Đức Giáo hoàng bị công kích là ‘dị giáo’

Đức Giáo hoàng Francis đang đối mặt với những người chống đối trong Giáo hội

Một nhóm 19 linh mục và học giả Công giáo kêu gọi các giám mục lên án Đức Giáo hoàng Francis là ‘dị giáo’ trong động thái tấn công đồng loạt mới nhất của phe bảo thủ cực đoan trong Giáo hội nhằm vào Giáo hoàng trên một loạt các vấn đề từ thông công cho những người ly hôn cho đến đa dạng tôn giáo.

Nhân vật có tên tuổi nhất trong nhóm công kích này là linh mục người Anh Aidan Nichols, 70 tuổi, thuộc dòng tu Dominica – người đã viết nhiều cuốn sách và là một trong những nhà giáo lý được biết đến nhiều nhất trong thế giới Anh ngữ.

“Chúng tôi xem biện pháp này là phương cách cuối cùng để phản ứng trước những thiệt hại cộng dồn lại của những hành động và lời nói từ Giáo hoàng Francis trong những năm qua vốn đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng tệ hại nhất trong lịch sử của Giáo hội Công giáo,” thư ngỏ dài 20 trang viết.

Lá thư công kích Giáo hoàng Francis vì cho là ông đã mềm mỏng hơn trong lập trường của Giáo hội trên một loạt các vấn đề. Các linh mục công kích cho rằng Đức Giáo hoàng đã không lên tiếng đủ mạnh chống lại việc phá thai và quá dễ dãi đối với người đồng tính cũng như quá chiều lòng những người Tin Lành và Hồi giáo.

Lá thư được công bố hôm 30/4 trên trang LifeSiteNews, một trang mạng Công giáo bảo thủ thường được dùng làm diễn đàn công kích Đức Giáo hoàng. Hồi năm ngoái, trang này đã đăng tải một tài liệu của Tổng giám mục Carlo Maria Vigano, cựu đại sứ Vatican ở Mỹ, kêu gọi Giáo hoàng Francis thoái vị.

Phát ngôn nhân Tòa thánh Vatican không bình luận về lá thư ngỏ vốn chứa đựng hàng chục ghi chú, trích dẫn từ Kinh Thánh, các tuyên bố của các đời Giáo hoàng trước. Thư ngỏ cũng kêu gọi mọi người ký tên ủng hộ qua mạng.

Thư viết: “Chúng tôi khẩn cầu các Quý Ngài khẩn trương giải quyết việc Giáo hoàng Francis công khai đi theo dị giáo.”

Lá thư kêu gọi họ ‘công khai khuyên nhủ Giáo hoàng Francis từ bỏ dị giáo mà ông ấy đã đi theo’.

Ông Massimo Faggioli, một giáo sư có tiếng về giáo lý lịch sử tại Đại học Villanova ở Mỹ, nói rằng lá thư là bằng chứng cho thấy sự phân cực đỉnh điểm trong Giáo hội Công giáo.

“Một bên là sự ủng hộ áp đảo trong Giáo hội toàn cầu dành cho Giáo hoàng Francis và một bên là nhóm nhỏ những kẻ cực đoan tìm cách tô vẽ Giáo hoàng là kẻ dị giáo. Vấn đề là có rất ít những lời phê bình hợp pháp và mang tính xây dựng đối với vai trò và những lời rao giảng của Giáo hoàng,” ông phân tích.

Giáo hoàng Francis đã kêu gọi Giáo hội bớt khắt khe và cảm thông nhiều hơn đối với những tín đồ ‘không hoàn hảo’, chẳng hạn những người đã ly dị và sau đó tái hôn bằng thủ tục dân sự.

Giáo hội Công giáo không chấp nhận cho ly dị. Theo giáo luật thì những người đã ly dị bị rút phép thông công trừ phi họ không có quan hệ tình dục với người bạn đời mới bởi vì cuộc hôn nhân đầu tiên của họ vẫn hợp pháp trong mắt của Giáo hội ngoại trừ trường hợp họ đã được tha.

Đức Giáo hoàng Francis đã mở cánh cửa cho một số biệt lệ, cho phép các linh mục hay giám mục được quyền quyết định liệu một người đã ly dị có được tái gia nhập hoàn toàn vào sinh hoạt của nhà thờ và được cấp phép thông công hay không trên cơ sở xem xét từng trường hợp một.

Những người bảo thủ cáo buộc Giáo hoàng gieo rắc sự mù mờ trong những vấn đề đạo đức quan trọng. Cho đến nay, Ngài vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của họ là giải tỏa các nghi ngờ cho họ.

Lá thư mới này liệt kê những điều mà họ cho rằng ‘bằng chứng cho thấy Giáo hoàng Francis phạm tội dị giáo’.

Nó công kích Giáo hoàng vì Ngài đã từng nói rằng ý định của Martin Luther, người khởi xướng phong trào cải cách dẫn đến sự ra đời của đạo Tin Lành, ‘không hề sai lầm’, và rằng Ngài không lên án nạn phá thai đủ mạnh mẽ và quá khoan dung với những người đồng tính.

Lá thư cũng chỉ trích Giáo hoàng đã ký tuyên bố chung với phái Tin Lành hồi năm 2016 trong đó Giáo hoàng nói rằng những người Công giáo ‘biết ơn’ về những ‘món quà giáo lý’ mà phong trào Cải cách đem lại.

Giáo hoàng cũng bị công kích vì đã ra tuyên bố chung với một lãnh đạo Hồi giáo ở Abu Dhabi hồi tháng 2 trong đó nói rằng sự đa nguyên và đa dạng tôn giáo là ‘ý Chúa’. Phe bảo thủ trong Giáo hội cho rằng chỉ có Giáo hội Công giáo La Mã là tôn giáo đích thực và các giáo dân được kêu gọi phải cải đạo người khác sang Công giáo.