Đài Loan tranh thủ Pháp và Úc trước sức ép từ Trung Quốc

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong buổi tiếp Thượng nghị sỹ Pháp Alain Richard

Đài Loan sẽ đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực và tìm cách làm việc với các nền dân chủ có cùng chí hướng, Tổng thống Thái Anh Văn nói với các quan chức Pháp và Úc hôm 7/10, vài ngày sau khi căng thẳng với Trung Quốc tăng đột biến.

Chuyến thăm của bốn thượng nghị sĩ Pháp và cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott diễn ra sau các cuộc xâm nhập của không quân Trung Quốc vào vùng phòng không của Đài Loan bốn ngày liên tiếp, bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước. Các động thái này đã khiến Washington và các đồng minh quan ngại.

Hòn đảo Đài Loan theo quy chế dân chủ đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nền dân chủ khác, nhất là Mỹ và các đồng minh, trong bối cảnh áp lực quân sự và chính trị ngày càng tăng từ Trung Quốc, vốn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ.

Phát biểu tại phủ tổng thống trước các thượng nghị sĩ Pháp, dẫn đầu là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Alain Richard, bà Thái cảm ơn nước Pháp vì mối quan tâm của họ về tình hình eo biển Đài Loan và sự hỗ trợ của Pháp cho Đài Loan tham gia vào cộng đồng quốc tế.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế để đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ đóng góp nhiều hơn cho thế giới cùng với nước Pháp,” bà Thái nói thêm.

Cựu Bộ trưởng Richard đã thảo luận về ‘đóng góp thiết yếu của Đài Loan trong lĩnh vực quan trọng là sự tiến bộ của con người’ nhưng không đề cập đến căng thẳng quân sự gia tăng với Trung Quốc trong các phát biểu được phát trực tiếp trên trang Facebook của phủ tổng thống Đài Loan.

Bà Thái đã đưa thông điệp tương tự trong phát biểu sau đó với ông Abbott, vốn nói với bà Thái rằng ông đến Đài Loan để giúp nước này chấm dứt sự cô lập quốc tế, ca ngợi nền dân chủ và cách xử lý đại dịch COVID-19 của vùng lãnh thổ này.

“Tất nhiên không phải ai và không phải nơi nào cũng hài lòng với sự tiến bộ của Đài Loan, và tôi lưu ý rằng Đài Loan đang bị thách thức gần như hàng ngày bởi người hàng xóm khổng lồ của mình,” ông Abbott nói.

Các thượng nghị sĩ Pháp đã đến Đài Loan hôm 6/10, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, vốn luôn tức giận trước các chuyến thăm Đài Loan của các quan chức nước ngoài.

Ông Richard, người đứng đầu Nhóm Hữu nghị với Đài Loan của Thượng viện Pháp, là Bộ trưởng Quốc phòng của đất nước từ năm 1997 đến năm 2002 dưới thời Tổng thống Jacques Chirac.

Bà Thái cho biết Đài Loan ‘rất xúc động’ khi ông Richard quyết định đến thăm, bất chấp điều mà bà mô tả là ‘áp lực’ – ý muốn nói đến Trung Quốc.

Vào tháng 3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris đã cảnh báo các nghị sỹ Pháp không được gặp các quan chức Đài Loan, động thái bị Bộ Ngoại giao Pháp bác bỏ và cho rằng các thượng nghị sĩ được tự do gặp bất cứ ai họ muốn khi họ công du.

Bà Thái không đề cập trực tiếp đến các hoạt động gần đây của không quân Trung Quốc trong các phát biểu công khai tại các cuộc gặp của bà với các thượng nghị sĩ Pháp hoặc cựu Thủ tướng Abbott.

Cả Pháp và Úc đều không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, giống như hầu hết các nước khác.

Trong một diễn biến riêng lẻ, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ hội nghị thượng đỉnh được lên lịch giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mỹ là nước ủng hộ quan trọng nhất của Đài Loan.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mỹ ở Đài Bắc và Washington để đảm bảo rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan vẫn không đổi,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou cho biết.

Chính quyền Đài Loan đã lên án các động thái của Trung Quốc đối với họ, và nói rằng họ sẽ bảo vệ nền tự do và dân chủ của hòn đảo, và chỉ có người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ.