Đức, Pháp muốn tăng tài trợ và thêm quyền hạn cho WHO

Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ (ảnh chụp ngày 18/5/2020

Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ (ảnh chụp ngày 18/5/2020

Đức và Pháp muốn thêm tăng tài trợ và quyền hạn cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi đại dịch COVID-19 bộc lộ sự yếu kém về tài chánh và pháp lý lâu nay tại cơ quan Liên hiệp quốc này, một tài liệu nội bộ Reuters thấy được cho biết.

Các cải tổ đề nghị này có thể được thảo luận tại WHO vào giữa tháng 9, ba giới chức quen thuộc với những cuộc thảo luận nói với Reuters.

Trong tài liệu chung được luân lưu giữa các nhà ngoại giao liên hệ đến những cuộc thảo luận cải tổ, Berlin và Paris nói nhiệm vụ của WHO, bao gồm ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới và giúp các chính phủ ngăn chặn, không được hỗ trợ bởi những nguồn tài chánh đầy đủ và quyền hạn pháp lý.

“Không chỉ trong đại dịch hiện nay, rõ ràng là WHO một phần thiếu khả năng hoàn tất nhiệm vụ,” theo tài liệu Reuters thấy được.

Pháp và Đức đang tìm sự đồng thuận với tài liệu này “từ Washington đến Bắc Kinh”, một nguồn tin thân cận với những cuộc thảo luận cho biết.

Động thái này cho thấy hai nước quan tâm rõ rệt đến mục mục đích củng cố WHO, dù những cuộc thảo luận về vấn đề này với Mỹ đã sụp đổ vào đầu tháng 8 ở cấp G7 vì những khác biệt quan điểm trong cải cách.

Pháp và Đức đã không che giấu những chỉ trích đối với WHO dù Bộ trưởng Y tế hai nước đã cam kết các nguồn tài trợ mới cho WHO sau những cuộc thảo luận với Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus vào tháng 6.

Tuy nhiên khuynh hướng của hai nước này rất khác với chính quyền ông Trump. Chính quyền Trump đã cắt tài trợ và loan báo sẽ rút khỏi WHO vào tháng 7 sang năm cũng như cáo buộc ông Tedros là bù nhìn của Trung Quốc.

Kế hoạch cải tổ Pháp-Đức chú trọng đến việc củng cố WHO, một phần để gia tăng quyền lực của tổ chức để có thể chỉ trích nhiều hơn với những nước thành viên nếu họ không tôn trọng những qui tắc toàn cầu về minh bạch trong việc báo cáo những vấn đề sức khỏe và bệnh tật.

Một giới chức chính phủ Đức, được yêu cầu bình luận về tài liệu này, nói: “Đức cùng với những nước khác muốn cải tổ, những cuộc thảo luận đang được tiến hành ở những mức độ khác nhau.”

Chưa có bình luận từ Bộ Y tế Pháp.

Nữ phát ngôn viên của WHO cũng không cung cấp bất cứ thông tin nào.

Thiếu tài trợ

Bảy trang tài liệu vừa kể liệt kê 10 cải tổ nhằm gia tăng quyền hạn pháp lý và ngân quỹ của WHO.

“Toàn thể ngân sách của WHO gần 5 tỉ đô la trong hai năm bằng quỹ cùa một bệnh viện tiểu vùng lớn.”

Chỉ một phần năm ngân sách của cơ quan đến từ tiền chi trả của các nước thành viên mà không kèm theo điều kiện. Số tiền còn lại, tài liệu cho biết, được quyên góp qua những khoản đóng góp phần lớn là tình nguyện, ngắn hạn, và khó biết trước.

Vẫn theo đề nghị này, một ngân sách mạnh hơn là cần thiết, đặc biệt để đối phó với tình trạng khẩn cấp, tránh cho WHO phải gây quỹ giữa đại dịch bùng phát khiến giảm bớt tính độc lập của tổ chức.

Tài liệu đề nghị tăng quyền cho các chuyên gia của WHO có thể “điều tra độc lập và đánh già khả năng bùng phát dịch càng sớm càng tốt.’

Trung Quốc bị cáo buộc trong đại dịch này và trong các trận dịch trước đây là chậm chạp và chần chừ trong việc chia sẻ dữ liệu và cho phép đội ngũ của WHO tiếp cận thực địa.

Để đảm bảo là những cải tổ đề nghị được theo dõi thích đáng, tài liệu khuyến nghị thành lập một ủy ban các chuyên gia cho mục đích này, tương tự như ủy ban hiện đang đánh giá cách xử lý đại dịch.