Đường dẫn truy cập

Các ‘đại gia’ tài trợ cho lễ nhậm chức của ông Trump


Washington Post ước tính lễ nhậm chức lần này của ông Trump dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng từ $175 triệu đến $200 triệu.
Washington Post ước tính lễ nhậm chức lần này của ông Trump dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng từ $175 triệu đến $200 triệu.

Một trong những điều gây chú ý về lễ nhậm chức được hứa hẹn “rất đặc biệt” của Tổng Thống thứ 45 của Mỹ, Donald Trump, là chuyện tiền nong, chi phí. Đây được xem là sự kiện tốn kém nhất của nước Mỹ. Thông thường, nguồn kinh phí dành cho lễ nhậm chức tổng thống đến từ các nhà tài trợ và tiền thuế của dân.

Washington Post ước tính lễ nhậm chức lần này của ông Trump dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng từ $175 triệu đến $200 triệu cho toàn bộ sự kiện, bao gồm các cuộc diễu hành, các bữa tiệc chính thức, dạ hội, chi phí an ninh, vận chuyển, vệ sinh… Nhưng kênh tin tức ABC News nói kinh phí này thậm chí còn cao hơn.

Với chi phí lên đến hàng trăm triệu Mỹ kim như trên, điều mà nhiều người Mỹ quan tâm là có bao nhiêu tiền đến từ các nhà tài trợ, vì phần còn lại sẽ lấy từ tiền thuế của dân.

Cho tới sáng 20 tháng Giêng, thông tin từ Ủy Ban Phụ Trách Lễ Nhậm Chức Tổng Thống cho biết đã có được ít nhất $90 triệu từ các “đại gia” tài trợ cho sự kiện này. Con số này phá kỷ lục trước đây là $55 triệu tài trợ cho lễ nhậm chức lần đầu của Tổng Thống Barack Obama.

Hãng máy bay Boeing, tập đoàn xăng dầu Chevron, hãng giải khát Coca-Cola, hãng điện thoại truyền thông AT&T, Verizon… là những tên tuổi đã bỏ hầu bao chi trả cho ngày nhậm chức của ông Trump.

Tin cho hay Boeing chi $1 triệu, Chevron chi $500 ngàn, Verizon chi $100 ngàn cho các sự kiện ngày 20 tháng Giêng.

Theo quy định, những người vận động hành lang sẽ không được phép tài trợ cho sự kiện này.

Các nhà tài trợ sẽ được chọn một trong các gói quà, bao gồm vé mời cho buổi ăn tối đặc biệt dưới ánh nến, các buổi hòa nhạc có bắn pháo hoa và dạ hội nhậm chức.

Các nhà tài trợ chờ đợi gì từ tân tổng thống? Theo Business Insider, các nhà tài trợ cho lễ nhậm chức có thể là những công ty chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các đề xuất chính sách từ đội ngũ của ông Trump. Chẳng hạn, đại tập đoàn Boeing hiện đang rất phụ thuộc vào các hợp đồng với Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Trong khi ông Trump trước đây từng dọa sẽ bỏ chiếc chuyên cơ Air Force One do Boeing thực hiện. Các chính sách đối ngoại của ông Trump cũng có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc bán máy bay của Boeing tới các quốc gia như Iran và Trung Quốc.

Mỹ có quy định chặt chẽ về người được phép tài trợ cho các chiến dịch vận động của các ứng cử viên, nhưng không áp dụng cho lễ nhậm chức. Đến năm 2002, ủy ban phụ trách lễ nhậm chức đã yêu cầu phải công khai tên của các công ty và cá nhân tài trợ trên $200. Và danh sách này phải được công bố trong vòng 90 ngày sau lễ nhậm chức.

Tổng thống Barack Obama và George W. Bush đã tự nguyện công bố chi tiết danh sách này trước thời hạn. Năm nay, đội ngũ của ông Trump đã phá tiền lệ này.

Tại lễ nhậm chức năm 2009, ông Obama cấm nhận các khoản đóng góp trên $50 ngàn. Điều này được thay đổi vào lễ nhậm chức lần thứ hai của ông năm 2013. Lúc đó, các đại công ty như AT&T đã đóng góp hàng trăm ngàn đôla cho sự kiện này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG