Mối quan hệ với cộng đồng tình báo
Mối quan hệ hiện tại giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và cộng đồng tình báo Mỹ có thể được mô tả là đầy chông gai, đôi khi thù địch. Đó là bởi vì những lãnh đạo tình báo hàng đầu của Mỹ đều kết luận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump. Dù giới tình báo không đưa ra đánh giá liệu việc này có ảnh hưởng tới kết quả bầu cử hay không, song ông Trump xem kết luận này mang động cơ chính trị nhằm làm cho chiến thắng của ông mất tính chính danh. Ông Trump lên Twitter dè bỉu giới tình báo bằng giọng điệu đả kích và ngờ vực. Sau khi lộ tin cho hay ông Trump đã được báo cáo về những tuyên bố chưa được kiểm chứng nói rằng Nga nắm trong tay những thông tin gây tổn hại về ông, ông phẫn nộ so sánh giới tình báo Mỹ với Đức Quốc xã. Trong những ngày tháng tới ông Trump hàng ngày sẽ phải nghe báo cáo của họ để đưa ra những quyết định ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Đã có những tổng thống hoài nghi thông tin mà giới tình báo thu thập nhưng chưa một ai đả kích họ gay gắt và công khai như ông Trump. Dè bỉu những người mà hàng ngày có thể đương đầu với nguy hiểm phục vụ đất nước có thể gây tổn hại rất lớn, không chỉ đối với nhuệ khí của hàng trăm ngàn nhân viên tình báo mà nghiêm trọng hơn là với an ninh quốc gia.
Mối quan hệ với Nga/Putin
Nếu ông Trump có một lập trường nhất quán xuyên suốt thì đó là việc ông bày tỏ sự ngưỡng mộ và không ngần ngại tán dương Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dù trong cuộc họp báo gần đây ông Trump nói rằng ông chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử, song ông nhanh chóng đề cao mối quan hệ hữu hảo mà ông muốn có với ông Putin. Lập trường này trái ngược hoàn toàn với lập trường của chính Đảng Cộng hòa của ông muốn áp đặt những chế tài mạnh hơn nữa lên Nga, nước mà các chính quyền Mỹ suốt hàng chục năm qua vẫn xem là đối thủ địa chính trị hàng đầu của mình. Những lời tán dương và thái độ ngưỡng mộ ra mặt của một tổng thống Mỹ dành cho một tổng thống Nga là điều chưa từng thấy từ trước đến nay. Và với những phát biểu của ông Trump như NATO “đã lỗi thời” và Thủ tướng Đức Angela Merkel phạm “sai lầm thảm họa” về chính sách di dân, không khó hiểu vì sao nỗi lo sợ bao trùm các thủ đô Tây Âu khi ngày nhậm chức của ông Trump tới gần. Trật tự an ninh hậu Thế chiến thứ Hai có thể bị đe dọa nếu ông Trump nhất quyết dang rộng vòng tay với Nga, và hệ lụy của chính sách đối ngoại này là điều mà các nhà lãnh đạo Tây Âu không dám nghĩ tới.
Mâu thuẫn lợi ích
Một vấn đề nan giải của ông Trump khi làm tổng thống là những mâu thuẫn lợi ích từ đế chế kinh doanh trải rộng khắp toàn cầu của ông. Chưa một tổng thống Mỹ nào nhậm chức với khối lượng tài sản khổng lồ như ông Trump với hơn 500 công ty ở Mỹ và ở nước ngoài mà ông sở hữu, kiểm soát hoặc quản lý. Nhiều chuyên gia giám sát đạo đức chính phủ đề nghị ông bán hết tài sản của mình và để chúng vào một quỹ tín thác mù mà ông không biết tới. Nhưng trong cuộc họp báo gần đây luật sư của ông cho biết ông quyết định giao lại toàn bộ hoạt động kinh doanh cho hai người con trai tiếp quản thay vì những người quản lý độc lập. Kế hoạch này đã bị những chuyên gia đạo đức chính phủ gọi là “vô nghĩa” và “không đáp ứng những tiêu chuẩn mà mỗi một tổng thống đã đáp ứng suốt 40 năm qua.” Không khó để hình dung từ giờ trở đi những ai muốn gây ảnh hưởng tới nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới có thể tiếp cận hai người con trai của ông thông qua những thỏa thuận kinh doanh. Ông Trump viện dẫn luật pháp nói rằng tổng thống không có mâu thuẫn lợi ích. Điều này về lý thuyết là đúng, nhưng tất cả các tổng thống tiền nhiệm đều tự nguyện tách mình khỏi những lợi ích cá nhân để đặt lợi ích công lên đầu. Các chuyên gia giám sát đạo đức nói rằng những mâu thuẫn lợi ích của ông Trump, nếu không được giải quyết thỏa đáng, có thể gây nên khủng hoảng hiến pháp và làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với nhiệm quyền tổng thống của ông.