Đường dẫn truy cập

Ông Kim làm gì ở Trung Quốc trước cuộc gặp với ông Trump?


Ông Kim Jong-un đang có chuyến thăm kéo dài 4 ngày đến Bắc Kinh
Ông Kim Jong-un đang có chuyến thăm kéo dài 4 ngày đến Bắc Kinh

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chờ đợi trong hậu trường, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hôm 7/1 đã đến Bắc Kinh để gặp thượng đỉnh lần thứ tư với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – một nhà lãnh đạo khác mà ông Kim cần phải tranh thủ khi ông đang tìm cách làm suy giảm sự ủng hộ cho lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng trong khi không nhương bộ quá nhiều về phi hạt nhân hóa.

Chuyến thăm kéo dài bốn ngày của ông Kim diễn ra sau khi ông bày tỏ sự thất vọng trong bài phát biểu mừng Năm mới hàng năm về việc các cuộc đàm phán với Washington không đạt được tiến triển kể từ cuộc gặp thượng đỉnh vô tiền khoáng hậu với Tổng thống Trump ở Singapore hồi tháng Sáu năm ngoái. Nếu mọi việc không cải thiện – có nghĩa là không có động thái gì để nới lỏng cấm vận và đảm bảo an ninh – thì ông Kim cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ tìm ‘con đường mới’.

Cuộc gặp giữa ông Kim với ông Tập có thể sẽ có tác động lớn đối với nỗ lực của ông Trump muốn Bắc Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân mà vất vả lắm họ mới có được. Ông Trump đã nói rằng ông mong đợi sớm được gặp ông Kim. Tuy nhiên mối quan hệ của bản thân ông với ông Tập đã xấu đi nhiều trong bối cảnh cuộc chiến tranh quan thuế leo thang và ông đang bị phân tâm với môt loạt những vấn đề trong nước, trong đó có việc Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện.

Sau đây là những gì ông Kim có thể đạt được từ chuyến đi Bắc Kinh này:

Tính toán quyền lực

Việc ông Kim đến Bắc Kinh đúng vào ngày sinh nhật của ông nhấn mạnh Trung Quốc có vai trò quan trọng như thế nào như từ trước đến giờ trong mắt các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Đó là điều mà ai cũng biết. Nhưng nó thường xuyên bị chìm mất trong ánh hào quang hậu hội nghị thượng đỉnh Singapore. Cho đến khi tin tức về việc ông Kim lên đường đi Bắc Kinh được loan ra vào 8/1, sự chú ý của bên ngoài Bắc Triều Tiên chỉ tập trung vào khi nào và lúc nào ông sẽ có chuyến đi đầu tiên được nhiều người trông đợi đến Seoul. Sau đó lại có lời đồn đoán rằng, mà chủ yếu là do ông Trump khơi lên, rằng một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên nữa sắp được tổ chức và các quan chức đang đàm phán về địa điểm tổ chức cuộc gặp. Hà Nội, thủ đô Việt Nam, được cho là đang nằm trong danh sách được rút gọn.

Chuyến đi đầu tiên của ông Kim ra nước ngoài trên cương vị là lãnh đạo đất nước là tham dự cuộc gặp thượng đỉnh với ông Tập hồi tháng Ba năm ngoái. Cả hai nhà lãnh đạo đã gặp một lần nữa vào tháng Năm và tháng Sáu – tức là ngay trước và ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore.

Quay trở lại xa hơn, ông Kim được cho là đã tháp tùng thân phụ ông, ông Kim Jong Il, trong chuyến đi của ông đến Trung Quốc hồi năm 2010. Ông đã lên nắm quyền sau khi thân phụ ông qua đời một năm sau đó.

Ông Kim muốn gì?

Ông Kim muốn thoát khỏi các lệnh trừng phạt và ông Tập là người nắm giữ chìa khóa.

Trung Quốc hơn bất cứ nước nào khác là đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Bình Nhưỡng và cung cấp cho quốc gia này mọi thứ từ nhiên liệu cho đến bánh khoai tây. Các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia của Bắc Triều Tiên đến Trung Quốc và tuyến đường sắt xuyên biên giới giữa hai nước nằm trong số những tuyến kết nối thường xuyên duy nhất của nước này với thế giới bên ngoài và đặc biệt quan trọng đối với sự tồn vong về kinh tế của nước này. Ông Kim hiểu rằng đất nước ông lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều như thế nào.

Tuy nhiên, xung đột thương mại ngày càng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington cũng đem đến cho ông Kim một cơ hội. Trung Quốc chưa bao giờ ủng hộ các lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên như Washington. Do đó, hoàn toàn có khả năng ông Kim sẽ vận động ông Tập không đi theo chính sách của ông Trump là duy trì ‘sức ép tối đa’ lên Bình Nhưỡng cho đến khi nào nước này giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn.

Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, Bình Nhưỡng đã tỏ dấu hiệu sẽ trở lại như trước nếu các cuộc đàm phán với Mỹ thất bại. Bắc Triều Tiên cho rằng trong khi họ đã làm tất cả mọi thứ mà họ cần phải làm, Washington vẫn giữ thái độ thù địch và không khoan nhượng. Nếu như cách tiếp cận ngoại giao của ông Kim thất bại, Bình Nhưỡng sẽ quy trách nhiệm cho Washingtong và cho rằng các lệnh trừng phạt họ là không công bằng.

Tạo dựng cơ sở cho lập luận đó – và nghe lời khuyên của ông Tập – trước cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với ông Trump có thể là một trong các mục tiêu chính của chuyến thăm Bắc Kinh của ông Kim.

Hành động cân bằng

Phát biểu của ông Kim về việc ông có thể phải tìm ‘con đường mới’ để đảm bảo chủ quyền đất nước và đảm bảo hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phân tích ngoại giao.

Ông Ruediger Frank, giáo sư kinh tế-xã hội Đông Á tại Đại học Vienna, nhận định trong một bình luận cho trang web có uy tín 38 Vĩ độ Bắc rằng đó là đoạn văn quan trọng nhất trong toàn bộ bài phát biểu. Nó thể hiện sự tự tin ‘gần như tràn đầy’ về sự ủng hộ ngày càng tăng và đáng tin cậy của Trung Quốc.

“Do đó, tôi có thể lý giải lời đe dọa ‘tìm con đường mới’ của ông Kim không phải là dấu hiệu cho thấy sẽ có thêm các cuộc thử vũ khí hạt nhân nữa,’ ông viết, mà ‘là một thông điệp gửi đến ông Donald Trump: ông không phải là lựa chọn duy nhất cho an ninh và phát triển kinh tế của tôi. Nếu ông từ chối hợp tác, chúng tôi sẽ không cần ông nữa và sẽ tìm đến Trung Quốc. Ồ, chúng tôi sẽ đưa Hàn Quốc đi theo.”

Trong suốt quá trình lịch sử của mình, Bắc Triều Tiên là bậc thầy trong việc để cho các cường quốc đấu với nhau. Tuy nhiên ông Kim và cha ông của ông vẫn luôn cảnh giác không để cho Trung Quốc có ảnh hưởng quá nhiều lên các công việc của họ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG