Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg hôm thứ Tư lên tiếng xin lỗi về những sai lầm mà công ty của anh phạm phải trong việc xử lý dữ liệu thuộc về 50 triệu người dùng, và cam kết sẽ đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn để hạn chế sự tiếp cận của các công ty phát triển ứng dụng đối với những thông tin như vậy.
Mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới đang đối mặt với sự săm soi ngày càng tăng của chính phủ ở Châu Âu và Mỹ. Việc này diễn ra sau những cáo buộc của một người tố cáo tiêu cực nói rằng công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica ở Anh đã tiếp cận một cách bất hợp pháp thông tin của người dùng Facebook để lập nên những hồ sơ miêu tả về cử tri Mỹ. Những miêu tả này được sử dụng để giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử vào năm 2016.
"Đây là một sự bội tín lớn. Tôi thực sự lấy làm tiếc chuyện này đã xảy ra. Chúng tôi có trách nhiệm cơ bản là bảo vệ dữ liệu của mọi người," Zuckerberg nói với CNN, phá vỡ im lặng kể từ khi vụ bê bối vỡ lở vào cuối tuần trước.
Zuckerberg cho biết trong một bài viết đăng trên Facebook rằng công ty "đã mắc sai lầm, có nhiều việc cần phải làm, và chúng tôi cần phải tiến lên và làm điều đó."
Anh nói mạng xã hội này dự định tiến hành một cuộc điều tra nhắm vào hàng ngàn ứng dụng sử dụng nền tảng của Facebook, hạn chế sự tiếp cận của các công ty phát triển ứng dụng đối với dữ liệu và trao cho người dùng Facebook công cụ cho phép họ chặn tiếp cận dữ liệu Facebook của họ dễ dàng hơn.
Kế hoạch của anh không làm giảm khả năng sử dụng dữ liệu Facebook của các nhà quảng cáo, vốn là huyết mạch của công ty.
Các chính phủ châu Âu đã bày tỏ sự bất mãn trước phản hồi của Facebook và cho biết vụ bê bối này cho thấy sự cần thiết phải quản lý chặt Facebook.
Zuckerberg nói rằng anh sẵn sàng chịu thêm sự quản lý của chính phủ và sẵn lòng ra khai chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ nếu anh đúng là người cần phải ra khai chứng.
"Tôi không chắc chúng tôi không nên bị quản lý," anh nói với CNN. "Tôi thực sự nghĩ câu hỏi đúng hơn là, quản lý thế nào cho đúng thay vì quản lý hay không quản lý? ... Mọi người nên biết được ai đang mua quảng cáo mà họ nhìn thấy trên Facebook."
Zuckerberg nói rằng Facebook quyết tâm ngăn chặn sự can thiệp vào các cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào tháng 11 này cũng như các cuộc bầu cử ở Ấn Độ và Brazil.
Trong ba ngày qua, Facebook đã mất gần 46 tỉ đôla vì lo sợ của các nhà đầu tư rằng việc đại công ty công nghệ này không bảo vệ được dữ liệu cá nhân có thể khiến các nhà quảng cáo và người sử dụng trở nên dè dặt và thu hút sự quản lý khắt khe hơn.
Zuckerberg nói với báo The New York Times trong một cuộc phỏng vấn đăng hôm thứ Tư rằng anh không thấy một "số lượng đáng kể người dùng" đang xóa tài khoản của mình vì vụ bê bối này.
Các đại diện của Facebook đã gặp các nhân viên của Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Tư và tiếp tục các cuộc gặp ở Điện Capitol hôm thứ Năm. Facebook đã không thể trả lời nhiều câu hỏi được nêu ra, hai phụ tá tham dự cuộc gặp này cho biết.
Zuckerberg nói với trang tin Recode rằng những biện pháp sửa chữa để bảo vệ dữ liệu của người dùng sẽ tiêu tốn "hàng triệu đôla."
Christopher Wylie, cựu nhân viên của Cambridge Analytica, viết trên Twitter rằng anh đã chấp nhận lời mời khai chứng trước các nhà lập pháp của Mỹ và Anh.