiều’ vì các cơ sở sản xuất dầu đã bán cho các quốc gia khác và giá bán đã được quyết định từ trước trong hợp đồng ‘nên không thể tăng giá được’.

‘Thời điểm tồi tệ’

Theo hãng tin Bloomberg, việc giá dầu tăng kỷ lục ‘xảy ra vào thời điểm không thể nào tệ hơn đối với kinh tế thế giới đang trong bờ vực suy thoái sâu’.

“Mặc dù mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào việc tăng giá sẽ kéo dài bao lâu, diễn biến này sẽ làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vốn rất yếu ớt trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ-Trung và làm chậm nhu cầu trên toàn cầu,” hãng tin này nhận định.

Cú sốc giá dầu xảy đến trong bối cảnh có một loạt các dấu hiệu cảnh báo đối với kinh tế toàn cầu. Các dữ liệu từ Trung Quốc hôm 16/9 cho thấy sản lượng công nghiệp trong tháng tồi tệ nhất kể từ năm 2002. Hồi tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ thấp triển vọng tăng trưởng toàn cầu – vốn đã ở mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính – xuống 3,2% trong năm nay và 3,5% trong năm sau. Mức tăng trưởng 3,3% hoặc thấp hơn sẽ là yếu nhất kể từ năm 2009, Bloomberg cho biết.

Tuy nhiên, theo hãng tin này, tác động từ việc giá dầu tăng vọt sẽ khác nhau trên toàn thế giới.

Các nền kinh tế mới nổi vốn phải chăm chút cho tài khoản vãng lai và thâm hụt tài khóa - như Ấn Độ, Nam Phi và các nước khác - có nguy cơ chảy máu ồ ạt dòng vốn và đồng tiền tệ bị suy yếu.

Các quốc gia xuất khẩu dầu sẽ thấy thu nhập doanh nghiệp và thu nhập quốc gia được tăng cường, trong khi các quốc gia tiêu thụ sẽ gánh thêm chi phí, điều này có thể dẫn đến lạm phát lạm phát và làm tổn hại nhu cầu.

Với lạm phát không phải là mối quan tâm trước mắt trong nền kinh tế toàn cầu, mối lo ngại lớn hơn là tác động của cú sốc giá đối với nhu cầu toàn cầu vốn đang suy yếu.

“Lạm phát không thực sự là một vấn đề vào thời điểm này,” ông Louis Luijs, nhà kinh tế trưởng về châu Á thuộc Oxford Economics ở Hong Kong, được dẫn lời nói. “Tuy nhiên, sản xuất thiếu hụt và tăng giá sẽ bóp nghẹt sức mua và do đó đè nặng lên chi tiêu vào thời điểm bấp bênh của kinh tế toàn cầu.”

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang hướng đến cắt giảm lãi suất lần thứ hai liên tiếp trong cuộc họp vào ngày 18/9 và sau đó sẽ đến lượt Ngân hàng Nhật Bản, vốn chịu áp lực từ các nhà đầu tư để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, họp. Các ngân hàng trung ương của Brazil, Nam Phi, Na Uy, Thụy Sĩ và Anh cũng sẽ quyết định chính sách trong tuần này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhân cơ hội này để lặp lại các lời công kích vào Fed và yêu cầu cơ quan này giảm mạnh lãi suất. “Mỹ, vì Cục Dự trữ Liên bang, đang gánh mức lãi suất cao hơn nhiều so với các quốc gia cạnh tranh khác,” ông Trump viết trên Twitter hôm 17/9. “Giờ đây, trên hết, giá dầu tăng. Giảm lãi suất nhiều vào, kích thích kinh tế!”

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG