Âu châu cảnh cáo Tập Cận Bình

Tập Cân Bình và bà Ursula von der Leyen trên màn hình đối thoại thượng đỉnh Trung Quốc - EU, 1 tháng Tư.

Ông tiên đoán “Châu Âu sẽ bỏ Trung Quốc, Nhật Bản sẽ trở thành một tiền đồn chống Trung Quốc và Nam Hàn ngả mạnh vào vòng tay Mỹ.” Bài viết xuất hiện được một ngày thì bị kiểm duyệt.

Trước cuộc họp thượng đỉnh ngày Thứ Sáu 1 tháng Tư, Trung Cộng chỉ muốn nói chuyện giao thương còn Liên hiệp Âu châu (EU) muốn nói chuyện cuộc chiến ở Ukraine. Nhân viên ngoại giao Trung Cộng vẫn tìm cách chia rẽ Âu châu, chia rẽ Âu châu với Mỹ. Họ nói với các sứ quán nước ngoài rằng các nước mới gia nhập EU và các nước cũ không đoàn kết. Họ tiên đoán tình đoàn kết giữa Âu châu và Mỹ sẽ tan rã và cuộc phong tỏa kinh tế Nga sẽ thất bại vì dân châu Âu sẽ phản đối khi giá dầu, khí tăng lên.

Đài truyền hình CCTV của đảng Cộng sản nói rằng Âu châu đã bị Mỹ đâm sau lưng rồi, không thể tiếp tục lầm lẫn để cho Mỹ lôi kéo vào cơn nguy mới. Tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo ở Bắc Kinh viết trong bản tiếng Anh: “Bang giao giữa Âu châu và Trung Quốc không thể bị bắt cóc bởi chính sách ngoại giao của Mỹ.”

Trung Cộng muốn cuộc gặp gỡ trên mạng sẽ đưa tới việc ký kết các thỏa thuận về quan thuế, hâm nóng lại bản hiệp ước thương mại đang bị cất trong tủ lạnh. Nhưng EU không thể bàn chuyện này trong lúc Bắc Kinh cấm xuất nhập cảng với Lithuania, sau khi nước này cho Đài Loan mở một văn phòng đại diện. Lithuania, một nước thành viên EU, mua bán với Trung Quốc quá ít, không đáng kể. Nhưng dùng áp lực kinh tế để bắt một nước khác thay đổi chính sách ngoại giao của họ là điều không thể chấp nhận.

Tập Cận Bình thất bại. Vì EU coi vụ Nga xâm lăng Ukraine là vấn đề ưu tiên, cần nói hơn chuyện thương mại. Sau cuộc gặp trên mạng, ông Charles Michel, chủ tịch Hội đồng Âu châu tuyên bố “Chúng tôi đã yêu cầu Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình chấm dứt cuộc chiến Ukraine. Trung Quốc không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh nước Nga vi phạm luật lệ quốc tế.”

Trong mấy năm gần đây Liên hiệp Âu châu đã dần dần nhất trí khi đối diện Bắc Kinh. EU lên án Trung Cộng đàn áp người Hồi Giáo Uyghurs ở Tân Cương và tước đoạt tự do của dân Hồng Kông. Nga đánh Ukraine khiến họ đoàn kết hơn. Họ tiếc đã không tin những lời chính phủ Mỹ báo động khi Nga tập trung quân ở biên giới. Họ đã bị Vladimir Putin đánh lừa, bây giờ 27 nước EU phải lo lắng trước những lời Trung Cộng nói giả nhân giả nghĩa.

Một năm trước đây, Thủ tướng Angela Merkel nước Đức đã thúc đẩy một hiệp ước đầu tư giữa Âu châu và Trung Quốc. Bản dự thảo hiệp ước không còn được nhắc tới nữa khi các nước Âu châu lên án Trung Cộng vi phạm nhân quyền, Bắc Kinh trả đũa đuổi một số nhân viên ngoại giao. Cuộc xâm lăng Ukraine khiến các nước EU thấy phải cứng rắn hơn với các chế độ độc tài chuyên chế. Janka Oertel, một giám đốc trong Hội đồng Đối ngoại Âu châu, nói rằng dân Âu châu có cảm tưởng “hôm nay là Nga, ngày mai có thể là Trung Cộng, cho nên mình phải đề phòng.”

Trung Cộng vẫn tìm cách “đi hai hàng,” vừa than phiền về những chết chóc do chiến tranh gây ra vừa kêu gọi hai bên đàm phán, nhưng hề không lên án Nga xâm lăng. Khi nói chuyện với Joe Biden, Tập Cận Bình nói “không muốn thấy chiến tranh Ukraine xảy ra,” nhưng lại đòi “Ai treo cái lục lạc vào cổ con cọp thì người đó phải gỡ ra,” đổ cho Mỹ và NATO thúc cho Putin phải gây chiến, theo nhật báo The Washington Post. Lối đổ vạ này được cả guồng máy tuyên truyền của Trung Cộng lập lại.

Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Cộng Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian, 赵立坚) cũng đổ lỗi cho Mỹ và NATO: “Thủ phạm chính gây ra chiến tranh là nước Mỹ. Trong hai chục năm qua từ năm 1999, khối NATO từng bước một “đẩy Nga đến chân tường. NATO bành trướng về phía Đông trong năm đợt, tăng số thành viên từ 16 lên 30 nước.” Một điều Triệu Lập Kiên bỏ qua không nhớ, là tất cả các nước cộng sản cũ ở Đông Âu và ba nước vùng Baltic đã tự ý xin gia nhập NATO! Vì họ đều lo sẽ bị Nga xâm lăng. Vụ Putin đánh Ukraine chứng tỏ mối lo đó là chính đáng. Khi Vladimir Putin tỏ ý muốn NATO công khai tuyên bố không cho Ukraine gia nhập, Joe Biden đã trả lời rằng mỗi nước đều có chủ quyền, Mỹ không có quyền bảo NATO phải nhận hay không nhận bất cứ quốc gia nào.

Đây là đường ranh giới phân biệt hai khối đang thành hình trên trái đất: Một bên là những nước dân chủ và tôn trọng luật lệ quốc tế; bên kia là các chế độ độc tài không cho dân sống tự do và muốn dùng vũ lực bắt các nước nhỏ phải theo ý mình.

Trên nhật báo The Wall Street Journal ngày 1 tháng 4 năm 2022, bốn tác giả đã kiểm điểm lại những sai lầm của Mỹ và Âu châu trong hơn 20 năm qua, khi ông Vladimir Putin chứng tỏ tham vọng tái lập uy thế của nước Nga rất rõ ràng mà không gặp phản ứng. Putin đã đem quân vào nước thuộc Liên Xô cũ, ở Đông Âu và Trung Á, sang tới cả châu Phi và vùng Trung Đông. Nhưng các nước Âu châu và Mỹ vẫn nuôi hy vọng có thể dùng các hoạt động kinh tế, giao thương, đầu tư, giúp nước Nga phát triển thịnh vượng để chấp nhận sống bình thường trong cộng đồng quốc tế.

Putin nói nhiều lần với các nhà ngoại giao Âu châu rằng Ukraine không phải là một quốc gia đích thực, rằng ba nước Nga, Ukraine và Belarus chỉ là một. Mỹ và các nước khác không nghĩ rằng đó là một lời đe dọa cần đề phòng. Putin đã công khai chỉ trích việc NATO thâu nhận các nước cộng sản cũ, không ai quan tâm. Đến khi Putin hành động thì đã trễ.

Cuộc xâm lăng Ukraine khiến cả thế giới đổi thái độ. Các nước Âu châu và trong khối NATO đoàn kết với nhau và chấp nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ. Quan điểm của EU rất rõ ràng: Vladimir Putin đang dùng vũ lực xâm chiếm một nước khác; tức là đã vi phạm một nguyên tắc căn bản trong hiến chương thành lập EU.

Không những thế, Putin còn làm cho các nước thấy phải lo trước mối đe dọa của Trung Cộng. Trung Cộng vẫn không kết tội Nga xâm lăng, một thái độ đồng lõa thụ động. Trong các cuộc nói chuyện ngày Thứ Sáu, nhắc đến vụ Ukraine, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường vẫn không dùng các chữ “xâm lăng” và “chiến tranh.” Bản tin về cuộc nói chuyện trên mạng giữa Tập Cận Bình và bà Ursula von der Leyen, chủ tịch EU, chỉ nhắc đến tên nước Nga vài lần.

Thái độ đó không thể chấp nhận. Âu châu phải thay đổi chính sách trước mối đe dọa của Nga và Trung Cộng.

Trong cuộc họp thượng đỉnh trên mạng ngày Thứ Sáu, EU đã báo trước Trung Cộng sẽ bị cấm vận giống như Nga nếu giúp Nga vũ khí dùng để giết dân Ukraine. Hiện chưa có dấu hiệu nào là Trung Cộng đang giúp Nga tránh né lệnh cấm vận, chứng tỏ các công ty Trung Cộng vẫn sợ sẽ gánh những hậu quả không khác gì Nga. Kinh tế Trung Quốc cần thị trường tiêu thụ, cần tiền đầu tư và hiểu biết kỹ thuật của Âu châu nhiều hơn Âu châu cần đầu tư vào Trung Quốc. Nếu bị cả Âu châu, Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn cấm vận, kinh tế Trung Quốc sẽ xuống dốc.

Tập Cận Bình đang lo giữ địa vị trong kỳ đại hội đảng cuối năm nay. Được hệ thống tuyên truyền, thúc đẩy, dư luận trên các mạng xã hội ở lục địa đều ồn ào chống Mỹ, bênh vực Nga; cho nên Tập khó thay đổi đường lối ngoại giao trong lúc này.

Một học giả Trung Hoa, ông Hồ Vĩ, phó chủ tịch một trung tâm nghiên cứu của chính phủ, đã viết một bài trên mạng đề nghị đảng Cộng sản từ bỏ chính sách ủng hộ Nga ở Ukraine. Ông nhìn thấy thế yếu của Vladimir Putin, “dù chiếm được nước Ukraine” thì cũng sẽ khốn đốn như “ăn khoai nướng bị bỏng tay” (烫手的山芋, Nãng thủ đích san dụ); kinh tế Nga sẽ sụp đổ trong vài năm dưới áp lực phong tỏa. Ông tiên đoán “Châu Âu sẽ bỏ Trung Quốc, Nhật Bản sẽ trở thành một tiền đồn chống Trung Quốc và Nam Hàn ngả mạnh vào vòng tay Mỹ.” Bài viết xuất hiện được một ngày thì bị kiểm duyệt.

Ông Hồ Vĩ còn đề nghị Bắc Kinh đóng vai trò “một đại cường có trách nhiệm,” đứng ra hòa giải. Ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị đã nói có thể đứng trung gian. Nhưng Trung Cộng không có kinh nghiệm nào trong vấn đề này, xưa nay chưa từng làm công việc đó. Ngoại trưởng Mỹ đã báo trước, Trung Cộng không thể nào đóng vai trung gian; vì đã đứng hẳn về phía Putin rồi.

Thái độ của Âu châu đã cứng rắn hơn. Các nước Âu châu, từ nước Đức, Ba Lan cho tới Romania, Lithuania, đều gia tăng ngân sách quân sự. Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO nói, “Khi nhìn ra thực tế mới về an ninh, chúng ta đều thấy cần đầu tư bảo vệ an toàn quân sự,” theo báo The Wall Street Journal. Sẽ tới lúc các nước Nhật Bản, Nam Hàn, Australia, Ấn Độ thấy cần liên kết để bảo vệ an ninh trong vùng Á châu, nhất là eo biển Đài Loan và Biển Đông của Việt Nam. Đó sẽ là cơn nhức đầu cho Tập Cận Bình trong năm, mười năm tới.