Ý thức về hiểm họa Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ tìm cách đối phó

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (trước) và USS Nimitz (sau) cùng đi vào Biển Đông hồi tháng Bảy năm 2020

Mỹ và các nước đều lo ngại về ý đồ của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, thực hiện bá quyền trong khu vực, các quan chức và học giả Mỹ lên tiếng tại một hội thảo và cho biết Washington và các đối tác đang làm việc để chặn đứng tham vọng này của Trung Quốc.

Hội thảo thường niên về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington DC hôm 26/7 đã quy tụ các quan chức chính quyền Mỹ cùng các học giả Mỹ và các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đánh giá về tình hình trên Biển Đông một năm qua.

Tại hội thảo, các quan chức Mỹ từ cả nhánh lập pháp và hành pháp đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về cách hành xử ngày càng hung hăng của Bắc Kinh mà họ cho là đe dọa vị thế của Mỹ, làm tổn hại lợi ích của các nước, gây bất ổn cho khu vực và cho biết Washington phải quyết liệt đối phó.

Mối đe dọa từ Bắc Kinh

Dân biểu Rob Wittman, thành viên Cộng hòa thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện, nhắc lại việc kể từ năm 2018 sau khi bồi đắp các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Trung Quốc đã triển khai vũ khí, xây đường băng nhằm quân sự hóa các đảo nhân tạo này.

“Trung Quốc không thể được phép hoạt động để khẳng định chủ quyền ở khu vực mà họ không có chủ quyền,” ông quả quyết. “Và nếu nước Mỹ và các nước khác không phản công thì mặc nhiên Trung Quốc có thể nói rằng không có ai phản đối nên Biển Đông là thuộc chủ quyền của họ.”

Mỹ là nước duy nhất thực hiện các chuyến tuần tra vì tự do hàng hải trên Biển Đông (FRONOP), ông chỉ ra và khẳng định điều này ‘hết sức quan trọng’ mà Washington cần tiếp tục thực hiện.

Nếu không có những hoạt động FRONOP này thì ‘đùng một cái Bắc Kinh sẽ có thể ngăn cấm tàu thuyền thương mại lưu thông qua vùng biển này’.

Ông nói việc đẩy lùi Bắc Kinh trên Biển Đông có ý nghĩa đối với tầm nhìn toàn cầu của Mỹ bởi vì ‘nếu Bắc Kinh đẩy được Mỹ ra khỏi Biển Đông thì họ cũng có thể đẩy Mỹ ra khỏi những nơi khác trên thế giới.”

Về phần mình, bà Jung Pak, phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, lên án mạnh mẽ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông mà bà cho là ‘quá đáng và bất hợp pháp’.

“Những đòi hỏi chủ quyền này, cùng với các hành động khiêu khích để áp đặt chủ quyền đó góp phần gây bất ổn cho khu vực, gây thiệt hại cho nền kinh tế của các quốc gia tranh chấp khác, phá hoại trật tự hiện tại trên biển và đe dọa quyền và lợi ích của tất cả các nước vốn dựa vào tuyến đường biển trọng yếu này,” bà Pak phát biểu tại hội thảo.

Bà Pak chỉ ra những hành động ngày càng mạnh bạo của Bắc Kinh nhằm cưỡng ép, hăm dọa các nước tranh chấp cũng như các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như chặn máy bay của Úc đang bay trên không phận quốc tế trên Biển Đông hay quấy rối các tàu thăm dò dầu khí hay tàu tiếp tế của Philippines đang hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của nước này.

“Những hành động khiêu khích này theo sau những nỗ lực mới đây của Bắc Kinh là áp dụng luật trong nước để thực hiện những đòi hỏi chủ quyền phi pháp, bao gồm thực thi đạo luật cho phép sử dụng vũ lực đối với tàu thuyền nước ngoài trong một số trường hợp,” bà lên án.

Trong khi đó, dân biểu Wittman cảnh báo về việc hải quân Trung Quốc trong những năm qua đã tăng cường xây dựng lực lượng với ‘tốc độ kỷ lục’ và ‘ở mọi lĩnh vực’ từ đóng tàu trên mặt nước mới nhất, trang bị năng lực tân tiến cho khu trục hạm cho đến tự đóng hàng không mẫu hạm mới… Việc nâng cấp lực lượng này theo ông ‘cho thấy quyết tâm của Trung Quốc’.

Theo nhận định của bà Shuxian Luo, nghiên cứu viên hậu tiến sỹ thuộc Viện Brookings, thì Bắc Kinh gần đây đã từ bỏ cách tiếp cận trước giờ là phản ứng thụ động và chuyển sang chủ động đối đầu với các nước tranh chấp khác.

“Có vẻ như là Giải phóng quân Trung quốc vốn lâu nay chủ yếu vẫn yểm trợ cho lực lượng hải cảnh nay lại đóng vai trò ngày càng chủ động trong các tranh chấp trên Biển Đông,” bà cho biết.

Riêng việc đụng độ trên không giữa Trung Quốc và máy bay các nước, bà Luo cho là ‘nguy hiểm nhất’ vì các may bay bay trên trời chạm trán nhau ở tốc độ nhanh hơn nhiều so với tàu chiến trên biển. Điều này cho thấy mức độ Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận rủi ro ‘cao hơn nhiều’.

Giải thích cho thái độ này của Bắc Kinh, vị học giả này cho rằng trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào cuối năm nay ‘có cảm giác lo sợ ngày càng tăng ở Bắc Kinh rằng họ cần phải hành động khẩn trương hơn nữa để ngăn chặn điều mà họ cho là sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực’.

Từ những gì bà quan sát thấy trong giới học giả Trung Quốc, bà Luo cho biết họ đang quan ngại về ‘khoảng cách năng lực quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ lại được nới rộng khi Washington đang tăng cường đầu tư để củng cố năng lực’.

Hành động của Mỹ

Dân biểu Wittman nói Washington nâng cấp lực lượng hải quân của họ không chỉ ở số lượng mà còn ở năng lực, công nghệ tác chiến mới nhất để đảm bảo ưu thế trước hải quân Trung Quốc.
Theo lời ông thì Mỹ phải có một lực lượng răn đe để khi cần thiết có thể ‘tấn công một cách nhanh chóng và quyết đoán’.

Tuy nhiên, ông chỉ ra thực trạng đáng quan ngại là hiện giờ số tàu chiến của Mỹ được cho nghỉ hưu nhiều hơn số tàu được đóng mới và với đà này, cho đến năm 2027, hải quân Mỹ chỉ có 270 tàu so với con số 460 tàu mà phía Trung Quốc dự định có cho đến năm 2030.

Không chỉ về số lượng tuyệt đối, mà về số tàu chiến có những công nghệ mũi nhọn cả tấn công và phòng thủ, hiện giờ Bắc Kinh có nhiều hơn số số tàu có năng lực bằng hoặc hơn tàu chiến Mỹ, ông cảnh báo.

Vị dân biểu Cộng hòa này khẳng định Mỹ ‘không thể hành động một mình trên Biển Đông’ mà ‘cần phải có sự hợp tác với các nước cùng chung chí hướng’. “Đó là lý do tại sao Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) là hết sức quan trọng,” ông nói.

Ông cho rằng điều quan trọng là Washington phải giữ vững cam kết của mình đối với nhóm Bộ Tứ cũng như đảm bảo làm đúng nghĩa vụ đã hứa với các nước ASEAN về các thỏa thuận chiến lược và kinh tế.

Về các đối tác của Mỹ trong khu vực, ông chỉ ra những nước rất quan trọng đối với chiến lược của Mỹ là Nhật Bản, Philippines và Việt Nam – những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

“Chúng ta cần làm việc với những nước này để tìm hiểu làm sao để đẩy lùi những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và làm sao đẩy lùi những hành động hiểm ác của Bắc Kinh,” ông nói. “Chúng ta phải nói với họ rằng nếu quý vị tiếp tục những hành động hiểm ác như vậy thì sẽ có hậu quả.”

“Tôi trông đợi tháp tùng phái đoàn của Quốc hội Mỹ đi thăm đảo Guam, Philippines, Việt Nam và Úc vào tháng tới,” ông bày tỏ.

Trên phương diện ngoại giao, bà Jung Pak nhấn mạnh Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2020 đã công bố chính sách cập nhật trong đó bác bỏ ‘đòi hỏi chủ quyền bất hợp pháp’ của Trung Quốc trên Biển Đông.

Chính sách hợp tác của Mỹ với các đối tác trong khu vực bao gồm xây dựng năng lực, tập hợp sự lên án đa phương đối với tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc, thực thi ngoại giao pháp lý chuyên sâu, bày tỏ ủng hộ đối với tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trừng phạt các thực thể Trung Quốc đe dọa hòa bình và an ninh khu vực và tiến hành các cuộc tập trận đa phương thường xuyên để củng cố lòng tin của các đối tác về quyết tâm của Mỹ, bà Jung Pak nói tại hội thảo.

“Tại Bộ Ngoại giao chúng tôi đang làm việc cật lực cùng với các đồng nghiệp trong chính quyền cũng như các đồng minh và đối tác để đảm bảo rằng chúng tôi định hình môi trường chiến lược để giúp các nước đông nam Á lèo lái mối quan hệ của họ với Bắc Kinh và đẩy lùi hành động ngày càng quả quyết và nguy hiểm của Bắc Kinh trong khu vực,” bà cho biết.

Mục tiêu của Mỹ là giúp các nước có tranh chấp với Bắc Kinh có ‘công cụ và sức mạnh’ để đứng lên bảo vệ quyền tự quyết và chủ quyền của mình cũng như giúp xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ‘mở, tự do và thịnh vượng’.

Bà khẳng định cam kết của chính quyền Joe Biden đối với khu vực và dẫn chứng một loạt các chuyến thăm đến khu vực của các quan chức chính quyền từ phó Tổng thống, các bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, các thứ trưởng cũng như hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vừa qua mà Tổng thống Biden tiếp các nhà lãnh đạo đông nam Á ở Nhà Trắng.

“Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 10 năm 2021 là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ quay trở lại khu vực kể từ năm 2017,” bà Pak chỉ ra để khẳng định về cam kết của Mỹ đối với khu vực.