Đảo chính Myanmar: Hội đồng Bảo an LHQ ‘quan ngại’, Mỹ cân nhắc chế tài

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 4/2 kêu gọi phóng thích lãnh đạo Myanmar, Aung San Suu Kyi, cùng những quan chức khác bị quân đội bắt giam và lên tiếng quan ngại về tình trạng khẩn cấp ở Myanmar dù không lên án cuộc đảo chánh.

Hội đồng gồm 15 thành viên được báo cáo tình hình hôm 2/2, một ngày sau khi quân đội Myanmar bắt bà Suu Kyi và những người khác để đáp trả ‘gian lận bầu cử’, trao quyền cho Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing và ban hành tình trạng khẩn cấp một năm.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres ngày 3/2 hứa huy động áp lực quốc tế lên quân đội Myanmar ‘để đảm bảo là cuộc đảo chánh này thất bại.’

Trong tuyên bố đã được đồng thuận, Hội đồng ‘nhấn mạnh sự cần thiết giữ vững thể chế và tiến trình dân chủ, tự chế tránh bạo động, và tôn trọng nhân quyền, các quyền tự do căn bản và pháp trị đầy đủ.’

Hội đồng ‘khuyến khích theo đuổi đối thoại và hòa giải phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar,’ tuyên bố nói.

Một phát ngôn viên của phái bộ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc nói Bắc Kinh hy vọng những thông điệp chính trong tuyên bố của Hội đồng Bảo an ‘có thể được tất cả các bên để ý đến và đưa đến kết quả tích cực.’

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4/2 kêu gọi quân đội Myanmar trao trả lại quyền hành, phóng thích các giới chức bị bắt giữ, và chớ có hành động bạo lực.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cùng ngày cho hay ông Biden đang cân nhắc ban hành một sắc lệnh phản hồi trước việc quân đội chiếm quyền tại Myanmar và có khả năng áp đặt chế tài lên những cá nhân và những thực thể do quân đội kiểm soát.

Ông Sullivan nói có sự ủng hộ của lưỡng đảng về vấn đề Myanmar, và chính quyền tin là có thể làm việc với Quốc hội ‘về một gói chế tài để áp đặt những hậu quả đáp ứng với cuộc đảo chánh này.’

“Chúng tôi cũng sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới,” ông nói tại một cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc.

“Chúng tôi đang xem xét khả năng về một sắc lệnh mới và chúng tôi cũng đang xét những chế tài có mục tiêu rõ rệt, cả về cá nhân lẫn những thực thể do quân đội kiểm soát làm giàu cho quân đội,” ông Sullivan nói.

Lãnh đạo quân đội Myanmar cầm quyền, Tướng Min Aung Hlaing, đã hành động nhanh chóng để củng cố quyền hành sau khi lật đổ nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi và bắt bà cùng các chính trị gia đồng minh vào ngày 1/2.

Các giới chức Mỹ trong tuần này cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ tiến hành duyệt xét lại sự viện trợ cho Myanmar.